web analytics

Đất Xanh, IPA, Nhà Khang Điền, R&H Group,… dồn dập ‘gọi vốn’ nghìn tỷ từ phát hành trái phiếu, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh 08/04/2022

(KDTT) – Trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản đang hoạt động cực kỳ tích cực trên thị trường trái phiếu thì mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất.

Doanh nghiệp bất động sản ‘ồ ạt’ phát hành trái phiếu

Theo thống kê của Công ty FiinPro, thị trường trái phiếu tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ khi mà lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong hai tháng đầu năm 2022 là gần 26.000 tỷ đồng và gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, chỉ riêng trong tháng 1/2022, nhóm ngành bất động sản đứng đầu về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với 14.470 tỷ đồng, chiếm 55,8% tổng giá trị phát hành của tháng.

Trước đó, theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 214.440 tỷ đồng trái phiếu, tương đương hơn 9 tỷ USD. Con số này gấp 3 lần so với năm 2020 là 71.000 tỷ đồng. Mức lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8 – 13%/năm.

Đáng chú ý, tổng giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm 36% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp các lĩnh vực. Trong đó, có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Bất động sản vẫn là một trong số nhóm ngành hút tiền từ kênh trái phiếu nhiều bậc nhất trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022.

Đơn cử như, đầu tháng 3/2022 CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HoSE: KDH) công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Qua đó, Khang Điền sẽ chào bán tối đa 20 triệu trái phiếu (mệnh giá 100,000 đồng/trái phiếu), tổng giá trị phát hành là 2,000 tỷ đồng.

Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn 36 tháng với lãi suất giao động từ 9% đến tối đa 10%/năm. Thời gian phát hành dự kiến trong quý 2/2022 sau khi Giấy chứng nhận chào bán trái phiếu ra công chúng do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp có hiệu lực.

Với 2.000 tỷ thu được sau khi đợt chào bán được hoàn tất, KDH dự kiến dùng 1.600 tỷ đồng bổ sung vốn hoạt động cho Công ty TNHH MTV Đầu tư kinh doanh Nhà Khang Phúc thông qua hình thức cho vay và 400 tỷ đồng bổ sung vốn hoạt động cho CTCP Bất động sản Thủy Sinh thông qua hình thức cho vay.

Kế hoạch sử dụng vốn dự kiến của KDH.

Trước đó, vào tháng 6 năm 2021, Nhà Khang Điền cũng đã phát hành 400 tỷ đồng từ kênh trái phiếu.

Một doanh nghiệp khác cũng hoạt động cực kỳ tích cực trên thị trường trái phiếu thời gian qua phải kể đến là Công ty cổ phần Tập đoàn R&H (R&H Group). Tính riêng trong thời điểm đầu năm 2022, R&H Group đã thu về hơn 5.000 tỷ từ phát hành trái phiếu.

Cụ thể, ngày 14/2/2022 R&H đã hoàn tất đợt phát hành 30 triệu trái phiếu, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, số tiền thu về từ đợt huy động là 3.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng, phát hành vào ngày ngày 6/12/2021, đáo hạn vào ngày 6/12/2024.

Tuy nhiên, các thông tin quan trọng như lãi suất, mục đích phát hành, tài sản thế chấp,…không được doanh nghiệp công bố.

Thông báo kết quả phát hành trái phiếu của R&H Group, thu về 3.000 tỷ đồng.

Ngoài đợt phát hành trên, tính đến thời điểm hiện tại, R&H đã trải qua 2 đợt phát hành trái phiếu khác được diễn ra vào ngày 28/12/2021 (hoàn tất vào ngày 21/3/2022) thu về 2.000 tỷ đồng và ngày 30/12/2021 (hoàn tất vào ngày 7/3/2022) thu về 944 triệu đồng.

Như vậy sau 3 đợt phát hành trái phiếu kể từ đầu năm 2022, R&H Group đã thu về tổng cộng hơn 5.000 tỷ đồng.

Một cái tên đáng chú khác là CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) cũng đã lên phương án cho đợt phát hành trái phiếu ra chông chúng đầu tiên của năm 2022, dự kiến thu về 4.000 tỷ đồng.

HĐQT Đất Xanh đã thông qua phương án phát hành tối đa 4.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng trong năm 2022. Trái phiếu sẽ là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng cổ phiếu của CTCP Dịch vụ Bất Động Sản Đất Xanh (Dat Xanh Services – Mã: DXS).

Quyết định phê duyệt phương án phát hành trái phiếu ra công chúng của Đất Xanh.

Cùng ngày ra thông báo với đợt phát hành trái phiếu, DXG cũng công bố thông tin về việc sẽ rót 4.000 tỷ đồng (vừa bằng với số tiền dự kiến thu về từ đợt phát hành trái phiếu) vào công ty con là CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An. Có thể thấy, nhiều khả năng mục đích của đợt phát hành trên của DXG nhằm tăng vốn cho Bất động sản Hà An.

Ngoài Đất Xanh, Nhà Khang Điền hay R&H, CTCP Tập đoàn Đầu tư I.P.A (Mã CK: IPA) (công ty riêng của vợ chồng bà chủ VnDirect – Phạm Minh Hương và ông Vũ Hiền) đã liên tiếp huy động 2.000 tỷ trái phiếu chỉ trong vòng 2 tháng.

Cụ thể, lô trái phiếu gần nhất mà IPA huy động thành công diễn ra vào ngày 25/2/2022 với giá trị 1.000 tỷ đồng.

Thông báo kết quả của đợt phát hành trái phiếu của I.P.A .

Đáng chú ý, đây là là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không phải là khoản nợ thứ cấp của doanh nghiệp. Lãi suất trái phiếu cố định 9,5%/năm, trả lãi định kỳ 12 tháng/lần và có kỳ hạn 3 năm. Công ty cho biết, toàn bộ số tiền thu được sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn nhằm thực hiện các dự án đầu tư và các hoạt động khác của doanh nghiệp.

Trước đó, vào ngày 20/12/2021, IPA cũng đã phát hành được 1.000 tỉ đồng trái phiếu mã IPAH2124003, loại hình không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 9,5%/năm. Tổ chức đứng ra thu xếp cho lô trái phiếu trên của IPA là Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT.

Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được IPA sử dụng để đầu tư vào 3 dự án bất động sản, bao gồm: Khu đô thị mới hai bên đường Nguyễn Thái Học (Quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ); Khu đô thị mới Nam Cần Thơ (Riverine Cần Thơ); và dự án Tòa nhà văn phòng, trung tâm nghiên cứu và giới thiệu sản phẩm Ong (TP. Hà Nội).

Mục đích huy động nghìn tỷ từ kênh trái phiếu của IPA.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động trái phiếu

Trong những qua, sự kiện Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 lô trái phiếu đã phát hành trước đó với tổng giá trị hơn 10.000 tỷ đồng cùng với việc chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt giam vì tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếu của các công ty con của Tân Hoàng Minh đã gây ‘bão’ trên thị trường, đặc biệt là thị trường trái phiếu.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất gửi Bộ trưởng các Bộ: Công an, Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Cụ thể, theo thông tin được đăng tải trên Báo Chính phủ, công điện nêu rõ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng. Tuy nhiên thời gian vừa qua, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp có những vi phạm pháp luật và đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngày 5/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan, tiến hành điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư của các công ty thành viên thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh.

Để bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn, phát triển bền vững và hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất tuân thủ quy định pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương trương phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích, hiệu quả, lành mạnh, minh bạch, ổn định, an toàn, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời tăng cường nắm tình hình, kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất nhằm trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, các hoạt động phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành; chủ động rà soát khung khổ pháp luật, xây dựng các kịch bản ứng phó gắn với việc triển khai quyết liệt các giải pháp ổn định, phát triển thị trường và ổn định tâm lý nhà đầu tư; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời cung cấp các thông tin chính thống về tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường vốn; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, công bố thông tin và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không chất lượng… theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 15 tháng 4 năm 2022.

Khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn; có chế tài cảnh báo sớm, quản lý rủi ro và xử lý mạnh mẽ, nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định pháp luật. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát trước ngày 30 tháng 4 năm 2022.

Chủ động công bố thông tin liên quan đến vụ việc nêu trên và thực hiện các giải pháp ổn định tâm lý nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo quy định pháp luật; cảnh báo sớm và có phương án xử lý kịp thời các rủi ro có thể phát sinh, bảo đảm an toàn thị trường. Chủ động phối hợp chặt chẽ và cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu theo quy định cho các cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra các vụ việc.

Theo KDPT