web analytics

Doanh nghiệp địa ốc gập ghềnh gọi vốn 10/03/2020

(KDTT) – Để hạn chế phụ thuộc vào nguồn tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp địa ốc đã đa dạng hóa nguồn huy động vốn, trong đó nhiều doanh nghiệp hướng tới dòng vốn rẻ từ thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, với diễn biến bất lợi ngoài dự tính của thị trường, con đường này xem ra cũng không dễ đi.

Tăng huy động vốn qua thị trường chứng khoán

Nổi bật nhất trong những thông tin trước thềm đại hội đồng cổ đông 2020 là việc CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã CK: NVL) lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua phương án phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ thực hiện quyền tối đa 1:0,39 (cổ đông sở hữu 100 cổ phần sẽ được nhận tối đa 39 cổ phần). Với gần 970 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Novaland sẽ phát hành thêm hơn 378 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ tăng thêm 3.780 tỷ đồng, lên hơn 13.475 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính, hiện NVL đang có 3.860 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần. Như vậy, Công ty sẽ dùng gần hết phần thặng dư để phát hành cổ phiếu thưởng. Việc bổ sung nguồn vốn của NVL không nằm ngoài mục đích giảm một phần sức ép từ các khoản nợ vay tài chính, cũng như bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ cho việc phát triển các dự án.

Tương tự Novaland, mới đây, CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã CK: HPX) cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2018 cho cổ đông. Theo đó, Hải Phát Invest dự kiến phát hành gần 30 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 15%. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2018 trên báo cáo tài chính kiểm toán của Công ty. Dự kiến sau phát hành, Hải Phát Invest sẽ tăng vốn điều lệ từ gần 2.000 tỷ đồng hiện nay lên gần 2.300 tỷ đồng.

Trước đó, hồi cuối tháng 2/2020, HPX cũng vừa huy động thành công thêm 166 tỷ đồng từ phương án phát hành trái phiếu với lãi suất 11%/năm. Nguồn vốn bổ sung từ phát hành cổ phiếu và trái phiếu sẽ giúp HPX có thêm nguồn lực để phục vụ cho việc mở rộng đầu tư thêm một loạt dự án mới như đã công bố thời gian vừa qua, đồng thời cũng giảm phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng.

Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (mã CK: CII) cũng vừa thông qua tổng thể phương án phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, lãi suất cố định, thời hạn 3 năm, được bảo đảm bằng tài sản. Nguồn trả nợ trái phiếu là nguồn thu từ hoạt động sản xuất – kinh doanh của Công ty.

Khác với thông thường, trái phiếu của CII có phương án dự phòng cho trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu, bằng cách Công ty sẽ phát hành thêm cổ phiếu với giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng để đảm bảo thanh toán cho trái chủ.

CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (mã CK: XMC) sau nhiều năm mở rộng đầu tư mới bằng vốn vay, cuối năm 2019 đã thực hiện bổ sung vốn lưu động, tăng quy mô hoạt động cho Công ty thông qua thực hiện tăng vốn điều lệ.

Theo đó, Công ty phát hành thêm hơn 9,62 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, thu về hơn 96,2 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ lên 673,6 tỷ đồng.

Các năm trước, Xuân Mai từng nhiều lần chủ trương dùng lợi nhuận để tăng vốn, nhưng kết quả kinh doanh không thuận lợi, khiến kế hoạch của doanh nghiệp không thể thực hiện được.

Hồi đầu năm, CTCP Xây dựng số 3 cũng đã thông báo phát hành thành công 28,3 triệu cổ phiếu, thu về gần 286 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 27,4 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, số còn lại chào bán cho các đối tượng khác với giá 12.000 đồng/cổ phiếu.

Theo phương án, toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán dành để đầu tư cho dự án Khu biệt thự nhà vườn Vinaconex 6 – Đại Lải và bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh của Công ty.

Đường đi không dễ

Trong Báo cáo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam tháng 1/2020, Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán SS cho biết, VN-Index khởi đầu năm 2020 với mức P/E trượt (trailing P/E) là 15,9 lần, thấp nhất kể từ tháng 2/2019. Với mức định giá tương đối hấp dẫn và chỉ số đi ngang trong một thời gian dài, thị trường chứng khoán sẽ có nhiều cơ hội hơn khi bước sang năm mới.

Theo SSI, kinh tế tăng trưởng ổn định, giải ngân đầu tư công tăng tốc, xu hướng giảm lãi suất hỗ trợ về mặt định giá, cũng như tăng trưởng lợi nhuận cho doanh nghiệp và cơ hội thu hút dòng vốn nước ngoài được báo cáo của SSI nhận định là những yếu tố nền tảng đem đến kỳ vọng cho thị trường trong năm 2020.

Không chỉ SSI, đó cũng là kịch bản được nhiều công ty chứng khoán dự báo cho thị trường trước thềm năm 2020. Với kịch bản này, cơ hội gọi vốn với các doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp địa ốc đang niêm yết sẽ sáng sủa hơn, qua đó giảm phụ thuộc vào dòng vốn đi vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, diễn biến thị trường sau Tết Âm lịch đã đi theo kịch bản ít ngờ tới khi liên tục lao dốc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Giá cổ phiếu giảm mạnh, tâm lý nhà đầu tư e ngại khiến con đường gọi vốn qua thị trường chứng khoán không còn dễ đi như tính toán ban đầu. Trước khó khăn bất ngờ này, các doanh nghiệp phải tính toán lại bài toán dòng vốn, kế hoạch kinh doanh, lên các giải pháp ứng phó với thách thức.

Với những doanh nghiệp bất động sản cần nguồn vốn lớn để triển dự án, việc giữ lại lợi nhuận ưu tiên cho tái đầu tư, phát hành cổ phiếu, hay phát hành trái phiếu, vay ngân hàng sẽ là các phương án cần được tính toán kỹ lưỡng và cần có sự phòng bị ngay từ bây giờ.

Theo baodautu.vn