Trong quá trình thực hiện Chuyên đề nghiên cứu về “Điều kiện để doanh nghiệp, cá nhân đăng ký kinh doanh, hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản: Từ chính sách đến thực tiễn”, nhóm PV đã khảo sát tại một số địa phương, qua đó đã nhận được những ý kiến phản ánh tại xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Qua khảo sát thực tiễn để minh chứng cho Chuyên đề, có những ý kiến trao đổi rằng: Đất có phải là khoáng sản không? Với chức năng tư vấn, phản biện chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, chúng tôi xin nêu cụ thể như sau:

Điều 64 Luật Khoáng sản đã quy định các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong đó bao gồm:

– Cát các loại (trừ cát trắng silic) có hàm lượng SiO2 cátnhỏ hơn 85%, không có hoặc có các khoáng vật cansiterit, volframit, monazit, ziricon, ilmenit, vàng đi kèm nhưng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

– Đất sét làm gạch, ngói theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, các loại sét (trừ sét bentonit, sét kaolin) không đủ tiêu chuẩn sản xuất gốm xây dựng, vật liệu chịu lửa samot, xi măng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam;

– Đá cát kết, đá quarzit có hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 85%, không chứa hoặc có chứa các khoáng vật kim loại, kim loại tự sinh, nguyên tố xạ, hiếm nhưng không đạt chỉ tiêu tính trữ lượng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc không đủ tiêu chuẩn làm đá ốp lát, đá mỹ nghệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam.

Như vậy, đất làm vật liệu san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Đối với các khoáng sản cát thì cần lấy mẫu phân tích để xác định mục đích sử dụng như làm vật liệu xây dựng hoặc cát sản xuất thủy tinh.

Nhu cầu đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói chung, huyện Đại Từ nói riêng là rất lớn, mỗi mét khối đất có giá trị khoảng 50 đến 60 nghìn đồng, và kéo theo đó là hệ lụy địa phương này trở thành một trong những điểm nóng khai thác, vận chuyển đất trái phép. Nhiều dự án xây dựng đường giao thông, khu dân cư, khu đô thị, xưởng may mặc trên địa bàn các huyện Ðại Từ cần lượng đất san lấp mặt bằng, nhiều chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp chỉ ký hợp đồng nguyên tắc mua đất của mỏ đất được cấp phép để làm “bình phong”, sau đó mua đất khai thác trái phép vì giá chỉ bằng một nửa so với đất của mỏ được cấp phép khai thác.

Bình Thuận là một xã miền núi thuộc huyện Đại Từ với những đồi keo, nương chè xanh mướt, trùng điệp, nhưng thời gian qua, núi đồi bị một số bộ phận cá nhân san ủi, đào bới tan hoang để lấy đất bán làm vật liệu san lấp. Suốt thời gian qua, những chiếc máy múc đã san ủi những quả đồi ở xã Bình Thuận, ban đầu là bán đất cho các công trình giao thông nông thôn, sau đó gần như ngang nhiên chở đất bán cho nhiều dự án san lấp mặt bằng trên địa bàn huyện. Hiện nay, tình trạng khai thác đất trái phép diễn ra ngang nhiên ở xã Bình Thuận (huyện Đại Từ) với nhiều ô tô tải cỡ lớn vào khu vực thôn 13, đường vào Khu xử lý rác thải của Bình Thuận chở đất là vật liệu san lấp đi bán. Những vạt núi bị đào bới bung bét, có khu vực đã được tạo thành mặt bằng rộng vuông vắn.

Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Văn Thức – Chủ tịch UBND xã Bình Thuận (huyện Đại Từ) cho biết: “Trên địa bàn xã Bình Thuận, huyện Đại Từ không có mỏ đất, điểm khai thác đất nào có phép”. Ngay sau khi phóng viên phản ánh tới chính quyền địa phương, có người số điện thoại 09 xxxx tự xưng là cán bộ văn phòng, giúp việc cho đồng chí chủ tịch gọi tới, đặt lịch hẹn và xác minh danh tính phóng viên. Hôm sau, phóng viên được gặp đồng chí “tự cho” là cán bộ văn phòng UBND xã Bình Thuận gặp và trao đổi. Sau một vài câu nói anh lại tự xưng là “chủ khai thác”. Qua cuộc nói chuyện, người này cho biết “Do công trình Nhà nước bên anh được giao thi công cần đất K98 nên anh có lấy ở tại điểm khai thác xã Bình Thuận”.

Một người dân (được đề nghị giấu tên) sống gần khu vực khai thác đất trái phép cho biết: “Hoạt động khai thác, vận chuyển đất diễn ra rầm rộ. Xe tải lớn chở đất chạy suốt ngày, gây bụi mù mịt”. Tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép diễn ra trong thời gian dài, khiến tài nguyên bị thất thoát rất lớn bởi lợi ích nhóm, gây bức xúc trong nhân dân. Ngoài ra Nhà nước không thu được thuế, phí, hạ tầng giao thông bị tàn phá, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sức khỏe, an toàn của nhân dân và học sinh, công nhân trên địa bàn xã Bình Thuận. Một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng khai thác đất trái phép bùng phát ở Bình Thuận là do cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa ngăn chặn quyết liệt, thậm chí có tình trạng né tránh, dung túng.

Thời gian qua, khi dư luận phản đối mạnh mẽ, có nhiều văn bản chỉ đạo, cơ quan chức năng, ban hành văn bản yêu cầu kiểm tra, xử lý tình hình khai thác, vận chuyển khoáng sản (trong đó có đất làm vật liệu san lấp) trái phép. Đồng chí Trịnh Việt Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng có những văn bản chỉ đạo cụ thể giao cho cơ quan, ban ngành của tỉnh. Cụ thể, ngày 3/2/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Công văn số 345/UBND-CNNX tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố như sau: Rà soát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm cụ thể của cơ quan, đơn vị tại Đề án tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về tài nguyên khoáng sản đến các đối tượng liên quan trên địa bàn địa phương; phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong khai thác, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản; khẩn trương rà soát, khắc phục, chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản đất san lấp, cát sỏi, vàng trái phép trên địa bàn nếu có; tăng cường chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền cấp xã bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; đôn đốc, hướng dẫn và tham mưu giải quyết đối với các dự án khai thác khoáng sản: chậm triển khai xây dựng cơ bản mỏ, chậm thực hiện thực hiện nghĩa vụ tài chính, khai thác chưa đúng với thiết kế đã được thẩm định phê duyệt.

Tiếp đó, thực hiện Công văn số 3444/BTNMT-KSVN ngày 16/5/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố kịp thời phát hiện ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Ngày 19/5/2023, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2317/UBND-CNNXD về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Công văn nêu rõ giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Sở Công thương, Sở Xây dựng, cơ quan, đơn vị có liên quan: Rà soát, tiếp tục thực hiện nội dung kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 3593/BTNMT-ĐCKS ngày 24/6/2022 về việc tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

Đáng chú ý, ngay sau văn bản chỉ đạo ban hành, tình trạng khai thác đất trái phép lại được diễn ra công khai, rầm rộ. Từng đoàn xe chở đất đi san lấp, đặc biệt là san lấp công trình, dự án Nhà nước.

Từ thực tế về góc nhìn tại một địa bàn qua quá trình khảo sát để minh chứng cho Chuyên đề, với chức năng phản biện chính sách, nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững, tránh lãng phí tài nguyên, thất thoát ngân sách nhà nước, Kinh doanh và Phát triển điện tử xin chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền TP Thái Nguyên những thông tin về việc khai thác, vận chuyển đất chưa đúng quy định, tiềm ẩn nhiều hệ lụy tại xã Bình Thuận, huyện Đại Từ. Để không còn thực trạng trên, các ngành chức năng cần kiên quyết chặn đứng hành vi khai thác khoáng sản trái phép, dẹp đi gánh nặng, nỗi lo của người dân trước sự biến đổi của thiên nhiên, an toàn trong đời sống sinh hoạt, sức khỏe do hành vi bất chấp pháp luật của một số đối tượng khai thác khoáng sản trái phép gây ra.

Theo KDPT