web analytics

Định vị thương hiệu vải thiều Lục Ngạn trên bản đồ nông sản thế giới 30/05/2020

(KDTT) – Xuất khẩu nông sản nói chung, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) nói riêng từ lâu đã là câu chuyện rất được quan tâm, bởi nó không chỉ tác động trực tiếp tới thu nhập và thúc đẩy phát triển sản xuất, mà còn thể hiện mức độ chủ động của các khâu trung gian và khả năng cạnh tranh, hội nhập của hàng nông sản Việt Nam trên trường quốc tế. Để tạo ra giá trị bền vững trong con đường xuất khẩu chính ngạch vải thiều, các cấp chính quyền địa phương cần có những giải pháp quyết liệt để xây dựng, giữ vững và bảo vệ thương hiệu của sản phẩm.

Nỗi lo đầu ra

Diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang năm nay đạt hơn 28.100 héc-ta, sản lượng dự kiến khoảng 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Thời gian thu hoạch vải chín sớm từ ngày 10/5 đến ngày 10/6; vải chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6. Với sản lượng này, nếu không có gì bất thường, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống của vải thiều Lục Ngạn, chiếm gần 90% tổng sản lượng xuất khẩu. Năm 2020, Bắc Giang đã mở rộng diện tích sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP lên 14.300 héc-ta, theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 80 héc-ta.

Vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang năm nay đạt hơn 28.100 ha.

Được biết năm nay cũng là năm đầu tiên vải thiều của tỉnh Bắc Giang sẽ hiện diện trên các kệ hàng tại Nhật Bản theo con đường chính ngạch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có 218 héc-ta vải thiều được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ngoài những thị trường khó tính này, một lượng nhỏ được xuất khẩu tới thị trường các nước ASEAN như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore…

Tuy nhiên điều đáng lo lắng là tại Trung Quốc – thị trường nhập khẩu chính vải thiều, năm nay khoảng 70% lượng vải tươi chính vụ được thu hái từ trung tuần tháng 6 đến cuối tháng 7, không lệch quá nhiều so với mùa vải thiều Việt Nam. Chưa kể, nhờ thời tiết thuận lợi nên sản lượng vải thiều Trung Quốc dự báo sẽ ổn định trở lại, nguồn cung tăng. Như vậy xuất khẩu vải thiều tại Bắc Giang nói riêng có thể gặp khó trong bối cảnh Trung Quốc cũng được mùa lớn, thời gian thu hoạch giữa hai nước lại gần nhau, chưa kể dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới việc vận chuyển, thông quan.

Hơn 80 héc-ta vải thiều Lục Ngạn được áp dụng GlobalGAP.

Bài học từ các nông sản khác

Để không chủ quan trong mọi kịch bản đối với quả vải thiều, hãy nhìn lại bức tranh xuất khẩu trái thanh long năm 2017 và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính của sản phẩm này. Mặc dù nguyên nhân của câu chuyện không phải do thị trường thu hẹp mà đáng tiếc hơn là do một số lô nông sản xuất khẩu đã bị đối tác từ chối, trả lại do không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn. Khi một thị trường chiếm hơn 80% thị phần này  siết chặt biên mậu, đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc, các yếu tố nhãn mác, và tăng cường quản lý chất lượng thì đã có những ảnh hưởng không nhỏ đối với việc xuất khẩu trái thanh long của Việt Nam. Ngay cả các nhóm thanh long theo tiêu chuẩn VietGap có tổ chức bài bản hơn nhưng cũng chẳng thoát cảnh bị “ruồng rẫy”.

Do đã quen làm ăn tiểu ngạch nên nhiều thương lái Việt khá lúng túng trước các tiêu chuẩn, quy chuẩn mà Trung Quốc đưa ra. Như vậy có thể thấy, kiểu trồng và thu hoạch đại trà, thiếu các quy trình kiểm soát từ chất lượng, tiêu chuẩn an toàn đến kiểm dịch v.v… sẽ ngày càng khó có đất sống.

Từ bài học đắt giá từ quả thanh long, nhìn lại lĩnh vực nông sản còn có dưa hấu, khoai lang, xoài,… Tất cả đều là những mặt hàng xuất khẩu lớn của nước ta, vậy mà năm nào cũng có tin hàng chục xe container chở nông sản ùn ứ tại cửa khẩu khi đến mùa thu hoạch, và cho đến bây giờ, việc “giải cứu” vẫn là một bài toán chung của rất nhiều mặt hàng đặc sản xuất khẩu Việt.

Để những sự việc trên không lặp lại với vải thiều Lục Ngạn, trước hết vẫn cần đảm bảo về mặt chất lượng của sản phẩm, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm để xây dựng thị trường xuất khẩu bền vững. Muốn vậy, người sản xuất cần sự hỗ trợ rất lớn về kiến thức cũng như công nghệ từ các cơ quan Nhà nước, các cấp chính quyền. Ngoài ra các cơ quan, bộ, ngành cần có các hoạt động xúc tiến thương mại, ký kết các hiệp định thương mại với nhiều quốc gia, vùng miền trên thế giới. Khi đó, nông sản Việt nói chung sẽ có nhiều cánh cửa hơn để đến với những thị trường đầy tiềm năng khác, vì con đường xuất khẩu chính ngạch sẽ là con đường bền vững để nông sản Việt Nam thay đổi về mọi mặt.

Khẳng định giá trị thương hiệu

Có một thực tế là trên thị trường hiện nay, thương hiệu và danh tiếng của nhiều đặc sản nông nghiệp đang bị lợi dụng một cách tràn lan. Như đã biết, giống vải thiều Lục Ngạn vốn có nguồn gốc từ Thanh Hà, Hải Dương, nhưng từ khi bén duyên với đất đồi Lục Ngạn – một mảnh đất có tiểu vùng khí hậu đặc trưng riêng và được người dân nơi đây chăm sóc, vun trồng với những quy trình, kỹ thuật đầy sáng tạo, quả vải thiều đã có bước tiến mới về chất như “ngọc được mài”. Điều đó đã tạo nên thương hiệu vải thiều Lục Ngạn – một sản phẩm đặc sản có hương vị thơm ngon riêng biệt mà khó nơi nào có được. Để xây dựng được thương hiệu vải Thiều Lục Ngạn và bảo vệ bền vững thương hiệu đó cũng là bài toán đặt ra cho địa phương và các cấp chính quyền.

Theo ông Lê Bá Thành – PGĐ Sở NN&PTNT Tỉnh Bắc Giang khẳng định: “Xây dựng thương hiệu cho đặc sản của địa phương không phải chuyện đơn giản. Nhưng có khó thì vẫn phải làm, phải bắt đầu. Cũng nên lưu ý rằng việc xây dựng thương hiệu của vải thiều Lục Ngạn không chỉ dừng lại ở việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu thương hiệu hay thiết kế logo, khẩu hiệu, dán tem nhãn,…mà quan trọng là cần làm cho người tiêu dùng hiểu hơn về đất nước sản xuất ra sản phẩm đó và chuỗi giá trị bền vững, trong đó có những cam kết về chất lượng. Đây là điểm cốt lõi khi xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.”

Ông Lê Bá Thành – PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang trao đổi với KDPT.

Bên cạnh đó, trong dự án “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho ba sản phẩm: Thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột và vải thiều Lục Ngạn”, được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ (trực tiếp là Cục Sở hữu trí tuệ), Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang cũng đã phân tích và giải thích cho phía Nhật Bản về tính “ngọt đậm” của vải thiều Lục Ngạn.

Như vậy, ngoài chuyện “biết”, còn cần phải “hiểu” về sản phẩm, nhằm xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cũng như tăng cường nhận thức của người nông dân, làm sao để nông dân nhận thấy rằng việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu của mình là quyền lợi mang lại những giá trị tiềm năng rất cao trong tương lai, đặc biệt là trong xu thế hội nhập và ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại như hiện nay. Cùng với đó, phải thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng được hình ảnh thương hiệu thông qua việc quảng bá nông sản Việt Nam nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm. Như vậy, để tạo ra thương hiệu mạnh cho vải thiều Lục Ngạn, “cần thổi hồn cho thương hiệu đó để nó trở thành một “con người” thực thể, có tính cách, nhân cách, có khả năng giao tiếp, tạo mối quan hệ với người tiêu dùng”, ông Lê Bá Thành chia sẻ.

Theo KDPT