web analytics

CPTPP và lợi ích ngay lập tức của doanh nghiệp Việt 11/04/2019

(KDTT) – Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực được 3 tháng (từ ngày 14/1/2019), đem lại nhiều cơ hội cho các nhà nhập khẩu và doanh nghiệp Việt Nam.

Những lợi ích ngay lập tức

CPTPP bắt đầu có hiệu lực bằng việc áp dụng biểu thuế đặc biệt cho các hàng hóa có nguồn gốc từ các nước thành viên. Việc giảm thuế được mặc định áp dụng sau khi CPTPP có hiệu lực tại lãnh thổ của nước thành viên. Theo đó, các bên xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc từ CPTPP có thể hưởng mức thuế ưu đãi ngay lập tức. Không giống một số cam kết khác phải có văn bản pháp luật nội luật trước khi áp dụng trong nước, việc giảm thuế quan sẽ tuân theo các điều khoản của lộ trình đã đàm phán trước đó trong Phụ lục của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thuế quan được giảm từ “mức thuế cơ bản”, đây là mức thuế đã được áp dụng đối với hàng hóa trong năm 2010, khi các cam kết TPP lần đầu tiên được đàm phán.

Trong trường hợp của Việt Nam, Quốc hội đã phê chuẩn CPTPP vào ngày 14/11/2018 với hiệu lực vào ngày 14/1/2019. Sau khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ thực hiện đợt giảm thuế đầu tiên, đợt 2 bắt đầu từ ngày 1/1/2020. Tuy nhiên, Việt Nam và 5 trong số 6 quốc gia phê chuẩn ban đầu đã cùng nhau lựa chọn tăng tốc lộ trình xóa bỏ thuế của mình đối với Việt Nam. Theo đó, thuế của Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu từ Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand và Singapore trong năm 2019 sẽ được giảm đến mức thuế của đợt hai.

Cơ hội cho các nhà nhập khẩu vào Việt Nam

Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với hàng hóa có nguồn gốc từ các nước thành viên CPTPP trong vòng 21 năm tiếp theo, với gần như tất cả các loại thuế nhập khẩu bị xóa bỏ. Việt Nam cũng sẽ bảo lưu một số hạn ngạch thuế quan (TRQ) đặc biệt và trì hoãn lộ trình giảm thuế quan để bảo vệ thị trường trong nước, đạt được các mục tiêu về lợi ích quốc gia.

Đa số các dòng thuế quan nông nghiệp sẽ được xóa bỏ ngay lập tức. Các dòng thuế quan còn lại đối với nông phẩm sẽ được xóa trong 14 năm. Một số loại gia cầm, trái cây và rau củ được bảo quản và các loại thực phẩm được bảo quản dành cho trẻ em sẽ được hưởng mức giảm thuế cao nhất, một số trường hợp lên đến 40%. Một số giống lúa sẽ được giảm mức thuế quan 40% ngay lập tức được giảm xuống bằng 0 ngay khi CPTPP có hiệu lực. Trà lá, cà phê hòa tan và nước khoáng đều bắt đầu với mức thuế quan cơ bản là 40% và sau đó sẽ được xóa bỏ trong thời gian 8 năm hoặc ngắn hơn.

Với hàng dệt may và quần áo, phần lớn các loại thuế quan, trung bình ở mức 20%, được xóa bỏ ngay lập tức. Mặt hàng giày dép được hưởng mức giảm cao hơn, với mức thuế quan cơ bản được áp dụng là 34%, cũng được xóa bỏ ngay lập tức.

Lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu

Tất nhiên, giá thành thấp hơn cho hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nghĩa là tăng sự cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước. Như vậy, đây là thời điểm doanh nghiệp tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam, bao gồm CPTPP. Kể từ ngày 14/1/2019, hàng hóa có nguồn gốc từ Việt Nam được xuất khẩu sang các thành viên CPTPP khác đã được hưởng mức thuế quan ưu đãi tại 6 quốc gia khác đã phê chuẩn CPTPP.

Tương tự lộ trình thuế quan của Việt Nam ở trên, từng quốc gia thành viên CPTPP khác đều có lộ trình xóa bỏ thuế quan tương ứng của mình. Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand và Singapore đã thực hiện 2 đợt cắt giảm thuế quan đối ứng với hàng hóa có nguồn gốc từ Việt Nam.

Cụ thể, Australia đã cam kết xóa bỏ đa số các khoản thuế quan được áp dụng đối với hàng hóa có nguồn gốc từ các nước thành viên CPTPP trong thời hạn 4 năm. Hầu hết các mức thuế quan đều giảm xuống 0 khi CPTPP có hiệu lực tại Australia. Lộ trình xóa bỏ thuế quan của Canada kéo dài trong 12 năm với hầu hết các mức thuế được xóa bỏ ngay lập tức.

Không chỉ được ghi công về việc “giải cứu” TPP sau khi Hoa Kỳ rút khỏi, mà năm 2019, Nhật Bản còn ký kết hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới với EU. Nhật Bản sẽ xóa bỏ các thuế quan theo CPTPP trong 21 năm tiếp theo, xóa bỏ 86% các dòng thuế quan. Điều quan trọng là, khoản thuế quan được giảm áp dụng cho thực phẩm và nông phẩm nhập khẩu.

Không phải tất cả các bên ký kết đều đã phê chuẩn CPTPP, Brunei, Chile, Malaysia và Pêru vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý để Hiệp định có hiệu lực. Các cơ hội thị trường khác sẽ trở thành hiện thực khi 4 bên ký kết CPTPP còn lại phê chuẩn Hiệp định.

Đợt giảm thuế thứ ba dự kiến vào ngày 1/1/2020

Việc giảm thuế sau đó diễn ra hàng năm vào ngày 1/1 mỗi năm Dương lịch (ngoại trừ Nhật Bản áp dụng vào ngày 1/4 theo lịch tài chính của nước này). Sáu thành viên đầu tiên phê chuẩn CTPPP (Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore) đã thực hiện đợt 1 cắt giảm thuế vào ngày 30/12/2018, đợt thứ hai vào ngày 1/1/2019, đợt thứ ba dự kiến vào ngày 1/1/2020. Tại các nước còn lại, thỏa thuận sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi thông báo về việc hoàn tất các thủ tục pháp lý trong nước của mình.

Theo Báo Đầu tư