web analytics

“Đánh thức” nguồn nhân lực 12/05/2019

(KDTT) – Nhân lực – yếu tố then chốt đối với sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Vì vậy, hiện nay, nhiều doanh nghiệp không tiếc công sức đầu tư cho công tác tuyển dụng, đào tạo với mong muốn xây dựng được đội ngũ nhân sự trình độ cao.

Yếu tố then chốt

Trong nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng trở nên gay gắt, đòi hỏi cộng đồng kinh doanh cần nhận thức đúng đắn hơn về đào tạo nguồn nhân lực. Đây là nguồn chất xám, yếu tố then chốt đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp muốn nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm phải cập nhật, đổi mới công nghệ, bắt kịp xu thế . Đáp ứng được yêu cầu đó, doanh nghiệp cần có đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên am hiểu và vận hành được máy móc, kỹ thuật.

danh thuc nguon nhan luc

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Đình Tư – Giám đốc Công ty TNHH Minudo Farm – Care – khẳng định, con người là tài nguyên, yếu tố then chốt của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp như Minudo Farm – Care, muốn làm cà phê chất lượng cao, đòi hỏi người lao động phải nắm vững kỹ thuật. “Nhận thức được điều này, chúng tôi tiến hành đào tạo nhân viên một cách nghiêm túc, nhất là ở bộ phận marketing, bộ phận kỹ thuật để nâng cao trình độ, nhận thức, năng lực làm việc” – ông Tư chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tới – Phó trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Qưới – cho hay, hiện tại, số lao động của công ty là hơn 1.000 người. Tùy theo từng vị trí làm việc khác nhau, nhưng cơ bản, tất cả nhân viên lao động của công ty đều được đào tạo, hướng dẫn bởi những người đi trước hoặc tham gia các lớp tập huấn, nhờ đó năng suất lao động tăng hàng năm. “Chúng ta nói nhiều về tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, “cuộc chiến” việc làm giữa máy móc và con người nhưng về cơ bản, con người vẫn là chính, quyết định thành bại của doanh nghiệp” – ông Nguyễn Văn Tới cho hay.

Xây dựng nhân lực chất lượng cao

Theo ông Nguyễn Văn Tới, ở Lương Qưới, tùy theo mỗi dây chuyền thiết bị với quy mô và áp dụng công nghệ khác nhau, sẽ có nguồn nhân lực tương ứng. Có những bộ phận sử dụng lao động chân tay, máy móc không thể thay thế được. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những sản phẩm sản xuất tự động hóa là chính và với một dây chuyền như vậy chỉ cần khoảng 10 nhân viên. Các nhân viên chỉ làm nhiệm vụ giám sát, kiểm tra máy móc, thiết bị. “Để có được đội ngũ nhân lực này, phải trải qua quá trình đào tạo, trình độ phải từ cao đẳng, đại học trở lên và được đào tạo ít nhất là 6 tháng tại công ty. Hiện nay, nhân lực trình độ cao ở công ty chiếm khoảng hơn 30%” – ông Tới nói.

“Việc xây dựng nhân sự tiềm năng rất quan trọng” – đây là khẳng định của bà Dương Từ Uyên Thảo – Giám đốc phát triển kinh doanh, Công ty Cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân.

Theo bà Thảo, một trong các chương trình Duy Tân đã phát triển nhiều năm qua, đó là xây dựng các chương trình nhân sự tiềm năng. Nghĩa là, Duy Tân đến các trường đại học, tổ chức hội thảo cùng sinh viên, đặc biệt là các sinh viên sắp ra trường, với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn, bộ phận khác nhau của công ty như kinh doanh, sản xuất, kỹ thuật… Thông qua đó, vừa giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp, giới thiệu hoạt động của Duy Tân, đồng thời, sẽ có những chương trình tuyển dụng các sinh viên xuất sắc. Và, sau quá trình tuyển dụng, sẽ đào tạo lại. “Hiện nay, nhân viên của Duy Tân tổng cộng 5.000 người và chúng tôi đang trong quá trình xây dựng lực lượng thật mạnh về trí tuệ” – bà Dương Từ Uyên Thảo khẳng định.

Không chỉ có Nhựa Duy Tân, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có trình độ, có tay nghề trở nên cấp thiết đối với mọi doanh nghiệp. Để giải bài toán này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp để đào tạo, tuyển dụng lao động theo đúng yêu cầu phát triển kinh doanh.

Nguồn: báo Công thương điện tử