(KDTT) – Đã hơn 30 năm sau đổi mới, 97% doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn chỉ là vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Nhiều doanh nhân lớn đã sẵn sàng cởi mở, cởi lòng chia sẻ kinh nghiệm để các doanh nghiệp khác cùng phát triển, cùng lớn.
Cái sai lớn nhất là đánh giá sai người
Doanh nhân Mai Hữu Tín, Chủ tịch U&I Group, tập đoàn đang đầu tư tại 56 công ty, bày tỏ: “Đã làm nhiều thì sai nhiều, sai nhất vẫn là đánh giá sai con người. Chúng tôi có thể mua doanh nghiệp nào đó với niềm tin lãnh đạo ở đó có tâm có tầm, có thể cùng mình thực hiện những dự định ban đầu nhưng sau đó mới phát hiện không phải thế thì thoát được sẽ vô cùng khó khăn. Và hiện tại vẫn sai, chắc không bao giờ hết sai, cái sai lớn nhất là tin người sai, thất bại ở gần 20 công ty của chúng tôi đều do nguyên nhân đánh giá sai về con người”.
Nhưng, Chủ tịch U&I cũng cho biết một trong những bí quyết thành công là văn hoá chia sẻ, quản trị bằng yêu thương và đó cũng là lý do để ông chọn tên cho công ty của mình ngay từ khi thành lập là U&I.
Tâm đắc với chia sẻ của cựu Chủ tịch hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Doanh nhân Trương Phước Ánh, một người cũng có rất nhiều trải nghiệm thương trường nói, ông rất đồng tình với quan điểm thứ duy nhất mình có thể kiểm soát được chắc chắn là tư duy, sự khác biệt giữa người này và người khác là tư duy, cho đến những triết lý khác về cuộc đời.
“Có được sự bình an để chấp nhận những gì không thể thay đổi, lòng can đảm để thay đổi những gì có thể và trí khôn để phân biệt được sự khác nhau. Đó là những thông điệp tôi rất thấm thía trên đường làm doanh nhân”, doanh nhân Trương Phước Ánh chia sẻ.
Thành bại là ở khách hàng
Trả lời câu hỏi về lý do thành công khi mà lĩnh vực mình khai thác có những đối thủ rất đáng gớm, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT của Thế giới Di động, nhấn mạnh rằng thành bại là do khách hàng “chứ đối thủ cạnh tranh chả quan trọng gì cả”.
Ông Tài trao đổi: khách hàng bỏ mình là mình chết, thế nên làm mọi thứ luôn nghe theo khách hàng.
Vị doanh nhân này kể: cái thời mới lập nghiệp, khi mà đến nhiều nơi luôn có hai cô gái xinh đẹp áo dài thướt tha mở cửa cho khách hàng khiến ông còn thấy thiếu tự tin thì ông “cấm” nhân viên của Thế giới Di động không được đi theo mà để khách hàng thoải mái xem xét ở cửa hàng. Sau này, khi lại có khách hàng phàn nàn rằng sao tôi đến Thế giới Di động, chả có nhân viên nào hỏi han thì khách đến cửa đã có người hỗ trợ nhiệt tình.
“Ở Thế giới Di động không có nhân viên bảo vệ đơn thuần như nhiều nơi khác. Chúng tôi hiểu rằng bảo vệ chính là người đầu tiên tiếp đón khách hàng. Bởi vậy chúng tôi cũng khiến đội ngũ bảo vệ hiểu rằng khách hàng chính là người đem đến cho họ thu nhập, niềm vui chứ không phải đem đến sự mệt mỏi nên bất cứ giờ nào họ cũng đón tiếp khách hàng niềm nở, họ có thể cầm cái vé giữ xe bằng hai tay đưa cho khách hàng chỉ bằng tuổi con mình”, ông Tài trao đổi.
Tất nhiên, doanh nhân Đức Tài cũng từng nếm trải thất bại. Và từ đó, họ dám thẳng thắn nhìn vào thiếu sót để đứng dậy và khắc phục.
Trong khi các doanh nhân trăn trở với câu hỏi: Làm gì để trở thành DN lớn thì Nhà nước cũng hết sức hỗ trợ doanh nhân. Ở đây, Nhà nước có vai trò kiến tạo, tạo thuận lợi cho mọi doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.
Luật Cạnh tranh, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được Quốc hội ban hành. Chính phủ kiên định cắt giảm các điều kiện kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp bằng những giải pháp hợp lệ.
“Nhà nước không hỗ trợ doanh nghiệp bằng miễn thuế hay trợ giá cước vận tải, vì làm như thế doanh nghiệp quốc tế sẽ kiện. Sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ thông qua các hoạt động đào tạo, thúc đẩy liên kết ngành, định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội”, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nói.
Nền kinh tế sẽ vận hành hiệu quả hơn nếu chuỗi liên kết sản xuất được xây dựng với trụ cột là các doanh nghiệp lớn, thành danh; các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm vệ tinh, còn người lao động được đào tạo nâng cao ý thức làm việc, lấy hiệu quả công việc và chất lượng môi trường sống làm thước đo.
Theo KDPT