web analytics

Đánh giá công tác quy hoạch xây dựng và quản lý đất đai ở địa phương: Góc nhìn từ hoạt động đầu tư, thực hiện dự án công
Dự án “trăm tỉ” ở Vĩnh Phúc sử dụng nguồn “đất lậu” 16/12/2021

(KDTT) – Là tỉnh đang trên đà phát triển với mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, Vĩnh Phúc luôn có nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên đất đai rất lớn. Để đảm bảo không lãng phí tài nguyên đất, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn, các địa phương trong tỉnh đã từng bước chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai theo hướng chặt chẽ, đồng bộ, đảm bảo cho nhu cầu phát triển bền vững. Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song công tác quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai là vấn đề khó, vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng, chồng chéo bất cập… 

Dự án khủng tiếp tay tiêu thụ “đất lậu” !?

Thực tế, qua triển khai Chuyên đề “Đánh giá công tác quy hoạch xây dựng và quản lý đất đai ở địa phương: Góc nhìn từ hoạt động đầu tư, thực hiện dự án công“, chúng tôi đã nhận được những phản ánh liên quan dự án: Xây dựng cầu Vĩnh Phú qua Sông Lô kết nối tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Theo đó, dự án này bị tố có dấu hiệu tiếp tay tiêu thụ nguồn “đất lậu”, đất không rõ nguồn gốc. Để khảo sát thực tiễn, minh chứng cho chuyên đề, nhóm phóng viên đã ghi nhận tình trạng khai thác, sử dụng đất trái pháp luật, không đúng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, gây thất thoát tài nguyên và ngân sách nhà nước. Điều đáng nói, tham gia vào quá trình khai thác đất trái phép, có cả từ người dân đến doanh nghiệp.

Cụ thể, tại hộ gia đình T – N, ở thôn Tiến Bộ, xã Phương Khoan đang diễn ra tình trạng khai thác đất trái phép và mang đi tiêu thụ tại dự án “trăm tỉ”, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc làm đại diện chủ đầu tư.

Địa điểm khai thác đất trái phép tại thông Tiến Bộ, xã Phương Khoan.

Có mặt tại địa điểm khai thác trái phép ở xã Phương Khoan, phóng viên (PV) ghi nhận hàng chục xe tải lớn nhỏ ra vào tấp nập “ăn đất” để mang đi tiêu thụ.

Theo chân những đoàn xe này, chạy qua nhiều cung đường trên đê ven sông Lô qua các xã như Tứ Yên, Như Thụy, TT Tam Sơn, PV vô cùng bất ngờ vì điểm đến của những mét khối “đất lậu” này lại được “tiêu thụ” bởi một dự án “khủng”.

Chạy qua nhiều cung đường dài gần 14km, “đất lậu” được tiêu thụ tại dự án cầu Vĩnh Phú qua Sông Lô.

Được biết, dự án đang tiêu thụ “đất lậu”: “Xây dựng cầu Vĩnh Phú qua Sông Lô kết nối tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ” do UBND tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư; Đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc. Tổng mức đầu tư là trên 540 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu và thi công dự án là liên danh các nhà thầu: Công ty Quảng Lợi và Công ty cổ phần xây dựng và lắp máy Trung Nam.

Làm việc với PV, ông Đỗ Xuân Hợp – Phó Chủ tịch UBND xã Phương Khoan, cho biết: “Hiện tại, ở xã chưa có điểm mỏ nào được phép khai thác đất. Địa điểm đang khai thác tại thôn Tiến Bộ này chúng tôi đã lập biên bản hai (02) lần và có biên bản xử phạt hành chính rồi. Hôm nay cán bộ địa chính đi vắng nên không cung cấp được biên bản, để tôi cho cán bộ kiểm tra lại rồi thông tin lại sau”.

Được biết, dự án “Xây dựng cầu Vĩnh Phú qua Sông Lô kết nối tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ” có điểm đầu cầu phía TP Việt Trì kết nối với đường Trần Phú, giao với đê Hữu sông Lô và kết thúc tại điểm giao với đê Tả sông Lô (xã Đức Bác, huyện Sông Lô), với tổng chiều dài dự kiến khoảng 509,55m. Cầu được thiết kế đảm bảo 4 làn xe cơ giới, bề rộng mặt cầu chính 19m, bề rộng cầu dẫn 16,5m.

Nhà thầu có đủ năng lực?

Công ty Quảng Lợi được thành lập tháng 6/1999, đại diện pháp luật là ông Lưu Văn Hào, công ty có mã số thuế 2500169978, ngành nghề chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác.

Ở một khía cạnh khác, theo tìm hiểu của PV, Công ty Quảng Lợi (nhà thầu liên danh thi công dự án “Xây dựng cầu Vĩnh Phú qua Sông Lô kết nối tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ”) đã chậm nộp thuế và kéo dài nhiều năm nay. Thậm chí mới đây nhất, công ty này mới được Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc miễn tiền chậm nộp thuế với con số gần 22 tỷ đồng.

Nhận định khách quan, thì việc nhà thầu chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế sẽ không ảnh hưởng tới việc dự thầu. Tuy nhiên, việc hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế đúng thời hạn với Nhà nước là thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong kinh doanh và sự tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật về thuế, cũng như phần nào đánh giá được năng lực của nhà thầu.

PV đã liên hệ đặt lịch làm việc với ông Lê Ngọc Minh – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc, để nắm rõ hơn một số vấn đề, nhất là những nội dung liên quan đến quá trình lập hồ sơ mời thầu dự án, năng lực nhà thầu. Tuy nhiên, sau gần 2 tuần PV vẫn chưa nhận được bất cứ sự phản hồi gì.

Quyết định số 303/QĐ-BQLDA, về việc điều chỉnh dự toán và cập nhật giá gói thầu Xây lắp và Giám sát thi công xây lắp thuộc dự án: Xây dựng cầu Vĩnh Phú qua Sông Lô kết nối tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, do ông Lê Ngọc Minh – Giám đốc BQLDA ký ngày 04/11/2021.

Để tránh thất thoát nguồn tài nguyên đất, thất thu ngân sách nhà nước, cũng như tìm được nhà thầu thực sự có năng lực về tài chính, kinh nghiệm để đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình, nhằm siết chặt công tác quản lý đất đai trong việc xúc tiến đầu tư, triển khai các dự án, rất mong UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ.

Thủy Tiên

Bạn đang đọc bài Dự án “trăm tỉ” ở Vĩnh Phúc sử dụng nguồn “đất lậu”
 tại chuyên mục Bất động sản.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT