web analytics

Đẩy mạnh cơ giới hóa ngành nông nghiệp Trà Vinh 01/09/2020

(KDTT) – Nhằm thực hiện chính sách cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Bộ Chính trị, tỉnh Trà Vinh đã có kế hoạch cụ thể hóa với nhiều nhiệm vụ và giải pháp, trong đó, tỉnh chú trọng vào việc phát triển nông nghiệp 4.0.

Việc áp dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp sẽ giảm được chi phí và tăng lợi nhuận cho người nông dân.

Trà Vinh là địa phương có nền kinh tế chủ lực là sản xuất nông nghiệp, với tổng diện tích trên 180.000 ha, chiếm hơn 78% diện tích đất tự nhiên của tỉnh này. Việc áp dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp sẽ giảm được chi phí và tăng lợi nhuận cho người nông dân.

Theo đó, tỉnh Trà Vinh sẽ tập trung đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, hiện đại hóa trong việc sản xuất nông nghiệp. Từ đó hình thành mô hình trang trại thông minh trong việc trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, đẩy nhanh việc ứng dụng internet, hệ thống cảm biến vào việc quản lý côn trùng, sâu rầy, dịch hại; truyền dữ liệu về trung tâm xử lý để hỗ trợ chủ trang trại quản lý từ xa, nhằm tối ưu hiệu quả chăm sóc đến từng cây trồng và vật nuôi. Ngoài ra, tỉnh còn chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị để tạo sự đột phá trong công cuộc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại tỉnh Trà Vinh.

Hiện nay, ngành nông nghiệp Trà Vinh đã đầu tư trên 3,3 tỷ đồng trong việc hỗ trợ lắp đặt 10 hệ thống giám sát côn trùng thông qua điện thoại thông minh tại 06 huyện trồng lúa lớn nhất của tỉnh. Cụ thể, hệ thống này được lắp đặt tại các huyện: Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Ngang và huyện Châu Thành. Đây là hệ thống giúp người nông dân giám sát côn trùng, ứng dụng công nghệ 4.0 để phục vụ bảo vệ thực vật. Đặc biệt, hệ thống này sử dụng năng lượng mặt trời để đảm bảo duy trì vận hành liên tục trên các khu vực diện rộng như ruộng lúa, khu trồng trọt canh tác có diện tích lớn.

Tính đến thời điểm hiện tại Trà Vinh là tỉnh thứ ba ở ĐBSCL xây dựng hệ thống giám sát côn trùng, sau hai tỉnh Đồng Tháp và Sóc Trăng. Khi hệ thống này được đưa vào sử dụng, sẽ giúp giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo năng suất, giữ nguyên chất lượng nông sản, góp phần giảm ô nhiễm môi trường từ hóa chất, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Hướng đến nền nông nghiệp xanh, sản xuất bền vững và an toàn trước tình hình thời tiết của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đưa hệ thống giám sát côn trùng vào nông nghiệp, trước đó tỉnh Trà Vinh cũng đã đưa máy cấy tích hợp 03 khâu cùng một lúc vào công việc trồng lúa, gồm: cấy lúa, vùi phân bón thông minh cho cây lúa, phun thuốc diệt cỏ và phun thuốc diệt ốc bươu vàng chỉ một lần vào gốc lúa từ khi cấy cho đến khi thu hoạch. Điểm nổi bật của quy trình này là ngoài việc sử dụng phân bón thông minh, ruộng lúa còn dùng ứng dụng cảm ứng đo độ mặn, mực nước và bơm nước thông minh để quản lý nước theo quy trình ngập, khô xen kẽ. Đồng thời, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh qua hệ thống máy bơm có gắn bo mạch kết nối dễ dàng với điện thoại thông minh để người nông dân điều khiển từ xa, không phải cần trực tiếp có mặt trên đồng ruộng. Khi đến kỳ thu hoạch, lúa hàng hóa sẽ được tích hợp mã vạch QR và GS1 cho truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Kết quả cho thấy mô hình này giảm giá thành và tăng lợi nhuận đáng kể cho người nông dân.

PHÚC HẬU

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo KDPT