(KDTT) – Cần phải nghiên cứu kĩ về những động thái và xu thế phát triển chậm lại lạc hậu, kém cạnh tranh của kênh bán hàng chợ truyền thống.
Hiện nay, thương mại nội địa đã đóng góp khoảng 14% GDP, giải quyết việc làm cho hơn 5 triệu lao động. Hệ thống lưu thông phân phối được phát triển gồm 9.000 chợ, 800 siêu thị và 250 trung tâm thương mại. Mặc dù quy mô của thị trường mới đạt hơn 100 tỷ USD/năm song triển vọng rất sáng sủa, cùng với xu thế của cuộc cách mạng 4.0, thương mại bán lẻ trở thành một ngành thương mại linh hoạt và sáng tạo, góp phần phát triển sản xuất, kích thích tiêu dùng xã hội.
Ngày nay, không phân biệt bán hàng trực tiếp và online mà đã tiến tới bán hàng đa kênh, đa phương tiện ở nhiều doanh nghiệp bán lẻ có tiềm năng, nhất là các doanh nghiệp FDI. Nhìn vào thị trường bán lẻ có thể thấy, kênh thương mại hiện đại phát triển nhanh chóng với tốc độ bình quân 10% – 12%/năm nhưng kênh bán hàng truyền thống như chợ dân sinh thì tốc độ phát triển ở mức thấp hơn, từ 2% – 3%.
Sự cạnh tranh giữa kênh bán lẻ hiện đại và kênh truyền thống ngày càng gay gắt, trong đó phần yếu thế thua thiệt thuộc về kênh truyền thống. Kênh thương mại hiện đại hiện nay mới chiếm khoảng 25% thị phần bán lẻ, còn kênh truyền thống bao gồm các hệ thông chợ, cửa hàng lẻ và cả hàng rong chiếm khoảng 75% thị phần, trong đó chợ chiếm khoảng 40%.
Số liệu cụ thể trên cho thấy, vai trò của kênh bán hàng tại chợ truyền thống vẫn rất quan trọng trong việc phục vụ tiêu dùng, nhất là với các đối tượng thu nhập trung bình thấp trở xuống trong xã hội. Do đó, cần phải nghiên cứu kĩ về những động thái và xu thế phát triển chậm lại lạc hậu, kém cạnh tranh của kênh bán hàng này.
Trong một số năm gần đây, mặc dù các tỉnh và thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng và cải tạo các chợ. Bộ Công Thương cũng có cả 1 đề án phát triển chợ với tầm nhìn đến năm 2030, tuy nhiên các điều kiện cần và đủ để đầu tư và phát triển, duy trì sự hoạt động của chợ lại là một chuyện khác.
Thế nên trên thực tế, cả nước chỉ có 15% – 20% là chợ loại I, còn lại là chợ loại II và III. Hạ tầng nhiều chợ cũng đã xuống cấp, tình trạng mái che mái vẩy nhếch nhác vẫn còn tồn tại ở một số chợ, văn minh thương mại không đảm bảo, các vấn đề về vệ sinh môi trường, tổ chức nguồn hàng, an toàn thực phẩm… Kinh phí cải tạo ở các địa phương còn ít, TP Hà Nội có những năm không có đồng nào để cải tạo chợ và các chợ trung tâm hiện trạng không tương xứng với một vị thế của Thủ đô văn minh hiện đại.
Ở một số thành phố khác cũng đã chọn một số chợ để cải tạo lại thành trung tâm thương mại theo mô hình mới. Tuy nhiên, từ thiết kế tới cơ chế vào chợ sau cải tạo còn nhiều khúc mắc, dẫn tới tình trạng chợ hoạt động không hiệu quả, nhiều tầng trên chủ yếu dành cho các đại gia, còn tầng hầm buôn bán khó khăn nhất, thiếu ánh sáng và không khí, môi trường kinh doanh không hấp dẫn.
Thực trạng là việc đầu tư vào chợ sau cải tạo kinh phí rất lớn, bà con tiểu thương không chịu được dẫn tới việc bỏ chợ, giảm sạp kinh doanh là khá phổ biển. Điển hình nhất là ở Thủ đô Hà Nội, địa phương đã phải tạm dừng việc cải tạo chợ cũ thành trung tâm thương mại, để đi tìm các mô hình khác hiệu quả hơn.
Cần cơ chế chính sách thỏa đáng
Có thể thấy, vai trò của nhà nước trong việc quy hoạch, cải tạo và xây dựng phát triển chợ là vô cùng quan trọng. Đứng trước thực trạng trên, cần phải có những cơ chế chính sách thỏa đáng, hợp lý, mang tính khả thi để tiếp tục gây dựng lại bộ mặt của kênh thương mại truyền thống đang bị sa sút.
Đăc biệt việc cần lưu ý đó là sau khi cải tạo và xây dựng chợ, cần có bộ máy tổ chức mạnh, đủ các quy chế, quy định để có thể tự chủ trong việc hạch toán, quản lý chi phí trong chợ. Ban Quản lý chợ cần coi trọng việc tổ chức nguồn hàng có nguồn gốc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; Xây dựng văn hóa kinh doanh chợ, mục tiêu quan trọng là nâng cao năng lực cạnh tranh của chợ với các kênh bán hàng có ưu thế hơn đang lấn át thị phần.
Ngoài chợ dân sinh phục vụ ở các địa bàn, cần xây dựng một số chợ đầu mối ở các tỉnh thành phố lớn, có nhu cầu tiêu thụ cao cả về số lượng và chất lượng. Chợ đầu mối còn góp phần kích thích những nhu cầu về đầu tư, du lịch của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy sản xuất vùng và sản xuất tại chỗ của địa phương phát triển.
Chợ đầu mối phải thực sự là nơi tổ chức quản lý hàng hóa một cách tập trung, để có thể quản lý hiệu quả hơn chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ cho khâu bán lẻ. Tại chợ đầu mối cần thực hiện việc giao dịch công khai minh bạch thông qua sàn giao dịch đấu giá nông sản, thực phẩm, góp phần ngăn chặn việc vận chuyển lẻ hàng hóa trên đường không được kiểm soát như hiện nay mà đã qua nhiều năm chưa khắc phục được.
Nếu giải quyết được những vấn đề tồn tại trên một cách cơ bản và đồng bộ, chắc chắn chợ truyền thống sẽ là kênh phân phối lớn, góp phần tích cực vào việc phát triển thương mại nội địa nói chung cũng như hệ thống phân phối của từng địa phương, từng vùng nói riêng.
Theo VOV