web analytics

Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ 27/05/2020

(KDTT) – Trong phiên thảo luận tại kỳ họp Quốc hội ngày 26/5/2020 về hai đề xuất của Chính phủ nêu tại Luật Đầu tư (sửa đổi) liên quan đến kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành phương án 1, coi dịch vụ đòi nợ là ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Liên quan đến phương án cấm kinh doanh loại hình dịch vụ này, báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ: mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.
Ở phương án 2, dịch vụ kinh doanh đòi nợ được quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành. Lý do của việc quy định này là việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đọc báo cáo tiếp thu, giải trình Luật Đầu tư (sửa đổi)- Ảnh: Quochoi.vn

Trong thảo luận, hầu hết ý kiến các đại biểu Quốc hội đều thiên về phương án 1. Một số đại biểu đặt vấn đề kinh doanh đòi nợ rõ ràng đã tiềm ẩn tội phạm và không có gì cản trở nó trở thành một dạng tội phạm xuyên quốc gia.“Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị cần bổ sung quy định điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ để bảo đảm quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này”- Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu trong báo cáo giải trình.

Có ý kiến đại biểu đặt vấn đề xem 217 doanh nghiệp hiện đang kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã đóng góp được gì cho nền kinh tế đất nước.

Đại biểu Mai Hồng Hải (TP Hải Phòng) đặt vấn đề: dịch vụ kinh doanh đòi nợ đã sớm được quy định tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Trên thực tế hoạt động này bị lạm dụng, biến tướng, làm ảnh hưởng đến an ninh – trật tự xã hội, thậm chí mang màu sắc xã hội đen. “Trong khi đó, nếu làm đúng những quy định như trong Nghị định 104 của Chính phủ thì không đòi được nợ”- đại biểu Hải nhìn nhận.

Cũng có ý kiến cho rằng, có thể tạo ra một “bộ mặt” mới cho dịch vụ kinh doanh đòi nợ bằng cách gọi dịch vụ này dưới cái tên mới, có thể là dịch vụ kinh doanh thu hộ nợ. Theo Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), việc thay đổi tên gọi chưa hẳn thay đổi được bản chất cũng như nội hàm của hoạt động đòi nợ thuê, nhất là khi hoạt động này biến tướng như hiện nay.

“Tôi rất quan ngại loại hình đòi nợ thuê này vì thời gian qua, đa số các loại hình đòi nợ thuê đều không lành mạnh, phần lớn công ty đòi nợ thuê đều cấu kết với các băng nhóm xã hội đen, đối tượng hình sự để đi đòi nợ”- đại biểu Hoa nói.

Trong phần tiếp thu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi “gút” lại phần thảo luận đã ghi nhận ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong việc chọn phương án 1 liên quan đến kinh doannh dịch vụ đòi nợ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là vấn đề đã được Chính phủ hết sức cân nhắc cẩn thận, “nâng lên đặt xuống nhiều lần” kể cả tổ chức hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia. “Cả ý kiến cấm lẫn không cấm loại hình kinh doanh này đều có những phân tích rất sâu sắc. Song xin được giữ như phương án 1 mà Chính phủ đã đề xuất”- Bộ trưởng Dũng nói.

Theo congthuong.vn