web analytics

Đạo đức và trách nhiệm 21/08/2019

(KDTT) – Đạo đức là một từ Hán – Việt, được dùng để chỉ một thành tố trong tính cách và giá trị một con người. Đạo là con đường và đức là những tính tốt hoặc những thành tích của người đó. Đạo đức là một phẩm chất quan trọng của nhân cách – nền tảng của một con người nói riêng và rộng hơn, là của một cộng đồng hay cả xã hội, để quyết định tư duy và hành vi của cá nhân đó và giữ ổn định xã hội.

Trong bất kỳ một xã hội văn minh nào, vấn đề đạo đức cũng được các nhà giáo dục đặt lên hàng đầu và được giảng dạy từ những cấp học nhỏ nhất. Tuy nhiên,  hiểu thấu đáo và áp dụng những bài học đó như thế nào, hiệu quả ra sao lại phụ thuộc rất nhiều vào giáo dục gia đình và sự trui rèn của mỗi cá nhân trong suốt quá trình lớn lên, trưởng thành và phát triển của mình.

Có những gia đình dạy con những bài học đạo đức lớn lao qua những sự việc tưởng như rất nhỏ và rất đỗi bình thường. Tôi vẫn nhớ tác giả Lưu Vệ Hoa – một trong hai tác giả của cuốn “Em phải đến Harvard học kinh tế” đã dạy con- cô bé Lưu Diệc Đình là: Khi vấp ngã, con hãy xin lỗi “bạn” nền nhà vì mình đã làm bạn đau.

Khi đọc đến đoạn này, tôi thực sự ngỡ ngàng vì từ bé, tôi cũng như bao cô bé, cậu bé khác, thường được ông bà, bố mẹ cưng nựng mỗi khi vấp ngã: đánh chừa “cái” bàn làm em đau này; đánh chừa “cái” nền nhà làm em đau này, mà chưa bao giờ tư duy ở chiều ngược lại là: mình đang làm đau “bạn bàn”, mình đang làm đau “bạn” nền nhà”. (Ở phần này, tôi tạm thời chưa đề cập đến tư duy thân thiện với hệ sinh thái khi dùng từ “bạn bàn”, thay cho “cái bàn”).

Phải chăng, đó chính là tư duy “Nhận trách nhiệm – Không đổ lỗi”- một giá trị đạo đức mà nhiều đứa trẻ (trong đó có tôi) chưa được gia đình để ý dạy dỗ từ thuở ấu thơ (mặc dù nhiều thành viên trong gia đình cũng đã có sẵn những giá trị đạo đức này). Hoặc là được dạy dỗ nhưng không thành hệ thống, lặp đi lặp lại nhiều lần, qua nhiều sự việc, liên tục trong nhiều năm để hình thành thói quen tư duy và sau này là giá trị đạo đức của bản thân, để rồi khi trưởng thành, luôn thấy cuộc đời bất công, đời mình bất hạnh vì toàn gặp chuyện xui xẻo, không như ý, mà không hề một lần dừng lại và suy nghĩ: Mình có trách nhiệm gì không trong những việc xảy ra với mình trong cuộc đời? Từ những việc dường như rất nhỏ như tự dưng có người đâm xe vào mình, mặc dù mình đã đi rất đúng đường và cẩn thận?

Cho đế khi tôi ý thức được giá trị đạo đức: “Nhận trách nhiệm – Không đổ lỗi”, tôi mới hiểu đó là nền tảng căn bản, tư duy mang đến sự bình an, hạnh phúc và thành công của mỗi con người, bên cạnh giá trị đạo đức cao cả nữa là lòng biết ơn. (Biết ơn lục nhân, trong đó, biết ơn “tiểu nhân” là tư duy biết ơn đem lại cho ta nhiều giá trị cho bản thân (như lòng bao dung, vị tha, buông bỏ..) và cảm giác thanh thản nhất.

Rất may là tôi đã nhận thức được điều này, không sớm nhưng không quá muộn, để cuộc đời trở nên nhẹ nhàng và thanh thản hơn.

Vì vậy, tôi không quá ngạc nhiên khi biết câu chuyện cụ già người Nhật 83 tuổi luôn miệng xin lỗi vì đã không hỏi giá trước khi lên xích lô và xin cho người lái xích lô không bị truy tố để có thể tiếp tục cuộc sống tốt hơn. Đó chính là tư duy một người luôn nhận 100/100 trách nhiệm về mình, không đổ lỗi và cuối cùng là bao dung. Đây cũng là một giá trị đạo đức của người Nhật mà chính tôi- một người có thời gian 7 năm làm việc trong một ngân hàng của Nhật Bản và nhiều bạn bè tôi, những người có thời gian làm việc và nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản đều ghi nhận và trân trọng.

Những hành động của người lái xích lô với cụ Oki Toshiyuki (83 tuổi), du khách Nhật 2,9 triệu đồng với cuốc xe chỉ 5 phút, đã làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Giá trị đạo đức “Nhận trách nhiệm- Không đổ lỗi” hay đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm đối với cuộc đời của chính chúng ta và những người xung quanh, với cộng đồng và xã hội cũng liên quan đến câu chuyện một thiên thần nhỏ 6 tuổi đã chết trên xe bus đến trường vào ngày thứ hai của đời học trò- câu chuyện quá đỗi đau lòng và ám ảnh bất kỳ ai trong chúng ta.

Tác giả Lê Thanh Thập, trong Tạp chí Triết học số 6 (169) tháng 6-2005 (Viện Triết học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) có viết: “Đạo đức nghề nghiệp là một nhánh trong hệ thống đạo đức xã hội…Lương tâm nghề nghiệp là sự tự phán xét, tự ý thức về trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp. Nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp và lương tâm nghề nghiệp có quan hệ mật thiết với nhau. Đánh mất ý thức về nghĩa vụ đạo đức là đánh mất ý thức về bản thân mình, làm mất ý nghĩa làm NGƯỜI cũng như giá trị động lực của lao động.” Đạo đức nghề nghiệp cũng chính là nhân cách nghề nghiệp của một con người, để hướng con người đó tới những giá trị CHÂN – THIỆN – MỸ trong hoạt động nghề nghiệp.

Thiên thần nhỏ 6 tuổi của chúng ta lẽ ra đã không phải chết oan ức như thế nếu như ở mỗi vị trí công việc, những người hàng ngày đang hành nghề,  làm việc với 100/100 trách nhiệm và đề cao đạo đức, lương tâm của người làm nghề. Trách nhiệm của cô quản xe là phải kiểm tra, đếm sĩ số các con lên- xuống xe, đảm bảo không con nào sót trên xe, thậm chí là kiểm tra xem con nào có quên đồ đạc, đồ ăn, đồ chơi (với các bé tiểu học) trên xe để gửi lại cho các con hoặc gia đình. Trách nhiệm của nhà trường là phải thông báo rất rõ ràng và ngay lập tức từ sáng sớm tới tất cả các lớp, rằng người duy nhất giữ trách nhiệm liên lạc với gia đình hôm nay nghỉ phép, để cô chủ nhiệm có phương án báo trực tiếp cho gia đình hoặc người thay thế. Trách nhiệm của người liên lạc với gia đình là khi nghỉ phép thì phải có bàn giao công việc cho người tiếp quản rất cụ thể, rõ ràng, để đảm bảo mọi việc vẫn thông suốt khi không có mặt mình tại trường. Với bác lái xe, tôi vẫn hiểu trách nhiệm của bác chỉ đơn giản là điều khiển cái xe vô tri vô giác đến những nơi đã ghi trong hợp đồng. Nhưng tất cả chúng ta đều ước rằng, (vâng giá mà cuộc đời này là câu chuyện cổ tích, để mọi điều ước đều có thể trở thành hiện thực), giá mà bác lái xe trước khi khóa xe nhòm một mắt, một mắt thôi vào bên trong xe, trong 1 phút thôi, thì có lẽ thiên thần của chúng ta hôm nay vẫn được mặc đồng phục tung tăng tới trường.

Trách nhiệm và đạo đức. Đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm nghề nghiệp. Hai khái niệm này được thể hiện bằng hai từ khác nhau trong tiếng Việt cũng như trong nhiều ngôn ngữ khác, nhưng lại có điểm chung, hay chính xác hơn – trách nhiệm chính là một giá trị đạo đức, là lương tâm của mỗi con người và của mỗi người đi làm- những người đang tham gia vào guồng quay lao động vĩ đại của xã hội.

Tôi muốn kết thúc bài viết của mình bằng một câu chuyện về trách nhiệm hay lương tâm nghề nghiệp của một bác tài xế (cũng là tài xế- nhưng là tài xế taxi), trong câu chuyện của tôi – một cô gái Việt Nam 24 tuổi 22 năm về trước, lần đầu tiên xa nhà và đặt chân tới thủ đô Stockholm của Thụy Điển, cũng là thủ đô nước ngoài đầu tiên trong hành trình 17 nước sau này tôi đã may mắn được khám phá.

Bác tài xế taxi nhiều tuổi, dáng to cao người Thụy Điển, sau khi nghe tôi ngập ngừng và bẽn lẽn (vì lần đầu tiên ra nước ngoài và nói tiếng Anh ở -nước- ngoài) nói địa chỉ khách sạn tôi cần đến, bác vui vẻ chở tôi tới khách sạn bằng con đường gần nhất (sau này ban tổ chức và bạn học cùng lớp xác nhận với tôi như vậy). Khi đến nơi, bác chưa nhận tiền của tôi ngay mà ra khỏi xe và nói với tôi rằng: “Cô ngồi trên xe chờ tôi một lát nhé”. Tôi thực sự không hiểu gì, có phần hơi sợ hãi vì chỉ có một mình ngồi trong xe và hoang mang không hiểu tại sao tài xế đã đưa mình tới nơi rồi mà không nhận tiền và cho mình xuống. Bác tài vào khách sạn và nói gì đó với lễ tân rồi quay ra xe, mở cửa cho tôi và nói rằng: “Cô ra đi, đúng nơi cô cần đến rồi đó”. Thì ra, vì bác không nghe rõ tên và địa chỉ khách sạn (do tôi run quá khi lần đầu tiên nói tiếng Anh với bác) nên bác đã cẩn thận vào lễ tân khách sạn hỏi, để chắc chắn rằng bác đã đưa tôi đến đúng nơi tôi cần đến. Và bác tinh tế, nhân văn tới mức không muốn làm tôi buồn vì nghĩ rằng mình nói tiếng Anh không tốt, nên đã không hề yêu cầu tôi nói lại vài lần cho rõ, mà lặng lẽ đưa tôi đến tận nơi, kiểm tra cẩn thận và chính xác với lễ tân khách sạn trước khi cầm tiền của tôi và mang hành lý của tôi vào tận chân bàn lễ tân. Cho đến tận bây giờ, cảm giác trong tôi vẫn ấm áp và biết ơn vô cùng, như thể bác là cha mình chứ không phải là một người lái taxi đơn thuần. Tôi đã yêu cả đất nước Thụy Điển, muốn mang cả vườn hoa tuylip trước cửa khách sạn tôi ở về Việt Nam, chỉ vì tình yêu ban đầu đối với một tấm lòng và tinh thần làm việc đầy trách nhiệm như thế của một bác tài xế taxi nhiều tuổi – người tôi biết ơn nhưng lại vô duyên quên hỏi tên.

Và bạn biết không, đôi khi bạn không hề ngờ rằng, chỉ bằng một tinh thần làm việc đầy trách nhiệm, với tất cả lương tâm nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, bạn đã trở thành đại sứ thương hiệu của doanh nghiệp, của hãng taxi hay trường học nơi bạn làm và rộng hơn, bạn chính là đại sứ thương hiệu của đất nước bạn, truyền cảm hứng và cảm xúc tích cực, mạnh mẽ nhất tới du khách, mà không cần tới sự hỗ trợ của bất kỳ phương tiện truyền thông nào, dù hiện đại đến mấy.

Vì vậy, cả tôi và bạn, chúng ta hãy cùng nhau làm việc với tất cả sự tận tâm, với tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp vượt ngoài những KPI cam kết trong hợp đồng lao động, để không chỉ là không để xảy ra những trường hợp đau lòng, mà để cho mỗi ngày làm việc của chúng ta đều đong đầy giá trị và ý nghĩa- cho chính chúng ta và những người chúng ta tương tác, để hạnh phúc và sự bình an thực sự không chỉ nằm trong những câu chuyện cổ tích. Chúng ta xứng đáng được hưởng bình an và hạnh phúc- vì chúng ta đã làm việc với tận cùng trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. Cuộc sống vốn đã ngắn ngủi và cuộc sống hạnh phúc thực sự lại càng hiếm hoi – không có chỗ cho những người vô trách nhiệm và luôn là quá muộn để nói lời sám hối.

Theo KDPT