web analytics

Đa dạng hóa con đường tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới 03/02/2021

(KDTT) – Song song với sự phát triển kinh tế, xã hội, nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày càng tăng cao. Đây là vấn đề đang đặt ra nhiều thách thức rất lớn khi các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí… đang cạn kiệt, không đáp ứng được nhu cầu trong nước. Để giải quyết vấn đề này, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu mang tính chiến lược đảm bảo sự phát triển bền vững là sử dụng năng lượng, năng lượng mới một cách tiết kiệm và hiệu quả.

“Ít chắt chiu hơn nhiều ăn phí”

Ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước ở khu vực châu Âu hay Bắc Mỹ, nhu cầu năng lượng chỉ tăng khoảng 1%/năm, có những nước đạt tăng trưởng âm, do áp dụng công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong khi đó nhu cầu năng lượng và tiêu thụ năng lượng của Việt Nam hiện nay là khoảng 10%. Điều này đang gây tác hại ngày càng nhiều lên môi trường, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Vì vậy, khi giải được bài toán về tiết kiệm năng lượng thì cũng là lúc chúng ta tìm ra được con đường ngắn nhất trong mọi thời điểm giúp giảm thiểu sự ô nhiễm trong quá trình sản xuất ra môi trường.

Được biết Việt Nam đã ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ năm 2010. Theo đó Chính phủ đã đề ra các Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để triển khai thực hiện.

Các giải pháp nền tảng mà Việt Nam áp dụng là lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế; trong kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia; và lồng ghép vào chiến lược về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Cùng với tiêu chí tiết kiệm năng lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường, có các công trình nghiên cứu đưa ra được các giải pháp thiết thực. Như  “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống quy mô công nghiệp tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường” của nhóm tác giả Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp RIAM (Bộ Công Thương), đã khắc phục được toàn bộ những nhược điểm của các lò/thiết bị sấy cũ bằng việc tận dụng nguồn năng lượng tỏa ra môi trường và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp “xanh” bền vững. Công nghệ mới này tiết kiệm được khoảng 20 – 30% năng lượng nhiệt, 10 – 15% năng lượng điện cho toàn hệ thống.

Công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống quy mô công nghiệp tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường” của nhóm tác giả Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp RIAM (Bộ Công Thương) đạt giải Nhất giải thưởng Vifotec 2019.

Hoặc “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả chỉ báo đường đi sự cố (Fault Passage Indicator – FPI) nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho lưới điện phân phối thông minh” của PGS. Đinh Thành Việt, Đại học Đà Nẵng đã ứng dụng hiệu quả công nghệ chỉ báo đường đi sự cố FPI, góp phần thực hiện lộ trình xây dựng lưới điện thông minh tại Việt Nam theo đề án mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Phần mềm “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả chỉ báo đường đi sự cố (Fault Passage Indicator – FPI)” đạt giải Ba Vifotec 2019.

Hiện nay, Việt Nam là nước có tiêu thụ năng lượng vào loại cao và lãng phí bậc nhất thế giới, trong đó cả hệ số đàn hồi và cả cường độ tiêu thụ năng lượng đều lớn. Ví dụ trên thế giới các nước phát triển một đơn vị năng lượng sản sinh ra được 5 đến 7 đơn vị sản phẩm, còn ở Việt Nam thì ngược lại 5, 7 đơn vị năng lượng mới sản sinh ra được 1 đơn vị sản phẩm.

Tài nguyên thiên nhiên để tạo ra năng lượng không phải là thứ vô hạn. Nếu không tiết kiệm, chẳng có gì còn lại mãi mãi. Ở Việt Nam, mặc dù được ưu ái so với nhiều nước trên thế giới về tài nguyên thiên nhiên, song chúng ta cũng đang phải hết sức tiết kiệm vì các nguồn tài nguyên đó cạn kiệt trong nay mai. Đó là nguyên nhân chính khiến nhiều năm gần đây, tiết kiệm năng lượng được đẩy mạnh tuyên truyền, trở thành quốc sách không chỉ của các nước trên thế giới mà còn ở Việt Nam. Như Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra mục tiêu tiết kiệm năng lượng 7% năm 2030 và khoảng 14% năm 2045.

Khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo

Năng lượng tái tạo là các dạng năng lượng thu được từ môi trường tự nhiên hoặc từ các nguồn có thể được bổ sung một cách tự nhiên, không ảnh hưởng đến môi trường khi khai thác. Tài nguyên này bao gồm năng lượng mặt trời, gió, thác nước, sức nóng của trái đất (địa nhiệt), sinh khối, sóng, dòng hải lưu, chênh lệch nhiệt độ trong đại dương và năng lượng thủy triều. Trong 10 năm trở lại đây, năng lượng mặt trời đang được khai thác tích cực, dẫn đầu xu thế tái tạo năng lượng.

Như ở châu Phi, việc lắp đặt các trang trại gió và năng lượng mặt trời tại sa mạc Sahara không chỉ làm chậm quá trình ấm lên của Trái đất mà còn giúp tăng lượng mưa dù nhỏ song mang lại nhiều lợi ích đối với khu vực khô nóng này. Theo đó, các nhà khoa học đã sử dụng máy tính để theo dõi tác động của việc lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời và ba triệu turbine gió trên 20% diện tích của sa mạc lớn nhất thế giới này. Với diện tích rộng hơn 9 triệu km2, các trang trại gió và năng lượng mặt trời này sẽ sản sinh ra lượng điện đủ để cung cấp cho toàn thế giới. Không chỉ vậy, trang trại này còn giúp tăng lượng mưa trung bình trên khắp Sahara từ 0,24 mm/ngày lên 0,59 mm/ngày.

Tại Việt Nam cũng phát triển thành công nhiều dự án năng lượng mặt trời với hơn 100 dự án đã kí hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tổng công suất hiện tại của các nhà máy điện mặt trời đã đưa vào vận hành xấp xỉ 6.000MW, chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền nam, cụ thể là Nam Trung Bộ. Ninh Thuận và Bình thuận là hai tỉnh tập trung nhiều dự án, chiếm tới hơn 42%.

Với lợi thế đường biển dài hơn 3.200km và tốc độ gió trung bình ở Biển Đông Việt Nam hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, phát triển năng lượng gió ở Việt Nam có triển vọng rất lớn, nhất là vùng duyên hải miền trung, Tây Nguyên và các đảo.

Giải Nhì Vifotec 2019 cho Công trình “Nghiên cứu, thiết kế xây dựng hệ thống giám sát và điều khiển phụ tải từ xa phục vụ cho chương trình quản lý nhu cầu điện – DSM” của ThS Trần Dũng, Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử – Điện lực miền Trung (CPC EMEC).

Công trình “Nghiên cứu, thiết kế xây dựng hệ thống giám sát và điều khiển phụ tải từ xa phục vụ cho chương trình quản lý nhu cầu điện – DSM” của ThS Trần Dũng, Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử – Điện lực miền Trung (CPC EMEC), hay giải pháp “Thay công tơ điện trạm biến áp chuyên dùng và trạm biến áp công cộng không cần cắt điện” của nhóm tác giả Trần Quyền Dự, Phạm Minh Phú, Diệp Thành Tài, Trần Văn Thế Trung, Nguyễn Văn Thái (Công ty Điện lực Bạc Liêu, thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam) đều đã ứng dụng khoa học và công nghệ vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác điều hành quản lý của ngành điện, qua đó, góp phần hạn chế tổn thất điện năng nhờ tăng cường tính năng giám sát lưới điện, mang lại công nghệ mới nhất phục vụ hiện đại hóa hệ thống thông tin ngành điện.

Công trình “Thay công tơ điện trạm biến áp chuyên dùng và trạm biến áp công cộng không cần cắt điện” của nhóm tác giả Trần Quyền Dự, Phạm Minh Phú, Diệp Thành Tài, Trần Văn Thế Trung, Nguyễn Văn Thái (Công ty Điện lực Bạc Liêu, thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam) được vinh danh trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2020.

Quyết định số 1427/2012/QĐ-TTg đề ra mục tiêu: Giai đoạn đến năm 2025, đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 đến 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến 2025. Giai đoạn đến năm 2030, đạt mức tiết kiệm từ 8,0 đến 10,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến 2030.

Nhận thấy rõ, ngành năng lượng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển liên tục của Việt Nam, và việc tiếp cận nguồn năng lượng tin cậy, giảm thiểu chi phí sẽ là yếu tố quan trọng để tăng trưởng kinh tế bền vững.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón một làn sóng đầu tư lớn từ nước ngoài sau đại dịch Covid-19, trong đó có lĩnh vực năng lượng tái tạo. Muốn đón được làn sóng này, phải có chính sách tốt hơn, ưu việt hơn các quốc gia khác. Điều này là cực kỳ quan trọng và hoàn toàn phù hợp với định hướng mà Chính phủ đề ra là đến năm 2030 sẽ tăng dần tỷ trọng các dự án năng lượng tái tạo trong hệ thống điện nhằm vừa tận dụng được nguồn tài nguyên vô tận, vừa giải bài toán thiếu điện, vừa giảm áp lực lên môi trường.

MINH HẠ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT