web analytics

Đạm Ninh Bình: Nhọc nhằn trong hiện đại 20/08/2019

(KDTT) – Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình (ĐNB) có công suất 560.000 tấn urê/năm với tổng mức đầu tư 667 triệu USD, được khởi công ngày 10/5/2008. Cuối tháng 3/2012 ĐNB bắt đầu cho ra sản phẩm. Đây là một trong  những nhà máy sản xuất urê quy mô đứng đầu ở Việt Nam và được đầu tư khá đồng bộ, song tới nay ĐNB đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

ĐNB đang trong thời gian đóng máy bảo trì định kỳ – Ảnh: Duy Khánh

Công nghệ châu Âu: Tiên tiến hiện đại…

Dự án ĐNB được thực hiện theo phương thức tổng thầu EPC do Tổng Công ty Thiết kế và Thầu khoán Hoàn Cầu Trung Quốc (HWCEC) làm tổng thầu. Khác với các nhà máy sản xuất urê đang có tại Việt Nam, ĐNB sử dụng công nghệ sản xuất urê đi từ than. Đây là công nghệ đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới ở thời điểm hiện nay.  Các công đoạn chính của hệ thống sản xuất đều sử dụng công nghệ bản quyền tiên tiến của các nước Châu Âu và G7. Công nghệ khí hóa than cám của Shell – Hà Lan; tinh chế khí của Linde – Đức; tổng hợp Amoniac của Haldor Topsoe – Đan Mạch; tổng hợp urê của Snamprogetti – Ý; phân ly không khí của Air Liquide – Pháp …

Tính tới nay, nhà máy ĐNB đã đạt tổng thời gian chạy máy liên tục lên tới 1.200 ngày. Theo quy trình hoạt động, mỗi năm nhà máy cần 45 ngày bảo dưỡng và hiệu chỉnh thiết bị. Nếu năm 2016, thời gian đầu vận hành nhà máy chỉ chạy được 76 ngày thì thời gian chạy máy ổn định đang tiếp tục tăng nhanh. Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2019, nhà máy đã chạy liên tục được 176 ngày (vượt 07 ngày so với quỹ thời gian chạy máy của năm 2018, gần gấp 3 lần so với cả năm 2016).

Đại diện ĐNB cho biết, việc sử dụng công nghệ châu Âu và G7 giúp chất lượng sản phẩm của ĐNB tốt, song cũng có không ít trở ngại ban đầu. Mặc dù cơ bản đã làm chủ công nghệ, đã có thể vận hành hệ thống phụ tải từ 90-105% thiết kế, song công nghệ khí hóa than Shell là công nghệ đầu tiên có tại Nhà máy ĐNB ở Việt Nam, rất mới mẻ với lực lượng lao động hiện có. Dự án này cũng không thực hiện đầu tư thiết bị dự phòng ban đầu, các thiết bị vật tư của những nhà sản xuất bản quyền thường sản xuất theo đơn đặt hàng, đơn chiếc không thể thay thế bởi các đơn vị khác. Việc mua vật tư dự phòng cũng rất khó khăn, thời gian mua dài, chi phí cao.

Những khó khăn

Mặc dù được Nhà máy được đầu tư với số tiền rất lớn, công nghệ hiện đại nhưng hàng hoạt các yếu tố bất lợi chủ quan và khách quan lại khiến cho ĐNB mắc hết khó này đến khó khác.

ĐNB đang đứng trước những khó khăn lớn về vốn cho hoạt động. Từ khi đi vào hoạt động Công ty vẫn nằm trong trạng thái bị lỗ. Số lỗ lũy kế đến nay là 5.365 tỷ đồng. Đại diện ĐNB cho biết, mặc dù vậy, ĐNB đã huy động được gần 2.000 tỷ từ các khách hàng. Đây là các nhà phân phối của ĐNB, ủng hộ Công ty theo hình thức thanh toán trước nhận hàng sau. Nguồn tài chính này đã góp phần giúp ĐNB ổn định sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Tới thời điểm hiện tại, việc đầu tư toàn bộ bằng vốn vay đã khiến chi phí tài chính của ĐNB rất lớn. Trong thời gian từ lúc phê duyệt dự án đầu tư nhà máy tới nay, giá than đã tăng 3 lần, giá điện tăng mạnh trong khi giá bán sản phẩm kém ổn định. Chi phí đầu vào ngày càng tăng trong khi giá bán sản phẩm giảm vẫn đang tiếp tục khiến ĐNB liên tục bị khó khăn đeo bám.

Việc không được khấu trừ thuế VAT cũng khiến ĐNB mỗi năm phải tính thêm vào giá thành bình quân 150 – 180 tỷ đồng. Tới nay lỗ lũy kế từ việc không được khấu trừ thuế VAT đã lên tới 453 tỷ đồng (tương đương 9% tổng số lỗ hiện nay).

Công nhân nhà máy ĐNB đang thực hiện công tác bảo trì định kỳ – Ảnh: Duy Khánh

Giải pháp nào cho ĐNB?

Trước những khó khăn hiện nay, thậm chí đã có ý kiến cho rằng cần chấm dứt hoạt động của ĐNB để “cắt lỗ”. ĐNB cũng đã nhiều lần kiến nghị tới các cơ quan chức năng nhằm tìm giải pháp tháo gỡ cho Công ty. Tại buổi làm việc với ĐNB cách đây chưa lâu, Bộ trưởng bộ Công thương, Trần Tuấn Anh cho rằng, ĐNB cần tự cứu mình và phải tìm cách duy trì hoạt động cho tới lúc có hiệu quả. Bộ Công thương cũng sẽ nghiên cứu chính sách về thuế (phòng vệ thương mại…) để hỗ trợ ĐNB. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định không thể nói đến chuyện tồn tại hay không tồn tại bởi vì điều đó làm “tổn thương đến tình cảm của tập thể người lao động Công ty”.

Với mục tiêu ĐNB tiếp tục chạy máy để đến năm 2020 hết lỗ và thoái vốn, ĐNB cũng đang đề nghị được ký hợp đồng mua bán than tương tự các điều khoản năm 2017 với giá hiệp thương. Tiếp tục huy động vốn từ các khách hàng mua  urê (hình thức thu tiền trước, trả hàng sau) mà đại diện ĐNB nói vui là “ngân hàng nhân dân”. Điều này đang giúp ĐNB phần nào khắc phục được những khó khăn nhất thời.

Đặc biệt, việc thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn theo đề án xử lý 1468/TTg-CP của Thủ tướng Chính Phủ đối với ĐNB sẽ là sự hỗ trợ cần thiết cho ĐNB trong điều kiện hiện nay. Đại diện ĐNB cũng bày tỏ: “Mong dư luận, các phương tiện thông tin đại chúng có cái nhìn khách quan, đa chiều nhằm thông tin về ĐNB không bị méo mó, sai lệch…sẽ làm cho Nhà máy có hình ảnh tốt hơn khi quan hệ, làm việc với đối tác trong và ngoài nước”.

Theo KDPT