web analytics

Đãi ngộ đặc biệt với những báu vật nhân văn sống 12/06/2019

(KDTT) – Các nghệ nhân giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ, trao truyền vốn quý di sản văn hóa truyền thống. Dù Đảng, Nhà nước luôn trân trọng đóng góp của các nghệ nhân và vai trò quan trọng của họ, đã ban hành chính sách đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân nhưng trong thực tế, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc chậm trễ chi trả chế độ đãi ngộ dành cho đội ngũ “Nghệ nhân ưu tú” ở một vài địa phương ít nhiều cũng ảnh hưởng đến niềm tin của nghệ nhân đối với việc tham gia các hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa.

UNESCO coi nghệ nhân dân gian là “báu vật nhân văn sống”, là những người giữ vai trò quan trọng trong sáng tạo, sở hữu, bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian. Với 83 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng nghệ nhân được phong tặng. Dẫu vậy, bên cạnh niềm tự hào là những nỗi niềm trăn trở khi đa phần các nghệ nhân đã cao tuổi, việc trao truyền di sản đang gặp nhiều khó khăn trong khi chế độ đãi ngộ còn chưa tương xứng với công lao của họ.

Theo Nghị định 109/2015/ NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ đối với NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn (hiệu lực từ ngày 1-1-2016) thì ngoài tiền thưởng, các NNND, NNƯT thuộc diện này tùy theo mức độ sẽ được hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, được hưởng BHYT, khi qua đời sẽ được hỗ trợ mai táng phí. Tuy nhiên, dù Nghị định 109/2015/NĐ-CP có hiệu lực đã hơn một năm nhưng đến nay, nhiều nghệ nhân vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ thường xuyên.

Chính sách đãi ngộ nghệ nhân là cách để nuôi dưỡng tình yêu di sản một cách hiệu quả nhất.

Nhiều năm trở lại đây, Nhà nước đã đầu tư tiền tỷ cho các địa phương để bảo tồn các hình thức văn hóa, nghệ thuật truyền thống và làm hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, với hàng chục các hạng mục, công trình lớn nhỏ. Nhưng, có một điểm chung của rất nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở nhiều địa phương là “bỏ quên”, hờ hững, thiếu sự quan tâm hỗ trợ, chăm lo cho các nghệ nhân – những người được coi là hồn cốt, nền tảng làm nên giá trị đích thực của các di sản, loại hình nghệ thuật ấy.

Thực tế, nhiều nghệ nhân chia sẻ, họ thường xuyên bỏ tiền túi ra để chi phí cho sinh hoạt của CLB cũng như đào tạo cho lớp trẻ. Trong số đó, nghệ nhân hát dô Nguyễn Thị Lan (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai), nghệ nhân múa bồng Triệu Đình Hồng (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) là những ví dụ cụ thể. Không giấu được nỗi mong mỏi, nghệ nhân Triệu Đình Hồng bày tỏ, ông chỉ mong địa phương quan tâm hơn trong việc hỗ trợ kinh phí hoạt động cho CLB múa bồng, múa xênh tiền làng Triều Khúc, xã Tân Triều của ông hoạt động. Bởi theo ông, không có tài chính, việc bảo tồn sẽ không bền. Với bản thân các nghệ nhân, chế độ đãi ngộ dành cho họ dường như chưa đủ sức để ghi nhận những cống hiến trong hàng chục năm qua và chưa tạo động lực cho họ tiếp tục giữ gìn, trao truyền cho lớp trẻ.

Nghệ nhân hò cửa đình, múa hát bài bông Lương Tất Tố cho biết, hiện nay NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn mới được hưởng trợ cấp. Tuy nhiên, số người được hưởng không nhiều. Với mức thu nhập gần 1,3 triệu/tháng, ông cũng không thuộc diện được hỗ trợ vì vượt ngưỡng quy định 60.000 đồng. Với số tiền ít ỏi này, nghệ nhân Lương Tất Tố phải rất dè xẻn mới đủ sống. Ông mong rằng Nhà nước sẽ có những điều chỉnh để nghệ nhân bớt khó khăn và có thể toàn tâm, toàn ý với việc gìn giữ, trao truyền di sản.

Nghệ nhân Vũ Thị Xuyên cho biết, do bà được hưởng lương nên hàng tháng không được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp nào dành cho nghệ nhân. Từ trước đến nay, bà gắn bó với nghệ thuật hò cửa đình, múa hát bài bông là cảm thấy có trách nhiệm với di sản cha ông. TS Lê Thị Minh Lý, GĐ Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản, cho rằng các cơ quan chức năng cần xem xét lại chế độ đãi ngộ nghệ nhân vì hiện nay mới đang nhìn vào những nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, mà chưa nhìn vào chế độ khuyến khích tài năng. TS Lý khuyến nghị, ngành văn hóa cần có một quỹ hỗ trợ các tài năng như một số nước trên thế giới với sự tham gia của Nhà nước, các tổ chức xã hội và DN. Nguồn quỹ này có thể hỗ trợ các nghệ nhân để giữ gìn và phát huy di sản.

Khi đề cập đến vấn đề đãi ngộ nghệ nhân, ông Tô Văn Động, GĐ Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội, cho biết TP sẽ có các cơ chế, chính sách phù hợp để các nghệ nhân có thể bảo tồn và phát huy tốt những giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời trao truyền cho lớp trẻ để gìn giữ di sản. Dù để hiện thực hóa được chủ trương cũng còn là cả một quãng thời gian, song đó cũng là động lực tiếp thêm tinh thần, nhiệt huyết của nghệ nhân gắn bó với di sản văn hóa.

GS.TS Ngô Đức Thịnh – Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa cho rằng, khi nói đến di sản tức là nói đến các nghệ nhân. Vì những nghệ nhân là những người quan trọng, những người sở hữu những giá trị, cốt lõi của loại hình văn hóa dân gian. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, họ có hẳn một chế độ dành cho những nghệ nhân là những báu vật, nhân vật sống. Hay như ở các nước phương Tây, họ không chu cấp tiền hàng tháng cho các nghệ nhân nữa mà họ tạo ra môi trường để các nghệ nhân hoạt động và từ đó nâng cao thu nhập. Nếu chúng ta không nhanh chóng thực hiện ngay một chính sách trợ cấp xứng đáng cho nghệ nhân, e rằng di sản và các loại hình nghệ thuật có thể còn, nhưng hồn cốt sẽ dần mai một và mất hẳn.

Theo Kinh Doanh và Phát Triển