web analytics

Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ “triết lý giáo dục” Việt Nam 22/05/2019

(KDTT) – Sáng ngày 21/5, Quốc hội họp phiên toàn thể dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi. Một trong những vấn đề được đại biểu tập trung thảo luận là “triết lý giáo dục” Việt Nam và nâng chuẩn trình độ giáo viên.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại Hội trường. Ảnh VGP/ Nhật Bắc

Triết lý giáo dục cần mạch lạc, ngắn gọn, dễ nhớ

Bày tỏ ý kiến về “triết lý giáo dục” Việt Nam, đại biểu Đinh Duy Vượt (tỉnh Gia Lai) cho là đã có trong từng giai đoạn của lịch sử, chỉ cần chắt lọc những tinh hoa đã có, đừng cố loay hoay đẻ ra thêm triết lý làm gì nữa.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức cho rằng, triết lý giáo dục trong dự thảo luật được thể chế hoá từ đường lối, chủ trương của Đảng lại chưa rõ ràng, cụ thể, chưa thấm nhuần tính nhân văn của dân tộc ta.

Một số đại biểu khác đề nghị làm rõ triết lý giáo dục Việt Nam một cách mạch lạc, ngắn gọn, dễ nhớ chứ như quy định tại Điều 2,3,4 của dự thảo thì dài quá, khó nhớ, khó “dẫn nguồn”.

Giải trình thêm về vấn đề này, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng cho rằng, triết lý giáo dục Việt Nam được thể hiện ở tính “nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại”. Điều này cũng xuyên suốt đối với hệ thống giáo dục Việt Nam.

Nâng chuẩn trình độ giáo viên: Không nên mang tính hình thức

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đề cập về nâng chuẩn trình độ của đội ngũ giáo viên, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, nâng chuẩn trình độ giáo viên là vấn đề cần thiết. Tuy nhiên một nhà giáo đạt chuẩn không chỉ nói đến trình độ mà còn phải nói đến các kỹ năng, năng lực và đạo đức của nhà giáo phải. Vì vậy, việc nâng chuẩn trình độ phải đáp ứng được yêu cầu ở từng cấp học.

Theo đại biểu Minh, lộ trình như thế nào trong dự thảo không quy định mà giao cho Chính phủ để áp vào điều kiện thực tế. Chúng ta phải coi trọng đào tạo tại chỗ, những kỹ năng, những kiến thức của nhà giáo sao cho thực sự chất lượng và hiệu quả, không thể đào.tạo và nâng chuẩn mang tính hình thức.

Theo đó, dự thảo định đưa ra lộ trình thực hiện nâng chuẩn từ năm 2026, nhưng sau khi thẩm tra, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội bỏ quy định này và giao cho Chính phủ quy định, để làm sao có được những giải pháp thực hiện khả thi và hiệu quả.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (tỉnh Thanh Hóa) đồng tình với việc nâng chuẩn giáo viên là rất cần thiết, giáo dục là luôn luôn phát triển theo thời đại, theo thực tiễn và hội nhập quốc tế nhưng thực hiện như thế nào phải có lộ trình. “Tôi cho rằng, lộ trình đưa ra trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) là đúng, không thể một lúc một nơi để nâng chuẩn giáo viên có thể thực hiện được mà phải có lộ trình”, đại biểu Lợi nói.

Theo đại biểu, việc nâng chuẩn giáo viên là mục tiêu chúng ta nâng cao chất lượng giáo viên, kể cả kiến thức, năng lực giảng dạy, kể cả tâm sinh lý hiểu biết học sinh để chúng ta hành xử với học sinh phù hợp, tạo ra phong trào “dạy tốt – học tốt”, môi trường học tập thể hiện sự vui tươi, lành mạnh, không có biểu hiện xã hội phức tạp xảy ra trong nhà trường. Điều đó làm cho chất lượng giáo dục của chúng ta tăng lên.

Tuy nhiên, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cũng nói thẳng thực trạng được nhiều người phản ánh về quy định thi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nghề nghiệp trong quy định về nghề nghiệp và xét nâng ngạch giáo viên. “Những quy định này làm khổ giáo viên khi phải đi xa hàng trăm cây số để đi thi chứng chỉ, xong không biết để làm gì. Có một Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên cảm thấy như là điều giả dối”, đại biểu Vượt cho biết.

Nguồn: Chinhphu.vn