web analytics

Đâu chỉ là chuyện Khá Bảnh đốt xe 05/04/2019

(KDTT) – Sau khi đăng tải clip đốt xe máy và tuyên bố đốt do xe máy tốn xăng, Ngô Bá Khá (Khá bảnh) tiếp tục gây sốc dư luận khi công bố được một nhà sản xuất xe điện tặng một chiếc xe điện mới.  Câu chuyện trên cùng với việc hãng xe điện Pega mới đây tung ra chương trình “Đập xe máy đổi xe điện” cộng thêm việc tăng giá xăng không khác gì “đám cháy được đổ thêm dầu” khi Khá Bảnh chỉ sau đó vài ngày đã bị bắt tạm giam về tội đánh bạc và tàng trữ ma tuý.

Đằng sau câu chuyện thu hút quan tâm của đông đảo cộng đồng nói trên thực chất là các hoạt động marketing – quảng cáo nối tiếp nhau với cấp độ ngày càng lớn.  Một số ý kiến cho rằng, nếu Khá Bảnh không bị công an bắt vì tội tổ chức đánh bạc và liên quan tới ma túy thì cộng đồng sẽ còn được thấy nhiều clip của Khá Bảnh về xe điện hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở đốt xe máy như vậy.

Các chiến dịch marketing do các nhà cung cấp và sản xuất xe điện ở Việt Nam tung ra theo kiểu “Đổi xe cũ lấy xe mới” đã được thực hiện rất phổ biến. Tìm kiếm trên google với từ khóa “Đổi xe điện cũ lấy xe mới” cho tới 32 triệu 400 nghìn kết quả, một con số lớn khủng khiếp. Tuy vậy việc kêu gọi “đập xe máy để đổi xe điện” thì giờ mới có.

Theo ý kiến của một số luật sư, kêu gọi “đập xe để đổi xe” đã vượt quá giới hạn quy định của luật cạnh tranh. Nếu cơ quan chức năng vào cuộc và chứng minh được việc Hãng xe điện Pega thuê hoặc có thỏa thuận hợp tác với Khá Bảnh trong việc làm clip đốt xe và được tặng xe nói trên thì doanh nghiệp này đã vi phạm quy định của Luật cạnh tranh. Tương tự hãng Honda cũng có thể khởi kiện Page bởi chiếc xe máy bị đập, bị tuyên bố là tốn xăng và ô nhiễm môi trường là do Honda sản xuất. Ngoài ra, việc so sánh trực tiếp giữa xe máy và xe điện khi quảng cáo có thể khiến nhiều hãng xe máy cùng khởi kiện và Page có thể bị xử phạt tiền từ 60.000.000 đến 80.000.000 đồng theo điểm a khoản 1 điều 33 Nghị định 71/2014 quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.

Về việc có khởi kiện hay không, đại diện của một doanh nghiệp sản xuất xe máy cho biết, chúng tôi nghĩ: “Không cần phải khởi kiện, chúng tôi tin rằng người tiêu dùng đủ sáng suốt để nhận biết bản chất của việc này. Một chuỗi hoạt động được thực hiện bởi người vi phạm pháp luật, có tiền sử phạm tội và lại tiếp tục phạm tội không thể làm lung lay niềm tin của cộng đồng đối với các thương hiệu đã có uy tín. Tất nhiên cũng không thể xây nên một thương hiệu uy tín với cách làm như vậy”.

Chuyên gia về thương hiệu và truyền thông, Nguyễn Bá Khương cho rằng, việc sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng có thể giúp thương hiệu doanh nghiệp lan tỏa nhanh tới cộng đồng. Tuy nhiên trong trường hợp người nổi tiếng không đảm bảo các chuẩn mực của cộng đồng cũng có thể tạo ra tác động ngược.

Khá Bảnh vốn là người khá nổi tiếng trên mạng xã hội. Kênh youtube và fanpage của Khá Bảnh có cả triệu người theo dõi. Khá Bảnh mới đây trở nên nổi như cồn khi dàn hàng ngang chụp ảnh trên đường cao tốc. Lượng xem trên Youtoube của Khá lại tăng thêm khi thực hiện việc đốt xe. Thông tin về Khá càng nhiều hơn trên internet khi anh này bị bắt vì tổ chức đánh bạc và liên quan đến ma túy. Xe điện cũng được nhắc tới nhiều hơn trong những ngày gần đây. Và tất nhiên, những doanh nghiệp sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình cũng có thêm một bài học. Có thể xây được thương hiệu uy tín không nếu gắn mình vào người không có uy tín mà chỉ thu hút cộng đồng tò mò bằng những trò quái gở?

Minh Giác
Theo KDPT