web analytics

Đảm bảo lợi ích ngành mía đường trong nước 27/11/2021

(KDTT) – Sau khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường mía Thái Lan, Bộ Công Thương đã phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Tài chính, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước theo dõi sát tình hình nhập khẩu. Đây là thông tin được ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) – chia sẻ khi trao đổi với báo chí.

Thưa ông, những diễn biến gần đây cho thấy, sau khi Việt Nam áp thuế phòng vệ thương mại (PVTM) có thể đường mía Thái Lan đã được lẩn tránh bằng cách chuyển sang các nước ASEAN để nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này có đúng không, thưa ông?

Như chúng ta đã biết, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan kể từ tháng 1/2021. Ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 477/QĐ-BCT áp dụng thuế CBPG, CTC tạm thời và ngày 15/6/2021 ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT áp dụng biện pháp CBPG, CTC chính thức đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan.

Ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương)

 

Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, đường nhập khẩu từ Thái Lan giảm mạnh xuống chỉ còn 332 nghìn tấn, giảm 80% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, đường nhập khẩu từ các nước ASEAN khác thì lại tăng mạnh, trong 10 tháng năm 2021 đạt tới 744 nghìn tấn, tăng gần 400% so với cùng kỳ năm 2020. Trước diễn biến này, ngay từ khi áp dụng biện pháp sơ bộ, Bộ Công Thương đã kiến nghị Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát các luồng đường nhập khẩu từ Thái Lan cũng như các nước ASEAN khác để làm rõ nguồn gốc, xuất xứ. Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có các công văn đề nghị Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát đường lậu nhập khẩu vào Việt Nam.

Vậy, giải pháp nào để kiểm soát tình trạng này, nhất là khi nhu cầu đường vào dịp cuối năm tăng cao, thưa ông?

Tháng 9 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BCT điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với sản phẩm đường mía từ Thái Lan bị cáo buộc lẩn tránh thông qua 5 nước ASEAN. Theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng như quy định của Luật Quản lý ngoại thương, nếu chúng ta chứng minh được đường của Thái Lan lẩn tránh qua các nước khác thì sẽ áp thuế với mức tương đương chúng ta đã áp dụng với đường Thái Lan. Tuy nhiên, quá trình điều tra phải rất thận trọng, bởi vì đường xuất khẩu sang Việt Nam từ các nước ASEAN cũng có thể sản xuất từ mía trồng từ nước họ hoặc dùng nguyên liệu từ các nước khác không phải Thái Lan. Nên chúng ta cần phải làm rõ nguồn gốc đường từ các nước ASEAN có dùng nguyên liệu từ Thái Lan hay không, nếu có thì chúng ta sẽ áp dụng thuế chống lẩn tránh.

Cần cơ chế đặc thù cho việc thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo

 

Theo Chỉ thị 28 của Chính phủ về phát triển ngành đường trong bối cảnh mới, PVTM là một trong số các biện bảo đảm quyền và lợi ích của các bên liên quan, kể cả bên sử dụng đường làm sản phẩm tiêu dùng, sản xuất. Thời gian qua, trong quá trình áp dụng các biện pháp PVTM, chúng tôi luôn lắng nghe, tổng hợp các ý kiến của các bên liên quan, trong đó có ý kiến của các bên nhập khẩu, bên sử dụng sản phẩm này để ra các quyết định đúng theo quy định của pháp luật và quy định về PVTM. Mặt khác, do đường là mặt hàng thiết yếu với cuộc sống, vì vậy, việc đảm bảo cân đối cung – cầu là nhiệm vụ quan trọng. Hiện, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị các giải pháp, trong đó, ngoài các biện pháp PVTM cần có các biện pháp khác để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng cho ngành mía đường; đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và đặc biệt là các yếu tố cung – cầu về mặt hàng này.

Cũng có ý kiến cho rằng, ngành mía đường cần phải có giải pháp phát triển bền vững, cạnh tranh công bằng để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

Thực tế, phát triển ngành mía đường về dài hạn, yếu tố then chốt nhất là sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà máy đường và nông dân trồng mía. Thời gian vừa qua, khi chúng ta điều tra áp dụng biện pháp PVTM giá đường trên thị trường tăng lên, trên cơ sở này chúng tôi đã khuyến nghị Hiệp hội Mía đường, nhà máy đường cần có biện pháp để bảo vệ lợi ích chính đáng của người nông dân. Bởi, người nông dân phải thấy lợi ích trong quá trình phát triển của ngành mía đường thì họ sẽ gắn bó lâu dài. Đồng thời, đây là giải pháp căn cơ, lâu dài để phát triển ngành mía đường nói chung cũng như nâng cao hiệu quả của việc sản xuất mía đường Việt Nam, ngăn chặn đường nhập khẩu dưới hình thức vi phạm pháp luật.

Về phía doanh nghiệp, Chỉ thị 28 của Chính phủ cũng đã nêu rõ nhiều giải pháp, trong đó yếu tố quan trọng nhất để ngành mía đường phát triển trong dài hạn đó là nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm giá thành để ngành đường, sản phẩm đường của chúng ta có thể cạnh tranh sòng phẳng, công bằng trên thị trường. Ngoài ra, để ứng phó với vấn nạn đường lậu chính doanh nghiệp cũng phải cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước về diễn biến trên thị trường, về hiện tượng buôn lậu, cạnh tranh không lành mạnh và các vi phạm để các cơ quan quản lý có thêm thông tin xử lý kịp thời. Điều này cho thấy, vai trò của doanh nghiệp sản xuất là hết sức quan trọng, mang tính quyết định đến sự phát triển lâu dài và khả năng cạnh tranh của ngành mía đường trong nước.

Xin cảm ơn ông!

HOA QUỲNH (ghi)

Bạn đang đọc bài Đảm bảo lợi ích ngành mía đường trong nước tại chuyên mục Kinh tế
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com 

Theo KDPT