web analytics

Doanh nghiệp khó tiếp cận các gói hỗ trợ để vượt qua ảnh hưởng của Covid-19 18/05/2021

(KDTT) – Thời gian vừa qua, rất nhiều gói hỗ trợ đã được Chính phủ triển khai, nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều DN cho biết không dễ để tiếp cận được với các gói hỗ trợ này.

Không dễ tiếp cận

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Lê Hà Minh – Giám đốc Công ty TNHH Eco Garment Việt Nam – một DN siêu nhỏ được thành lập vào năm 2015 với khoảng gần 30 lao động, hoạt động trong lĩnh vực thời trang – cho biết: Hiện tại DN cũng chưa tiếp cận được với những gói hỗ trợ của Chính phủ đưa ra, nguyên nhân theo bà Lê Hà Minh đưa ra là các chính sách, tiêu chuẩn để tiếp cận được gói hỗ trợ hơi cứng nhắc và thiếu linh hoạt, nên không phù hợp với DN, nhất là các DN nhỏ và siêu nhỏ.

Nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được các gói hỗ trợ tín dụng

Thực tế, năm 2020, trước bối cảnh các DN phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do dịch Covid-19, Chính phủ đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ tài khóa đối với DN. Điển hình trong số đó là gói cho vay 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN trả lương cho người lao động theo Thông tư 05/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; gói an sinh xã hội với quy mô 62.000 tỷ đồng và gói tài khóa giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất với tổng giá trị 180.000 tỷ đồng…

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, qua tìm hiểu thông tin với các DN và hiệp hội, các gói hỗ trợ của Chính phủ đưa ra chưa đến được tay nhiều DN và hộ gia đình, nguyên nhân là do tiêu chuẩn còn quá cao, không sát thực tiễn và chưa phù hợp với điều kiện, nhu cầu của các DN.

Điển hình như gói cho vay để trả lương có giá trị 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0%, được NHNN triển khai từ tháng 5/2020, nhưng mãi đến tháng 7/2020 mà vẫn chưa DN nào được vay, vì tiêu chuẩn đưa ra quá cao. Và chỉ đến khi Chính phủ hạ tiêu chí xuống thì đến tháng 11/2020 mới có 60 DN được vay. Và tính đến tháng 2/2021, mới có 31/16.000 tỷ đồng được giải ngân, như vậy số DN tiếp cận được với gói vay là quá ít.

Cần có tiêu chí linh hoạt hơn để nhiều doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ

Linh hoạt hơn để phù hợp với doanh nghiệp

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, các gói hỗ trợ tài khóa của Chính phủ thời gian qua có ý nghĩa tích cực đến tâm lý, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng các gói hỗ trợ này đưa ra các tiêu chuẩn quá cao, nên không phải DN nào cũng tiếp cận được, nhất là các DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, họ hạn chế về nhiều mặt so với các DN lớn, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện một DN siêu nhỏ cho rằng, các gói hỗ trợ đưa ra những tiêu chí chặt chẽ không khác gì các gói vay của các ngân hàng đưa ra, thậm chí hơn cả ngân hàng. Nếu đáp ứng được các tiêu chí của gói hỗ trợ thì bản thân DN đã đáp ứng được các yêu cầu của ngân hàng, vậy thì vay ngân hàng cho nhanh, chứ cần gì phải đợi gói hỗ trợ.

Cũng với quan điểm trên, bà Lê Hà Minh mong muốn, các gói hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN trong thời gian tới đây cần linh hoạt hơn để phù hợp với nhu cầu và điều kiện của từng DN, nhất là đối với DN nhỏ và siêu nhỏ.

Còn chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thì cho rằng: Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các gói hỗ trợ thời gian qua, từ đó đưa ra những gói khác phù hợp hơn trong thời gian tới.

Trên thực tế, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP vào ngày 19/4 về gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuế đất trong năm 2021. Nhưng để tháo gỡ khó khăn cho DN, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn cần tiếp tục có thêm gói an sinh xã hội, gói cho vay ưu đãi, nhất là đối với lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 như hàng không, du lịch và lưu trú – ăn uống. Và để tăng hiệu quả của các gói hỗ trợ, Chính phủ và các bộ, ngành cần thiết kế các gói hỗ trợ với những điều kiện linh hoạt hơn, để nhiều DN tiếp cận được với gói hỗ trợ.

4 tháng đầu năm 2021, số lượng DN đóng cửa, tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái, với khoảng 25%. Điều đó cho thấy, cộng đồng DN vẫn vô cùng khó khăn, nhất là một số lĩnh vực như du lịch, hàng không, dịch vụ lưu trú – ăn uống.

NGUYỄN HÒA\

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn link gốc: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-kho-tiep-can-cac-goi-ho-tro-de-vuot-qua-anh-huong-cua-covid-19-157132.html