web analytics

Để Trung Nguyên thực hiện sứ mệnh của mình 13/06/2019

(KDTT) – Vẫn là một Đặng Lê Nguyên Vũ với quần trắng rộng, áo tối màu cùng chiếc khăn rằn, ông đã ngồi đó, trò chuyện cùng giới báo chí tại trụ sở của Trung Nguyên Legend theo một cách tự nhiên và gần gũi. Có lẽ những ngày gần đây người ta sẽ quan tâm đến ông “vua cà phê” cùng vụ lùm xùm ly hôn, mà ít ai để ý rằng, đằng sau những tranh cãi, đằng sau những kiện tụng vẫn là một con người Việt Nam khát khao đem những gì mình đã học và tích lũy được truyền cho thế hệ sau, vẫn còn đó mong muốn “Lập chí vĩ đại – Khởi nghiệp kiến quốc”.

Ông Vũ ngồi xếp bằng liên tục trong 3 tiếng trò chuyện

Đặng Lê Nguyên Vũ – Sức ảnh hưởng vượt ra ngoài Trung Nguyên

Đặng Lê Nguyên Vũ có thể xem như một “thương hiệu đặc biệt bởi không phải tự nhiên mà ông được tạp chí National Geographic Traveller gọi là “vua cà phê”, tạp chí Forbes đặt cho danh hiệu “Zero to hero”. 20 năm qua, đây là cái tên đại diện cho những hoài bão, khát vọng vươn ra thế giới của doanh nhân Việt.

Từ một chàng sinh viên nghèo, một thân một mình ra Sài Gòn mang theo hành trang là chiếc xe đạp cũ cùng một ý chí quyết tâm, Đặng Lê Nguyên Vũ đã biến giấc mơ đưa cà phê Việt Nam ra thế giới thành hiện thực. Có trong tay bí quyết thành công, ông Vũ sẵn sàng đem tất cả chỗ tài sản tinh thần quý giá ấy của mình chia sẻ cho tất cả mọi người, đặc biệt là lớp trẻ với mong muốn rằng có thể dùng những kinh nghiệm mình tích lũy được cùng tinh thần luôn rực cháy để tiếp lửa, khơi dậy sức mạnh khởi nghiệp, làm giàu kiến quốc trong mỗi thanh niên Việt Nam.

Thực tế ta đã thấy cách đây 5 – 6 năm, hơn 1 triệu cuốn sách về khởi nghiệp, làm giàu đã được ông chủ hãng Cà phê Trung Nguyên tặng miễn phí cho các bạn trẻ ở Việt Nam, đó là cách mà ông quan tâm đến giới trẻ và truyền cho họ nguồn cảm hứng. Nối tiếp sau đó là hàng loạt những cuộc gặp gỡ, những “hành trình từ trái tim” khơi dậy tinh thần khởi nghiệp được ông Vũ cùng Trung Nguyên Legend kết nối với giới trẻ.

Không có gì gọi là “ngông” hay “hoang phí”

Nhắc đến Trung Nguyên, người ta thường nghĩ nhiều hơn đến sự đổ vỡ của câu chuyện tình yêu đẹp như tiểu thuyết giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Những tranh chấp bắt đầu xảy ra khi hai người không còn chung quan điểm phát triển Trung Nguyên, đây cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất với tập đoàn. Theo báo cáo mới đây nhất, năm 2018 lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này bất ngờ giảm gần 50%, chỉ còn 347 tỷ so với mức gần 681 tỷ đồng năm 2017.

Những bất đồng quan điểm trong việc làm tiếp thị và hoạt động xã hội cho Trung Nguyên cũng là một trong những lý do khiến ông Vũ cũng như cách tập đoàn hỗ trợ khởi nghiệp phải chịu chỉ trích từ dư luận rằng đây là việc làm “hoang phí”. Trước đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo từng đưa ra sao kê ngân hàng, tuyên bố Trung Nguyên chi gần 1.000 tỷ để làm truyền thông, 300 tỷ đồng mua siêu xe hay 200 tỷ đồng cho chương trình “Lập chí vĩ đại – khởi nghiệp kiến quốc”… trong khoảng thời gian từ 1/1/2015 đến 24/1/2017.

Thế nhưng, theo ông Vũ, việc đưa tri thức, đưa kinh nghiệm, hỗ trợ những người trẻ làm giàu cho đất nước không thể coi là lãng phí được: “năm ngoái chi 200 tỷ đồng thì năm nay có thể cũng cần tốn nhiều” để thúc đẩy tinh thần “khởi nghiệp kiến quốc” ở Việt Nam. Và thực tế là hơn 200 triệu cuốn sách với hơn 100 đầu sách cùng gần 100 bộ phim do ông Vũ chọn lọc đã được trao tặng trong suốt 5 năm qua. Theo ông, đó là tất cả những kiến thức của nhân loại mà ông lọc lại, chỉ có cách đó mới rút ngắn con đường đến với minh triết. Chính sự giàu có về kiến thức mới dẫn đến những giàu có khác.

Hơn 3.000 cuốn sách được trao tặng miễn phí cho các đoàn viên tại tỉnh Bình Thuận – điểm dừng đầu tiên của “Hành trình từ trái tim”. Ảnh: Internet

Những tư tưởng vĩ đại sẽ làm được những điều vĩ đại

Chia sẻ về khởi nghiệp tại Việt Nam, Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng chúng ta có nhiều nhưng vẫn thiếu nhiều, từ chí hướng đến kiến thức hỗ trợ, tất cả vẫn còn rất nghèo nàn. Tại buổi gặp gỡ, ông Vũ cũng chia sẻ về những điều thanh niên cần có để khởi nghiệp:

“- Phải có chí lớn, khát khao vĩ đại. Để có được điều này cần có một nền giáo dục thật sự được xem là quốc sách, khác với nền giáo dục mang tính thụ động.

– Cần được chuẩn bị hiểu biết về 12 lĩnh vực (Khoa học, Triết học, Huyền học, Y học, Võ học, Kinh tài học, Chính trị, Đạo đức, Xã hội học, Mỹ học, Âm thanh học và Ngôn ngữ), vốn có sự liên thông, liên hoàn với nhau. Đó là chuẩn bị cho sự minh triết.

– Cần được trang bị mô hình, sách lược để về sau có thể tự thân vận hành”.

Có lẽ chính những tư tưởng kinh doanh hướng đến một “Trung Nguyên cà phê triết đạo nhân sinh” mà ông Vũ đau đáu đã không phù hợp với chuyện lợi nhuận, doanh thu của một doanh nghiệp bình thường mà bà Thảo quan tâm nên giữa họ đã không còn tiếng nói chung nữa. Và cũng chính những tranh chấp đó đã kéo tụt Trung Nguyên xuống, một phần là do những phát ngôn và hành động bừa bãi của bà Thảo.

Vậy nhưng, dù có bị ảnh hưởng bởi sụt giảm kinh tế thì Trung Nguyên với sứ mệnh là khơi dậy tinh thần khởi nghiệp – kiến quốc vẫn sẽ tiếp tục đứng vững và đưa khởi nghiệp Việt Nam, đưa kinh tế Việt Nam phát triển, vươn ra lớn mạnh trên toàn thế giới.

Nguồn Kinh Doanh và Phát Triển