Xây dựng hệ thống pháp luật đồng nhất

Trước đó, tại Hội thảo “Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với hệ thống pháp luật”. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, từ khảo sát thực tiễn thi hành pháp luật về đất đai gắn với hoạt động đầu tư kinh doanh còn có sự chồng chéo, thiếu đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai với các luật liên quan, là điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về đất đai.

Đã có nhiều ý kiến góp ý và chỉ ra những bất cập Luật chồng chéo Luật trong lĩnh vực bất động sản như: Theo VCCI, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản đang có những quy định chồng lên Luật Đất đai, thiếu thống nhất về một vấn đề nào đó. VCCI đã chỉ ra: Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 53 Dự thảo Luật Đất đai (phiên bản lấy ý kiến nhân dân) thì “đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở thì được chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có Giấy chứng nhận.” Có nghĩa, dự án được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ khi đã có Giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, khoản 4 Điều 41 Dự thảo lại quy định điều kiện khi chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản “Chủ đầu tư chuyển nhượng đã có quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) của dự án, phần dự án chuyển nhượng đối với Nhà nước mà không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng”.

Như vậy, giữa hai Dự thảo vẫn đang chưa thống nhất về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án chuyển nhượng.

Cùng với đó, có nhiều quy định cũng chưa được triển khai rõ ràng. Theo bà Lê Thị Bích Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh địa ốc Him Lam tại tọa đàm “Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực” đã nêu vấn đề như: Theo dự thảo, khi giao đất sẽ có 2 hình thức “đấu giá” và “đấu thầu”. Tuy nhiên, hiện nay tại T.PHCM có nhiều dự án doanh nghiệp đã bồi thường, giải phóng mặt bằng 100%, nhưng chưa được giao đất chính thức. Như vậy, những trường hợp này thì sắp tới khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực sẽ “chuyển tiếp” như thế nào, cần có quy định rõ nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.

Đánh giá về các vấn đề xoay quanh Luật liên quan đến đất đai, TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng VEPR cho rằng, hệ thống pháp luật của chúng ta quá chồng chéo. Thời gian qua, việc phân cấp mạnh mẽ về địa phương cũng dẫn đến vấn đề. Địa phương được trao quyền nhưng không biết dùng quyền như thế nào đã làm chậm việc giải ngân nguồn vốn. Từng có tình trạng trục lợi chính sách ở địa phương và bị truy tố, dẫn đến tình trạng tâm lý không dám làm. Điều này cũng gây ra hệ lụy khiến thực thi dự án chậm trễ.

Cần phải giải ngân vốn đầu tư công

Thống kê cho thấy, trong quý I/2023 giải ngân vốn đầu tư công chỉ hơn 73 nghìn tỷ đồng trong tổng số hơn 700 nghìn tỷ đồng cần giải ngân của cả năm. Áp lực giải ngân đang ngày càng đè nặng lên các bộ, ngành, địa phương bởi nếu không đẩy mạnh tiến độ giải ngân thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới động lực tăng trưởng.

Về tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, các địa phương thường đưa ra lý do liên quan khó khăn về cơ chế, chính sách; trình tự lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công hằng năm; thẩm quyền quyết định thời gian bố trí vốn; trình tự, thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách nhà nước; vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện…

Đơn cử, trong công tác tổ chức thực hiện, ngay trong tháng 1/2023, các chủ đầu tư tập trung hoàn tất hồ sơ báo cáo thanh toán, giải ngân phần vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022; các dự án khởi công cuối năm 2022 chuyển tiếp sang năm 2023 tập trung thi công để có khối lượng thanh toán phần vốn đã tạm ứng từ kế hoạch năm 2022 nên chưa có khối lượng thanh toán kế hoạch năm 2023.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng VEPR – cho rằng: “Chậm giải ngân đầu tư công từ nhiều năm nay khiến cung tiền cho nền kinh tế ngày càng đi xuống. Trong lúc khó khăn, cung tiền phải tăng. Việc tồn đọng gần 1 triệu tỷ đồng phải gửi tại ngân hàng là biểu hiện bên ngoài của hạn chế thể chế. Nếu không giải quyết được việc chồng chéo, mâu thuẫn giữa văn bản pháp luật sẽ không giải quyết được tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công”.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, để giải quyết bài toán giải ngân đầu tư công, giải phóng lượng tiền “đắp chiếu” tại ngân hàng, việc đầu tiên, cơ quan chức năng cần làm là đẩy nhanh quy hoạch tại địa phương. Giải quyết được quy hoạch sẽ giúp dự án đầu tư công và chương trình mục tiêu quốc gia được đẩy nhanh.

Cũng theo một số đại biểu Quốc hội, giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng đồng nghĩa với việc không thực hiện được các mục tiêu để phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội và tạo việc làm cho lao động

Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội nhận định: “Nếu giải ngân đầu tư công chậm thì cũng đồng nghĩa là chúng ta đang làm lãng phí thời gian, kinh phí và cơ hội hưởng lợi của nhiều người dân. Ngoài ra, việc giải ngân chậm cũng đồng nghĩa với việc không thực hiện được các mục tiêu để phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội và tạo việc làm cho lao động. Vì vậy, Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ thực hiện nhanh việc giải ngân đầu tư công, kịp thời các giải quyết những vướng mắc về thủ tục hành chính…”

Đại biểu Hoàng Văn Nghiệm – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị, Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải…

Theo KDPT