web analytics

Đại dương ra sao nếu cá mập tuyệt chủng? 16/09/2019

(KDTT) – Nước biển chắc chắn sẽ vẫn xanh màu dương thăm thẳm, nhưng nếu không có cá mập, hệ sinh thái đại dương sẽ không như bây giờ.

Cá mập được cho là xuất hiện cách đây hơn 400 triệu năm. Trên thế giới có khoảng 500 loài cá mập được ghi nhận

Nói đến cá mập, người ta sẽ liên tưởng ngay một trong những loài động vật ăn thịt có bộ hàm khỏe nhất hành tinh. ‘Quái vật biển khơi’ này là cơn ác mộng của biết bao loài cá nhỏ và của cả con người. Chúng được đưa vào điện ảnh, trong những phim kinh dị gay cấn khiến nỗi sợ hãi loài thú này trở nên phổ biến.

Nhưng, đại dương sẽ ra sao nếu không có cá mập?

Cá mập thuộc lớp cá Sụn, sống ở tất cả các đại dương, khu vực ngập mặn, rạn san hô, vùng Bắc cực. Chúng gồm nhiều loài khác nhau, kích thước từ 30cm như cá mập Pygmy đến hơn 12m như cá mập voi. Tuy nhiên, phần lớn chúng ta đều sợ hãi loài cá mập trắng (Carcharodon carcharias), nổi tiếng là loài hung dữ và thường tấn công người.

“Bất kể là loài cá mập nào, kích thước ra sao thì chúng đều là động vật ăn thịt nên đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với môi trường sống của chúng”, Jenny Bortoluzzi, nghiên cứu sinh Khoa Động vật học, Đại học Trinity Dublin (Ireland) cho biết.

Cá mập dễ dàng săn những con cá nhỏ và ốm yếu hơn, nhờ vậy đảm bảo được một quần thể cá khỏe mạnh trong quy mô phù hợp với môi trường sống đó. Thông qua sự hiện diện của mình, chúng thậm chí có thể giúp bảo vệ hệ sinh thái đó. Chẳng hạn như loài cá mập hổ (Galeocerdo cuvier) thường bơi xung quanh khu vực đồng cỏ biển sẽ khiến những con rùa sợ hãi không đến gần thảm thực vật này.

Theo Victoria Vásquez, nghiên cứu sinh Phòng thí nghiệm Hàng hải Moss Landing (California, Mỹ), cá mập cũng đóng vai trò quan trọng với việc điều tiết, sản xuất oxy trong đại dương khi ăn cá con – những loài đi săn những sinh vật phù du tạo ra oxy.

Cá mập cũng là mắt xích quan trọng khác trong mạng lưới thức ăn đại dương: chúng là thức ăn cho một số động vật ăn thịt biển khác như cá mập chó Genie, bạch tuộc.

Những con cá mập di cư, chẳng hạn như cá mập sọc trắng (Carcharhinus amblyrhynchos) cung cấp dinh dưỡng cho các sinh vật ở những nơi chúng đi qua nhờ việc thải phân giàu nitơ.

Bên cạnh đó, môi trường sinh thái tại các rạn san hô sẽ mất đi sự cân bằng nếu cá mập không còn tồn tại.

“Nếu những con cá mập biến mất, các loài cá nhỏ sinh sôi nảy nở, phát triển mạnh vì không có kẻ thù. Khi ấy, thức ăn của chúng là sinh vật phù du, vi sinh vật, tôm nhỏ sẽ bị chén sạch. Thức ăn không đủ, cuối cùng một vài loài sẽ chết đói”, Toby Daly-Engel, giám đốc Phòng thí nghiệm bảo tồn cá mập tại Florida Tech cho biết.

Khi kịch bản đó xảy ra, tảo và vi khuẩn sẽ xâm lấn rạn san hô khiến nó không thể quang hợp. San hô sẽ chết, chỉ còn lại bộ xương của nó, cuối cùng biến thành đá vôi. Tiếp đến là các loài động vật khác sống nhờ vào rạn san hô như sao biển và nhím biển cũng sẽ chết.

Các em học sinh học về động vật biển sẽ không biết về một loạt các loài khác nhau như cá mập, cá voi, động vật không xương sống, động vật thân mềm… mà sẽ chỉ tóm gọn trong chưa đến 10 loài. Đại dương sẽ chẳng còn là một thế giới kỳ thú, bí ẩn nữa mà trở nên đơn giản dễ hiểu đến nhàm chán.

Và cuối cùng, hệ sinh thái biển không cân bằng, con người cũng sẽ không có đủ thức ăn.

Tuy quan trọng là thế, nhưng theo thống kê của Smithsonian Chanel, khoảng 25% loài cá mập hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng. Nguyên nhân bởi chúng sinh ít con và lâu lớn. Nhiều loài sống ở rừng ngập mặn cũng phải đối mặt với việc mất môi trường sống khi rừng bị phá hủy để xây dựng khu dân cư.

Có nhiều quy định, điều luật và công ước quốc tế như “Công ước về buôn bán các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng” phần nào giúp bảo vệ các quần thể dễ bị tổn thương. Nhưng nhiều loài cá mập ít được biết đến thì không được bảo vệ.

Theo Tuổi trẻ online