web analytics

Doanh nghiệp bất động sản tự tin giữa tâm dịch Covid-19 29/03/2020

(KDTT) – Không ít doanh nghiệp bất động sản tự tin với dự án tốt hoặc mảng kinh doanh bền vững, bất chấp dịch Covid-19 đè nặng tâm lý nhà đầu tư và nền kinh tế toàn cầu.

Vn-Index đã rơi về vùng hơn 650 điểm, mức thấp nhất 3 năm qua. Đa phần cổ phiếu bất động sản, kể cả những cổ phiếu trụ cột cũng liên tiếp nhiều phiên chìm trong sắc đỏ như VIC, FLC, QCG, TCH, LDG hay DRH TDH, TIG, FLC, DXG… Tuy vậy, vẫn có những mã cổ phiếu bất động sản kéo lại niềm tin nhà đầu tư bởi lãnh đạo hứa sẽ tăng lãi trong năm 2020.

Có sản phẩm tốt là thắng

Theo giới chuyên gia, dịch bệnh có thể kéo dài trong vài tháng và nền kinh tế sau đó có thể trì trệ, nhưng nhu cầu nhà ở là lâu dài. Đó là lý do thị trường bất động sản nhìn sâu hơn không ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Có chăng những đơn vị môi giới không bán được hàng giữa dịch Covid-19 nhưng vẫn phải gánh lãi vay ngân hàng thì sẽ khó khăn tức thời. Hoặc cổ phiếu bất động sản về thấp hơn so với giá trị doanh nghiệp trong dòng chảy chung của thị trường chứng khoán trong nước và chứng khoán toàn cầu.

Còn đối với những doanh nghiệp có quỹ đất sạch, dự án tốt thì lúc này là thời điểm có cơ hội vay vốn giá rẻ. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận năm 2020 vẫn không thay đổi và vẫn kỳ vọng tăng trưởng.

Chẳng hạn, CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (mã NTL) đề ra kế hoạch lãi trước thuế đạt 450 tỷ đồng trong năm 2020, gần gấp đôi so với kết quả thực hiện năm 2019. Kế hoạch này đặt ra nhìn vào nguồn doanh thu từ kinh doanh nhà vườn tại dự án Khu đô thị Lideco Hoài Đức khoảng 690 tỷ đồng và 360 tỷ đồng doanh thu từ kinh doanh dự án Khu đô thị tại phường Cao Thắng, Hạ Long, Quảng Ninh.

Năm 2020, CTCP Nam Long (NLG) đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận tư 25 – 30% trong giai đoạn 2019 – 2021. NLG ước tính tiếp tục cung ứng 3.000 sản phẩm ra thị trường và thu về gần 8.000 tỷ đồng doanh số sản phẩm đến từ 3 dự án Waterpoint giai đoạn 1, Mizuki Park và Akari City. Dự kiến trong giai đoạn này, công ty sẽ xây dựng hơn 10.000 sản phẩm mới, và bàn giao hơn 6.600 sản phẩm EHome, Flora, Valora.

CTCP An Gia (AGG) là cái tên mới trên thị trường chứng khoán nhưng gây được chú ý với quỹ đất lớn. Công ty này cho biết dự kiến bán các dự án như Westgate (TP.HCM), đồng thời mở bán các dự án mới và một số dự án khác đang trong quá trình ký kết. Mục tiêu doanh thu 2020 ghi nhận đạt 2.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 450 tỷ đồng – tăng 50% so với năm 2019.

CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã DIG) cũng lên kế hoạch đạt 3.500 tỷ đồng doanh thu và 850 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng với mức tăng trưởng 40% và 55% so với kết quả thực hiện năm 2019. Được biết kế hoạch năm 2020 của DIG tăng trưởng dựa trên nguồn thu đến từ 2 dự án tại Vũng Tàu. Chung cư Vũng Tàu Gateway và dự án CSJ Tower có thể đem về 800 tỷ đồng cho DIG.

CTCP TTC Land (SCR) đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.871 tỷ đồng, tăng 80%; lợi nhuận trước thuế dự đạt 390 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2019. Sang năm 2020, CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) cho hay hoạt động kinh doanh sẽ tích cực hơn bởi các dự án trọng điểm đang có sự chuyển mình. Kỳ vọng năm 2020, CII đạt 6.600 tỷ đồng doanh thu và 1.608 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Hay như CTCP Đầu tư và Xây dựng số 18 (mã L18) dự kiến doanh thu đạt 1.922 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt gần 59 tỷ đồng, tăng 68% so với thực hiện năm 2019.

Mảng kinh doanh bền vững không sợ dịch

Tại đại hội cổ đông hôm giữa tháng 3, CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2020 với tổng doanh thu công ty mẹ 2.460 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.148 tỷ đồng. So với mức thực hiện năm 2019, doanh thu ước của PHR tăng 46% và lợi nhuận tăng 115%.

Mảng kinh doanh cốt lõi của PHR bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hợp đồng tương lai cao su tự nhiên trên Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) đã giảm đến 26,5% chỉ trong 2 tháng qua, khiến mảng sản xuất kinh doanh cao su của PHR dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Kéo lại, PHR kỳ vọng tích cực của mảng kinh doanh khu công nghiệp. Được biết, PHR hiện sở hữu 80% cổ phần CTCP Khu công nghiệp Tân Bình và hơn 30% cổ phần tại CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC). Theo đó, PHR sở hữu gián tiếp Khu công nghiệp Tân Bình có tổng diện tích 363,41ha, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên với diện tích 332ha và Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng với diện tích 289ha.

Khu công nghiệp đem lại lợi nhuận ổn định cho doanh nghiệp

Các khu công nghiệp này đều đang có tỷ lệ lấp đầy cao. Trong năm 2019, mảng khu công nghiệp tuy chỉ đóng góp 23,8% doanh thu, nhưng đóng góp đến 62,8% lợi nhuận gộp cho PHR.

Ðơn cử như tại CTCP Ðầu tư Sài Gòn VRG (SIP), báo cáo tài chính 2019 cho biết, doanh thu cung cấp điện nước trong năm đóng góp đến 70% doanh thu và 40% lợi nhuận gộp.

Các hoạt động khác như cung cấp dịch vụ tiện ích khu công nghiệp, bán hàng hóa, xây dựng và dịch vụ khác đóng góp 10% doanh thu và gần 30% lợi nhuận gộp.

Nhiều doanh nghiệp khác trong ngành cũng còn dư địa tăng trưởng, như CTCP Khu công nghiệp Sonadezi Châu Ðức (SZC) đầu tư hạ tầng, mở rộng cho thuê tại Khu công nghiệp Châu Ðức; CTCP Khu công nghiệp Long Hậu (LHG) đầu tư Khu công nghiệp Long Hậu 3…

Theo reatimes.vn