web analytics

Cúm A/H5N6 độc lực rất mạnh xuất hiện ở Phú Yên 02/11/2018

(KDTT) – Ổ cúm A/H5N6 độc lực rất mạnh và có khả năng lây sang người đã bùng phát tại 2 hộ chăn nuôi gia cầm ở thôn Đông Bình, xã Hòa An, huyện Phú Hòa (tỉnh Phú Yên).

Tổ chức phun tiêu độc sát trùng khu vực xung quanh ổ dịch cúm gia cầm. Ảnh: Báo Phú Yên

Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y Phú Yên, ổ cúm A/H5N6 trên được phát hiện đầu tiên tại trang trại của ông Nguyễn Thanh Cảnh. Chỉ sau 2 ngày xuất hiện các triệu chứng lâm sàng của bệnh cúm, hơn 2.000 gia cầm tại trang trại này chết rất nhanh, chết đồng loạt.

Chiều 1/11, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Yên cùng chính quyền địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp dập dịch và tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm (khoảng 900 con) của gia đình bà Nguyễn Thị Trang.

Như vậy, tính đến nay, tại tỉnh Phú Yên đã có 2.900 con gia cầm bị chết và tiêu hủy do cúm A/H5N6.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Yên cho biết, đây là lần đầu tiên cúm A/H5N6 xuất hiện tại Phú Yên. Đàn gia cầm của gia đình ông Cảnh nuôi hơn một năm, còn đàn gia cầm của nhà bà Trang được nhập về cách đây 45 ngày.

Cũng theo ông Lâm, thời gian ủ bệnh của vật nuôi khi bị nhiễm cúm A/H5N6 rất ngắn, khoảng 3 ngày, nên có thể loại trừ nguyên nhân nhiễm mầm bệnh từ con giống. Khả năng cao dịch bệnh xuất phát tại chỗ, nguyên nhân có thể do điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường, độ ẩm cao, thuận lợi cho virus phát sinh.

Ngoài ra, cũng có thể vật nuôi bị lây nhiễm mầm bệnh từ nguồn thức ăn, nước uống, hoặc do tiếp xúc với các vật dụng, con người đã bị nhiễm virus từ các vùng có dịch. Bên cạnh đó, cũng có thể đàn gia cầm của các hộ nuôi này chưa được tiêm phòng vaccine theo định kỳ, khi virus xâm nhập thì vật nuôi không có khả năng kháng bệnh, dẫn đến bùng phát bệnh và lây lan.

Khi phát hiện các ổ dịch, ngành thú y đã phối hợp cùng địa phương tiêu hủy toàn bộ đàn vật nuôi vị nhiễm bệnh; triển khai các biện pháp bao vây dập dịch như phun thuốc tiêu độc sát trùng toàn bộ khu vực ổ dịch. Do virus cúm A/H5N6 có độc lực rất mạnh nên bán kính thực hiện tiêu độc sát trùng khu vực xung quanh lên đến 3 km2.

Ngành thú y cũng phối hợp cùng các địa phương thống kê đàn gia cầm và thực hiện các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn dịch bệnh lây lan; cấp thuốc sát trùng và phối hợp tổ chức phun tiêu độc sát trùng tại ổ dịch và vùng lân cận mỗi ngày.

Chi cục Chăn nuôi và thú y cũng đặt mua 300.000 liều vaccine cúm gia cầm và sẽ phân bổ về các địa phương để tổ chức tiêm phòng, bao vây dập dịch cho các vùng có nguy cơ cao nhiễm bệnh; tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ thêm 5.000 lít thuốc sát trùng cho 9 huyện, thị, thành phố để phun tiêu độc sát trùng môi trường, hạn chế mầm bệnh phát sinh trong không khí.

Cúm A/H5N6 gây bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan rất nhanh. Tất cả các loại gia cầm nuôi, chim hoang dã đều có thể mắc bệnh. Khi mắc bệnh, gia cầm sẽ chết hàng loạt. Đặc biệt, loại virus này còn có thể lây nhiễm sang người, một số động vật và có khả năng gây tử vong.

Virus cúm A/H5N6 tồn tại trong phân gia cầm, nước, đất và các vật dụng khác trong khoảng 35 ngày, có thể sống trong nhiệt độ lạnh của tủ lạnh khoảng vài tháng và chết ở nhiệt độ trên 70 độ C.

Mầm bệnh này sẽ lây lan khi vật nuôi tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh, chim hoang dã bị nhiễm bệnh, chết. Hoặc cũng có thể nhiễm virus do ăn thức ăn nhiễm mầm bệnh, hay tiếp xúc với chất độn chuồng, giày dép, quần áo, dụng cụ, phương tiện bị nhiễm virus do con người mang về từ nơi có bệnh…

BT
Nguồn baochinhphu.vn