web analytics

Đại biểu Quốc hội đề nghị chấm dứt quy hoạch xây dựng nhà ống 03/11/2018

(KDTT) – Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch chiều 2-11, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị cần sớm chấm dứt kiểu quy hoạch nhà ống, nhà “quan tài” gây ra những hình ảnh khu dân cư xấu xí.

“Xin lỗi Quốc hội, có nhiều người còn gọi là nhà quan tài. Đây là câu chuyện khó nhưng phải quyết tâm”, ông nói.

Theo ông Trí, kiểu “nhà quan tài” này không chỉ chật chội với đối tượng sở hữu mà tạo nên một hình ảnh kiến trúc xấu xí. Để loại bỏ kiểu nhà ống này, đại biểu Trí đề nghị trong quy hoạch tổng thể cần làm tốt khâu quy hoạch đường.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội)

Đối với khu dân cư mới đường phải rộng, chia khu dân cư theo ô bàn cờ, có vỉa hè lớn. Còn những khu dân cư cũ, lâu đời quy hoạch lại, khu dân cư phải có nhà, có đường, có bãi để xe.

Sửa đổi Luật Quy hoạch lần này, ông Trí hy vọng sẽ ngăn được tiêu cực, lợi ích nhóm khi làm quy hoạch. “Có thể nói quy hoạch mọi thứ, nhưng quan trọng nhất là con người, đất đai. Đường xá, đô thị, cảng, sân bay là mảnh đất màu mỡ để sinh ra tiêu cực. Cho làm cũng ăn, không cho làm cũng ăn vì còn phải dọa dẫm để ăn, đưa đẩy cũng có thể ăn”, ông day dứt.

Nguyên Giám đốc Viện Huyết học & truyền máu Trung ương đề nghị cần công khai quy hoạch càng nhiều càng tốt cho dân biết, bởi “tất cả thắc mắc, ý kiến này nọ là do chúng ta không công khai”.

Đại biểu Trí cũng cho rằng trong quy hoạch sử dụng đất đai không nên xem lập quy hoạch đất trồng lúa là quy hoạch sản xuất hàng hóa mà cần đưa vào quỹ đất trồng lúa lâu dài, bởi lúa là nông sản có liên quan đến an ninh lương thực quốc gia.

Ông Trí nêu ví dụ tại Nhật Bản, trước đây những nơi trồng lúa nhà nước tập trung cải tạo đất để sản xuất. Nhưng khi an ninh lương thực được đảm bảo thì diện tích đất đó vẫn không bị chuyển đổi mà giữ y nguyên, hàng năm nhà nước vẫn bỏ ra một khoản tiền để trả phí cho người sở hữu để giữ đất luôn màu mỡ, làm nguồn lực đất trồng lúa dự phòng.

Theo: KDPT