web analytics

‘Cứu’ doanh nghiệp cần khẩn trương quyết liệt 10/04/2020

(KDTT) – Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đang khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) suy giảm cả về số lượng và tăng trưởng, cần sự “giải cứu” khẩn trương, quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan.

Quý I/2020, xuất khẩu thủy sản giảm mạnh do bị ảnh hưởng COVID-19. Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN.

Hàng chục nghìn doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), dịch COVID-19 khiến số DN thành lập mới quý I/2020 chững lại. Tính chung, cả nước có 29.700 DN đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 351.400 tỷ đồng, tăng 4,4% về số DN, giảm 6,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tính cả số vốn đăng ký tăng thêm của các DN là 552.419 tỷ đồng (giảm 23,5%), tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế quý I/2020 đạt khoảng 903.788 tỷ đồng, giảm 17,7%. Dịch bệnh là nguyên nhân trực tiếp khiến DN e ngại trong việc đầu tư thêm vốn sản xuất kinh doanh và chưa có phương án tối ưu nhất.

Bên cạnh đó, quý I/2020 có gần 34.900 DN rút lui khỏi thị trường (tăng 2% so với cùng kỳ năm trước), gồm: 18.600 DN tạm thời đóng cửa, tăng 26%; 12.200 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 20,6%; 4.100 DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 0,02%. Các chuyên gia kinh tế dự báo, tăng trưởng GDP quý II/2020 của Việt Nam chỉ đạt khoảng 2% so với cùng kỳ và thậm chí suy thoái nếu xảy ra kịch bản xấu.
“Nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, thì gần 30% số DN chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng; 50% DN chỉ trụ được nửa năm; trên 75% số DN thì báo sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số DN phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số DN gia tăng lao động. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây…”, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định.

Chính sách “giải cứu” gấp 

Theo ông Vũ Tiến Lộc, ứng phó với dịch COVID-19, trên 60% DN đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động, 46% DN không cắt giảm lao động, nhưng giảm giờ làm, 42% DN tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tại lại nhân lực…

Còn Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh cho hay: DN cần tồn tại qua khủng hoảng, bởi nếu mất thanh khoản, mất vốn là mất hết. Thêm vào đó, DN cần tối kỵ sử dụng các khoản vay ngân hàng ngắn hạn để duy trì thanh khoản và dòng tiền hiện nay. Các khoản vay nên dùng để phục hồi kinh doanh sau khi khủng hoảng kết thúc.

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng: Áp lực lớn nhất của DN đang là gánh nặng tài chính với ngân sách, ngân hàng, nên rất cần sự tiếp sức của Chính phủ. Các giải pháp tài khoá như giãn, hoãn, giảm thuế sẽ giúp DN giảm gánh nặng nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.

Qua tìm hiểu, gói tín dụng 285.000 tỷ đồng với lãi suất thấp có thể không tác động nhiều tới các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp. DN hiện không có nhu cầu vay mới, do sản xuất kinh doanh đã suy giảm đáng kể. Lo ngại nhất là nghĩa vụ tài chính khi các khoản vay đến hạn, nhất là vay ngân hàng. Vì vậy, thời điểm này, DN cần được giãn, hoãn các nghĩa vụ tài chính liên quan đến trả nợ gốc, lãi vay đối với các khoản nợ cũ, chứ không phải giảm lãi suất cho hợp đồng tín dụng mới.

Về thực tế này, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất thêm: Trừ một số ngành/lĩnh vực hạn chế phải tạm thời đóng cửa, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất lưu thông tiến hành bình thường với điều kiện tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, để DN có thể tự cứu mình, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và bớt đi gánh nặng trợ cấp của Nhà nước trong bối cảnh ngân sách còn eo hẹp hiện nay.

“Đề nghị Chính phủ bổ sung và công bố ngay danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phù hợp với điều kiện phòng chống dịch bệnh COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và lưu thông các hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân, ngay cả trường hợp cần siết chặt hơn các biện pháp cách ly, phong tỏa. Mặt khác, các doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh theo chuỗi, nên tất cả các khâu của quá trình sản xuất, phân phối đều liên quan, cần được bảo đảm đồng bộ, không thể cứng nhắc chỉ cho phép sản xuất kinh doanh sản phẩm, dịch vụ cuối cùng”, ông Vũ Tiến Lộc cho hay.

Về chính sách tài khóa, lãnh đạo VCCI đề nghị cho thực hiện ngay việc tạm hoãn nộp các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn… trong khi chờ chính sách cụ thể, vì quá trình hướng dẫn thực hiện các giải pháp theo Chỉ thị của Thủ tướng và các Bộ, ngành đang chậm. Các chính sách này cần được áp dụng với hệ thống các ngân hàng thương mại vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp.

Theo Báo Tin tức