web analytics

Di tích văn hóa là những tài sản vô giá 23/09/2019

(KDTT) – Theo thống kê, hiện nay cả nước có trên 4 vạn di tích. Di tích là những bằng chứng vật chất có ý nghĩa quan trọng, minh chứng về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Di tích giúp cho con người biết được cội nguồn của dân tộc mình, hiểu về truyền thống lịch sử, đặc trưng văn hoá của đất nước và do đó có tác động ngược trở lại tới việc hình thành nhân cách con người Việt Nam hiện đại.

Di tích chứa đựng những giá trị kinh tế to lớn (trị giá nhiều ngàn tỷ đồng) nếu bị mất đi không đơn thuần là mất tài sản vật chất, mà là mất đi những giá trị tinh thần lớn lao không gì bù đắp nổi. Đồng thời, di tích còn mang ý nghĩa là nguồn lực cho phát triển kinh tế, một nguồn lực rất lớn, sẵn có nếu được khai thác, sử dụng tốt sẽ góp phần không nhỏ cho việc phát triển kinh tế đất nước và nó càng có ý nghĩa to lớn khi đất nước đang rất cần phát huy tối đa nguồn nội lực để phát triển.

Hệ thống di tích Việt Nam được phân thành 4 loại hình cơ bản là di tích lịch sử, di tích kiến trúc – nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh. Di tích lịch sử liên quan tới sự kiện hoặc nhân vật lịch sử có những đóng góp, ảnh hưởng tới sự tiến bộ của lịch sử dân tộc. Đến với di tích lịch sử, khách tham quan như được đọc cuốn sử ghi chép về những con người, những sự kiện tiêu biểu, được cảm nhận một cách chân thực về lịch sử, những cảm nhận không dễ có được khi chỉ đọc những tư liệu ghi chép của đời sau. Giá trị của di tích kiến trúc nghệ thuật thể hiện ở quy hoạch tổng thể và bố cục kiến trúc, ở sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc với cảnh quan, ở những bức chạm khắc trên kết cấu gỗ, ở vẻ đẹp thánh thiện của những pho tượng cổ, ở nét chạm tinh xảo của những đồ thờ tự…

Cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều di tích khảo cổ. Các di tích, di vật khảo cổ học là nguồn sử liệu quan trọng giúp việc biên soạn lịch sử trái đất và lịch sử dân tộc từ thời tiền/sơ sử tới các thời kỳ lịch sử sau này. Danh lam thắng cảnh thường được kết hợp giữa công trình tôn giáo tín ngưỡng với cảnh quan thiên nhiên đẹp. Đất nước ta ở miền nhiệt đới, trải dài trên nhiều vĩ tuyến, có “Rừng vàng biển bạc” với một hệ động thực vật đặc biệt phong phú và nhiều hang động kỳ thú đủ sức hấp dẫn mọi du khách.

Việt Nam, mảnh đất của di tích, từ miền núi tới hải đảo đâu đâu cũng có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh. Hàng vạn di tích là nguồn tài nguyên vô giá cho việc khai thác du lịch bền vững. Khái quát hệ thống di tích lịch sử văn hóa của Việt Nam có thể đi đến nhận định rằng: Số lượng di tích của cả nước rất lớn, đa dạng về loại hình và có giá trị to lớn về nhiều mặt.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình từng nhấn mạnh, lịch sử và văn hóa của đất nước ta, của đồng bào các dân tộc Việt Nam không chỉ được lưu lại trong sử sách, mà còn hiện diện trên mọi miền đất nước thông qua hàng vạn di tích lịch sử – văn hóa và cùng với đó là kho tàng đồ sộ về di sản văn hóa phi vật thể với những giá trị tinh thần, văn hóa, nghệ thuật to lớn. Nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa, giá trị của di sản văn hóa nói chung, di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh nói riêng ngày càng được nâng cao. Bảo vệ di tích, phát huy giá trị của di tích phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đấu tranh chống vi phạm đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân. Về cơ bản hệ thống di tích của đất nước đã được bảo vệ, chăm sóc và tu bổ bảo đảm khả năng tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, do trải qua hàng chục năm chiến tranh, chúng ta chưa có nhiều điều kiện chăm lo, bảo vệ di tích nên đến nay, mặc dù đã rất cố gắng nhưng vẫn còn nhiều di tích bị vị phạm chưa được giải tỏa.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các Ban, Bộ, ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả và quan tâm hơn nữa công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, tính đa dạng, bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em; đồng thời tiếp tục xây dựng những giá trị văn hóa mới phù hợp với thời đại mới trong bối cảnh phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và hội nhập ngày càng sâu rộng. Đề cao và phát huy tối đa vai trò của các chủ thể văn hóa trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức để mọi người dân tham gia phát triển du lịch, tham gia bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc, riêng có của dân tộc, của quê hương mình.

Theo Pháp luật xã hội