web analytics

Dịch Covid-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD 26/02/2020

(KDTT) – Các chuyên gia kinh tế của Hãng tư vấn Oxford Economics ước tính, dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) gây ra bởi virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD.

Ngày 24/2, thị trường chứng khoán Mỹ đã bị nhấn chìm trong sắc đỏ, mọi chỉ số lớn đồng loạt giảm hơn 3%. (Nguồn: WSJ)

Viễn cảnh kinh hoàng về sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) có nguy cơ trở thành một đại dịch toàn cầu đang đe dọa sự ổn định của kinh tế thế giới. Hiện thế giới đã có hơn 80.000 ca nhiễm bệnh và số người tử vong đã gần đạt con số 3.000.

Các chuyên gia kinh tế của Hãng tư vấn Oxford Economics ước tính, dịch Covid-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD do năng suất lao động giảm, sản xuất đình đốn, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thương mại và đầu tư giảm, ngành du lịch bị tàn phá…

Cũng theo Oxford Economics, nền kinh tế Mỹ và khu vực đồng Euro sẽ bị suy thoái trong nửa đầu năm 2020 và mô tả kịch bản sẽ giống như một “cú sốc ngắn nhưng đánh mạnh vào vào nền kinh tế thế giới”.

Các nhà đầu tư cũng đang vô cùng lo lắng khi phiên giao dịch ngày 24/2, thị trường chứng khoán Mỹ đã bị nhấn chìm trong sắc đỏ với mọi chỉ số lớn đồng loạt giảm hơn 3%. Theo Bespoke Investment Group, tính từ tháng 3/2009, phiên 24/2 vừa qua là lần thứ 19 chỉ số S&P 500 giảm hơn 2% vào một ngày đầu tuần.

Trước đó, nhiều ngân hàng trung ương và một số Chính phủ vẫn tin rằng, dịch Covid-19 có thể sẽ không gây thiệt hại lớn cho kinh tế toàn cầu và có thể sớm phục hồi nhanh chóng khi dịch bệnh giảm dần. Tuy nhiên, niềm tin đó đang bị thử thách.

Virus SARS-CoV-2 có thể khiến nền kinh tế Italy rơi vào suy thoái và ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế của khu vực châu Âu. Theo Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK), nền kinh tế nước này cũng đang lao đao khi niềm tin của người tiêu dùng giảm mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây.

Ngân hàng Thế giới (WB) phân tích, một đại dịch có thể dẫn đến hàng triệu người tử vong và làm thâm hụt 1% GDP toàn cầu. Còn theo báo cáo của một ngân hàng có trụ sở tại Washington, một đại dịch toàn cầu, giống như đại dịch cúm thế kỷ bùng phát ở Tây Ban Nha năm 1918 khiến 50 triệu người thiệt mạng, có thể làm giảm 5% GDP toàn cầu.

Dù vậy, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng “sự gia tăng đột ngột của các ca nhiễm và thiệt mạng ở Italy, Iran và Hàn Quốc dấy lên nhiều quan ngại sâu sắc” nhưng dịch Covid-19 vẫn nằm trong tầm kiểm soát trên phạm vi toàn cầu và việc sử dụng từ “đại dịch” là chưa phù hợp.

Theo Báo Thế giới và Việt Nam