Kinh Bắc “Ấp ủ” dự án 5 tỷ USD

Sáng 28/12 vừa qua, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường lần 2 tại trụ sở công ty ở tỉnh Bắc Ninh.

Tại đại hội, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng Giám đốc Kinh Bắc đã tiết lộ: “Năm 2023, ngoài các khách hàng đang ký kết và chuẩn bị ký kết, KBC đang có vòng đàm phán với nhiều nhà đầu tư, có dự án của tập đoàn điện tử rất lớn lên tới 5 tỷ USD tại Bắc Ninh và chúng tôi nuôi hi vọng sẽ sớm thành công”.

Bên cạnh đó, bà Hương cũng tiết lộ, vào ngày 2/1/2023 tới đây, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ trao giấy phép đầu tư cho Tập đoàn Foxconn với diện tích khoảng 50 ha, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 trước mắt là 600 triệu USD, ở giai đoạn 2 con số này dự kiến cũng sẽ rất lớn.

Còn tại Hải Phòng, nhiều nhà đầu tư rất lớn đang chờ thủ tục từ phía Kinh Bắc. Theo đó, KBC đã chuẩn bị đất sẵn sàng để các nhà đầu tư tới là triển khai xây dựng. Ở khu công nghiệp (KCN) Tràng Cát (Hải Phòng), bà Hương cho biết cũng có một doanh nghiệp top 1 Đài Loan đã làm việc với tổng công ty để ngỏ ý xây dựng một trung tâm thành phố rất lớn.

Trong khi đó, với dự án mở rộng KCN Quang Châu (Bắc Giang) với diện tích mở rộng thêm hơn 90 ha, thủ tục đăng chậm lại. Song thực tế, rất nhiều nhà đầu tư đang xếp hàng chờ đợi và không có phần trống.

Dự án KCN Quang Châu (Bắc Giang) của KBC.

Đối với dự án KCN Quang Châu, dự án nằm tại các xã Quang Châu, Vân Trung và thị trấn Nênh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Dự án được Thủ tướng phê duyệt chủ trương xây dựng theo Văn bản số 1673/TTg-CN ngày 31 tháng 10 năm 2005. Sau đó, ngày 25/4/2006 Thủ tướng chính phủ ban hành Văn bản số 637/TTg-CN ngày 25/4/2006 về việc cho phép thành lập và đầu tư Khu công nghiệp Quang Châu tỉnh Bắc Giang, giao Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sải Gòn – Bắc Giang (Công ty SBG – Công ty con của KBC) làm chủ đầu tư.

Công ty SBG được biết đến với một số dự án nổi bật như KCN Quế Võ I – Bắc Ninh; KCN Tràng Cát – Hải Phòng thu hút được khách hàng là những tập đoàn quốc tế lớn như Canon, Foxconn, MITAC, Panasonic, Sanyo, Wintek, UMEC, Tenma, Mitsui, VS, Sentec, Toyo Ink, Yamato Industries,…

Đến ngày 26/4/2006, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quyết định số 598/QĐ-UBND về việc thành lập khu công nghiệp và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Quang Châu. Theo đó, KCN Quang Châu được xây dựng trên diện tích 426ha, trong đó đất xây dựng nhà máy, kho tàng rộng 293,93 ha chiếm 69% diện tích khu công nghiệp.

Quay trở lại với kế hoạch của KBC, CEO Kinh Bắc còn cho biết, tại Long An, có một tập đoàn sản xuất chip điện tử cũng đang quan tâm đến việc thuê đất KCN. Tuy nhiên do tính cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á cũng như giữa các tỉnh thành trong nước nên vị lãnh đạo chưa thể chia sẻ cụ thể hơn.

Cổ phiếu “tím lịm”, hé lộ kế hoạch lợi nhuận 4.000 tỷ trong năm 2023

Cùng thời điểm với những thông tin được Tổng giám đốc Kinh Bắc tiết lộ, cổ phiếu KBC liên tục tăng trần 2 phiên tiếp vào ngày 27/12 và 28/12. Theo đó, kết phiên giao dịch ngày 28/12, cổ phiếu KBC “tím lịm” với thị giá 22.850 đồng/cổ phiếu.

Đến phiên ngày 29/12, cổ phiếu KBC vẫn giữ sắc xanh và giao dịch ở mức giá 23.900 đồng/cổ phiếu.

Diễn biến cổ phiếu KBC tính đến kết phiên giao dịch ngày 29/12/2022.

Liên quan đến diễn biến cổ phiếu KBC trong thời gian qua, ông Đặng Thành Tâm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) cho rằng, do diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022 bị sụt giảm mạnh khiến các cổ phiếu bị giảm giá nghiêm trọng, trong đó có cổ phiếu KBC. Điều này không thuận lợi cho việc phát hành riêng cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, tại Đại hội, Kinh Bắc cũng công bố kế hoạch năm 2023 với mục tiêu doanh thu hợp nhất là 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 4.000 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 11% so với kế hoạch 2022.

Dự chi 3.400 tỷ mua cổ phiếu KBC để giảm vốn điều lệ

Ngoài việc thông tin về dự án 5 tỷ USD tại Bắc Ninh và kế hoạch doanh thu cùng lợi nhuận trong năm tới, ĐHĐCĐ cũng đã thông qua cho KBC phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu (tương ứng 13% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) nhằm mục đích giảm vốn điều lệ. Phương thức giao dịch là khớp lệnh hoặc thỏa thuận theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch nhưng không cao hơn 34.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, số tiền dự chi thực hiện thương vụ này là 3.400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cổ đông còn thông qua việc hủy phương án chào bán 150 triệu cổ phiếu riêng lẻ năm 2022 để huy động vốn, tái cấu trúc nợ và đầu tư vào các đơn vị thành viên.

Được biết, năm tới KBC sẽ chi trả cổ tức bằng tiền cho các cổ đông với tỷ lệ là 20%. Ông Đặng Thành Tâm nói thêm, với tình hình hiện tại, KBC có thể trả cổ tức tối thiểu 20%/năm trong vòng 5 năm tới cho cổ đông.

Liên tục vay vốn từ công ty con

Ngay trước thềm ĐHĐCĐ vừa mới diễn ra, KBC cũng đã thông qua nghị quyết về việc vay vốn công ty con là CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang (Công ty SBG).

Theo đó, khoản vay tín chấp có hạn mức là 150 tỷ đồng với thời hạn tối đa là 2 năm và có thể được tất toán trước hạn, đúng thời hạn hoặc gia hạn bằng văn bản. Mục đích vay vốn được Kinh Bắc đưa ra là để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nghị quyết HĐQT của KBC về việc vay vốn từ CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang.

Đáng chú ý, đây là lần thứ 3 trong tháng 12 KBC thực hiện vay vốn tín chấp từ CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang.

Cụ thể, vào ngày 5/12 và 14/12, HĐQT Kinh Bắc cũng thông qua việc vay vốn công ty con từ chính công ty này để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hình thức tín chấp.

Hạn mức vay là 350 tỷ đồng, có thể giải ngân nhiều lần tương ứng với từng hợp đồng vay vốn cụ thể cho đến khi giải ngân hết hạn mức. Thời hạn khoản vay là hai năm, có thể được tất toán trước hạn, đúng hạn hoặc gia hạn bằng văn bản.

Như đã đề cập ở trên, CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang được ghi nhận là công ty con của Kinh Bắc, với tỷ lệ sở hữu 88,06% và tỷ lệ biểu quyết là 92,5%. Doanh nghiệp có địa chỉ tại khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Việt Nam.

Ngoài vay Công ty SBG, hồi tháng 11 vừa qua, Hội đồng quản trị (HĐQT) Kinh Bắc cũng thông qua việc vay tín chấp 110 tỷ đồng từ một công ty con khác là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Phát triển Cơ sở hạ tầng Công nghiệp Tân Tập với kỳ hạn một năm để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Như vậy, chỉ trong chưa đầy một tháng, Kinh Bắc vay tổng cộng 610 tỷ đồng từ các công ty con.

Ở chiều ngược lại, mới đây, Kinh Bắc cũng đã công bố thông tin về việc chấp thuận bảo lãnh khoản vay cho công ty con. Theo đó, HĐQT Kinh Bắc đã thông qua việc chấp thuận bảo lãnh cho khoản vay 320 tỷ đồng của CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Ngô Quyền.

Mục đích khoản vay là để thanh toán các khoản chi phí đầu tư hợp pháp của Dự án Đầu tư nhà xưởng tại KCN Quế Võ và KCN Quế Võ mở rộng để cho thuê và bán thương mại. Thời hạn bảo lãnh tính từ ngày 15/12/2022 đến khi toàn bộ nghĩa vụ được bảo đảm của bên vay đã được thực hiện xong.