web analytics

Đàm phán Mỹ – Trung: Bao giờ cho đến hồi cuối 16/06/2019

(KDTT) – Hội nghị Thượng đỉnh G20 ngày 28-29/6 tại Osaka, Nhật Bản được cho là một trong những cơ hội cuối cùng để lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hạ nhiệt căng thẳng.

Một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đầy hù dọa rằng “thuế quan bổ sung sẽ có hiệu lực ngay lập tức nếu ông Tập không tham dự G20” và Bắc Kinh sẽ buộc phải đạt thoả thuận với Mỹ mà không có cách nào khác, thì cho đến cuối ngày 12/6, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng vẫn chưa có bất cứ xác nhận nào về cuộc gặp này.

G20 được cho là một trong những cơ hội cuối cùng để lãnh đạo hai nền kinh tế lớn

Đọ sức vượt khuôn khổ

Đến lúc này, có thể nói cuộc đọ sức Mỹ -Trung đã vượt ra rất xa khuôn khổ thương mại – cái cớ mà Washington vin vào để nổ phát súng đầu tiên trước “bạn hàng khổng lồ” Trung Quốc. Từ cáo buộc ăn cắp công nghệ của doanh nghiệp Mỹ, đến nay cuộc cọ sát đã bước sang lĩnh vực mới, khi Tổng thống Trump tấn công thẳng Huawei – tập đoàn viễn thông lớn thứ hai thế giới và đang dẫn đầu về công nghệ 5G, cũng như nhắm tiếp tới 5 công ty khác của Trung Quốc trong ngành công nghệ cao và kỹ thuật số.

Lúc đầu, Washington và bản thân Tổng thống Trump đều tin rằng, đây là cuộc chiến mà Mỹ dễ giành phần thắng. Nhưng rồi, “ăn miếng trả miếng” đã đẩy căng thẳng lên những mức thang cao hơn. Mỹ ngày càng đóng lại nhiều cánh cửa đối thoại, còn Trung Quốc cũng đổi giọng và bắt đầu tính tới nhiều kế phản công.

Càng về sau, cuộc cọ sát càng cho thấy sự thiếu tự tin đến hoang mang của Mỹ. Họ lo ngại một ngày nào đó Trung Quốc sẽ chiếm thế thượng phong về công nghệ – thứ quyết định vị thế bá chủ thế giới trong tương lai. Lịch sử đã không ít lần cho thấy điều đó. Những năm 1960 – 1970, Mỹ từng lo sợ bị Liên Xô qua mặt về công nghệ không gian. Đến thập niên 1980 – 1990, Washington lo ngại khi thấy các tập đoàn Nhật Bản phát triển quá nhanh. Nay thì mọi lo lắng của Mỹ hướng về Trung Quốc, đặc biệt sau khi kế hoạch “Made in China 2025” với nhiều tham vọng được công bố.

Điểm hẹn cuối cùng?

Các nhà lãnh đạo của 19 quốc gia và Liên minh châu Âu đang chuẩn bị tụ họp tại G20 để bàn biện pháp đối phó với các nguy cơ kinh tế, trong đó có các cảnh báo tranh chấp thương mại có thể ảnh hưởng lên tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay và 2020. Vậy, Tổng thống Trump có tính toán gì khi quyết gặp bằng được ông Tập Cận Bình tại Nhật Bản vào cuối tháng này?

Giới phân tích cho rằng, nếu muốn đảm bảo cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc diễn ra, đồng thời khôi phục đàm phán thương mại, Mỹ sẽ cần thay đổi 4 quan điểm có ràng buộc với nhau bao gồm: Trung Quốc không tin tưởng Mỹ trong đàm phán, trong khi biết chắc đang nắm nhiều công cụ có thể trả đũa, ngoài thuế; Tổng thống Trump và những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc cho rằng, cách duy nhất để đạt một thỏa thuận có ý nghĩa với Bắc Kinh là tăng sức ép kinh tế lên nước này, tuy nhiên, phía Trung Quốc lại biết rằng, chính sách áp thuế của Washington không nhận được sự ủng hộ của doanh nghiệp và người dân Mỹ.

Tuy nhiên, trong nhiều cuộc họp gần đây của giới chức, nhà đầu tư và học giả Trung Quốc, chủ đề bao trùm luôn là Bắc Kinh còn đủ tự tin có thể đối phó trường kỳ với một doanh nhân thực dụng như ông Trump?.

Trong khi đó, với Tổng thống Trump, bài toán trở nên nan giải hơn vì ông đang cần sớm ghi điểm với công luận Mỹ trước thềm bầu cử Tổng thống 2020. Ông cần thấy chỉ số chứng khoán trên phố Wall ngập màu xanh.

Còn ông Tập, dù có nhiều thời gian hơn người đứng đầu nước Mỹ, việc đánh mất sự thịnh vượng của nền kinh tế lại là điều tối kỵ. Bắc Kinh dường như cũng đang sử dụng đòn hù dọa như Washington, khi các tuyên bố dù mạnh mẽ nhất mới chỉ dừng lại ở tuyên bố. Điều đó cho thấy, ông Tập có vẻ nóng lòng không kém ông Trump nhằm đạt một “thỏa thuận ngừng bắn” về thương mại.

Bởi vậy, sẽ không loại trừ khả năng “Chủ tịch Trung Quốc sẽ vui vẻ nhận lời” đến G20, còn ông Trump sẽ đổi ý khi cảm thấy chính sách quá cứng rắn đối với Bắc Kinh đã làm suy yếu chính thị trường chứng khoán Mỹ.

Cuộc đọ sức dài hơi

Đánh giá về khả năng Mỹ – Trung tìm được tiếng nói chung, chuyên gia kinh tế Jean-François Boittin, người nhiều năm sống tại Washington và nghiên cứu chính sách kinh tế của Mỹ trong suốt giai đoạn từ sau Thế chiến II cho rằng, ngay từ khi khơi mào cuộc chiến thương mại, Washington đã đề ra những mục tiêu rất khó đạt được như “đòi Bắc Kinh phải đầu hàng vô điều kiện”.

Đó là điều không bao giờ xảy ra. Trung Quốc khó có thể chấp nhận để Mỹ áp đặt luật chơi. Do đó, trong những năm tới, Mỹ – Trung sẽ đi từ thỏa thuận “ngừng bắn” tạm thời này đến thỏa thuận tạm thời khác. Đôi bên sẽ đàm phán triền miên. Bắc Kinh và Washington sẽ “khi cương, khi nhu” tùy theo tình hình và tùy vào các cuộc họp thượng đỉnh song phương, như tại G20 lần này. Đây sẽ là một cuộc đọ sức dài hơi có nguy cơ kéo dài trong nhiều năm, thậm chí hàng chục năm.

Kịch bản này cũng được giới phân tích chú ý hơn cả. Bởi ngay từ đầu, xung đột giữa hai siêu cường kinh tế được dự báo sẽ không dừng trên mặt trận thương mại. Trong 14 tháng qua, kể từ khi căng thẳng thương mại nổ ra, Trung Quốc đã giữ thế “thủ” trước đòn tấn công dồn dập từ Mỹ. Nhưng nay, Bắc Kinh đã thay đổi, trở nên cứng rắn hơn, giọng điệu gay gắt hơn.

Bắc Kinh đã đổi chiến thuật. Truyền thông Trung Quốc nêu các khả năng đáp trả mạnh mẽ của Bắc Kinh, như “vũ khí đất hiếm” hay ồ ạt bán trái phiếu kho bạc Mỹ. Trước các quan khách quốc tế tại Diễn đàn An ninh châu Á Shangri-La, Bắc Kinh công khai tuyên bố “sẵn sàng” đương đầu với Mỹ, dù không đóng cửa đàm phán. Trung Quốc cũng công bố “Sách Trắng” thông báo đang chuẩn bị một “danh sách đen các tập đoàn nước ngoài không đáng tin cậy”…

Tuy nhiên, khi tính đến những phương tiện mà Trung Quốc có thể mang ra để mặc cả với Mỹ, giới chuyên gia cho rằng, tình huống này chỉ xảy ra khi Bắc Kinh bị dồn đến đường cùng, bởi khi phải dùng đến biện pháp này có nghĩa là Bắc Kinh đã chấp nhận “tự bắn vào chân mình”.

Theo Báo Thế giới và Việt Nam