web analytics

Công nghệ thúc đẩy giáo dục: Khi con chữ không còn vô hồn 30/06/2020

(KDTT) – Việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào công tác giáo dục là một yêu cầu tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của nền giáo dục toàn cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Mặc dù không hẳn sẽ tạo ra hiệu quả cao trong mọi trường hợp áp dụng, nhưng điều này rõ ràng đã mở ra triển vọng to lớn trong việc đổi mới các phương pháp, hình thức dạy và học tại Việt Nam.

Một ngã rẽ tất yếu

Việc ứng dụng tiến bộ mới về công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động đào tạo và quản lý đào tạo tại các trường học cho phép bao quát được toàn bộ hoạt động của trường một cách kịp thời, chính xác; giúp cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm bắt đầy đủ, chi tiết, chính xác mọi thông tin cần thiết trong bất kỳ thời điểm nào với đối tượng được quản lý; tiết kiệm thời gian, nhân lực và vật lực, đồng thời giảm thiểu những phiền hà, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Theo báo cáo của Edtech UK, London & Partners (2015) thì mức đầu tư cho ngành Công nghệ Giáo dục Toàn cầu là 45 tỉ bảng Anh năm 2015, và dự kiến là 129 tỉ bảng Anh năm 2020. Theo Tech Crunch (2018), đến năm 2020, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ chiếm 54% thị trường EdTech. HSBC đã thống kế vào năm 2017, mức chi trung bình cho giáo dục của phụ huynh Singapore là 70.939 USD, Hồng Kông 132.161 USD, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất 99.378 USD, Trung Quốc 42.892 USD, Malaysia 25.479 USD và Indonesia 18.422 USD.

Tại Việt Nam, onluyen.vn đã đưa ra mô hình đào tạo thông minh kết hợp công nghệ và trợ giúp của giáo viên (Ảnh: onluyen.vn)

Tại Việt Nam, trong Nghị quyết Trung ương II (khoá VIII), Đảng và Nhà nước đã khẳng định phải “đổi mới phương pháp giáo dục – đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo của người học. Từng bước áp dụng các phương pháp tiên tiến và phương pháp hiện đại vào quá trình dạy học, đảm bảo điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu cho HS,..”;

Chỉ thị số 29/2001/CT-BGDĐT về tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục giai đoạn 2001-2005 cũng nêu rõ: “Đối với giáo dục và đào tạo, CNTT có tác động mạnh mẽ, làm thay đổi phương pháp, phương thức dạy và học. CNTT là phương tiện để tiến tới một xã hội học tập”. Thực tế đã chứng minh, việc ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo ở các cấp học, bậc học là hết sức cần thiết, phù hợp với xu thế thời đại.

Với sự phát triển của khoa học – kỹ thuật, nhiều phương tiện hỗ trợ dạy học ra đời, đã mang lại hiệu quả, giúp người dạy có thể định hướng người học tiếp cận với nguồn tri thức phong phú, dễ hiểu nhất. Từ lâu, các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Nga, Anh, Pháp… đã ứng dụng công nghệ cao trong việc dạy học và được xem là mô hình kiểu mẫu trong phương pháp giảng dạy. Ở Việt Nam, việc lên lớp bằng giáo án điện tử, dạy học bằng Powerpoint (trình chiếu trên màn hình) đã được áp dụng tại hầu hết các trường, trung tâm đào tạo. Những năm gần đây còn xuất hiện thêm những thiết bị công nghệ dạy học hiện đại như: Bảng điện tử thông minh, sách giáo khoa điện tử, phần mềm thiết kế bài giảng E-learning hay các trang học trực tuyến dành cho học sinh, sinh viên.

Khóa học qua mạng đầu tiên được đưa ra vào năm 1986 bởi trường Đại học John F. Kennedy ở California – Hoa Kỳ. Cho đến ngày nay, tại Mỹ đã có tổng số 21 triệu tài khoản đăng ký học tập trực tuyến. Theo một nghiên cứu của tổ chức Babson Survey Research Group, riêng năm 2013, tại Mỹ đã có trên 7 triệu sinh viên đăng ký tham gia lớp học online.

Không khó để thấy rằng, công nghệ đang len lỏi vào từng hoạt động, từng giai đoạn của giáo dục. Việc áp dụng công nghệ vào giáo dục và học tập trực tuyến đã, đang và gần như chắc chắn là một xu hướng không thể thay đổi. Học trực tuyến qua mạng còn có thể cho phép học viên truy cập các liên kết bên ngoài, những mô phỏng chất lượng cao và các hiệu ứng sinh động. Những con chữ giờ đây không còn chỉ nằm ở trên trang sách “vô hồn”, mà đã được chuyển hóa thành hình vẽ, biểu tượng, âm nhạc, phim ảnh,… Hay nói cách khác, đặt vào sự ví von hình tượng thì giống như một ngã rẽ từ đường mòn sang quốc lộ, dù còn lạ lẫm nhưng xứng đáng để trải nghiệm và dung hòa.

Áp dụng đúng, đừng để “đối ngưu đàn cầm” 

Có một thực tế, ngày nay giới trẻ được tiếp xúc với công nghệ hằng ngày nhưng hầu như chỉ xem đó là công cụ giải trí, thỏa mãn trí tò mò chứ không phải là để học tập. Về sau, chính thế hệ này sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp bởi sự phát triển khủng khiếp của công nghệ. Theo Viện nghiên cứu toàn cầu của Tập đoàn Tư vấn Chiến lược Kindsley dự đoán, năm 2030, máy tính sẽ thay thế 60% công việc hiện tại, tức là khoảng 800 triệu người sẽ mất việc làm. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới thì khoảng 60% người lao động sẽ làm những việc chưa từng học qua, trong đó phần lớn liên quan đến công nghệ. Thực tiễn này dẫn đến một xu hướng tất yếu, cũng chính là nhiệm vụ cấp thiết cho mọi quốc gia là ứng dụng công nghệ vào giáo dục sao cho đúng, cho chuẩn, và phù hợp với mọi đối tượng.

Có ý kiến cho rằng sử dụng giáo án điện tử như “con dao hai lưỡi”, nếu lạm dụng quá người học sẽ bị cuốn hút vào âm thanh, hình ảnh sống động mà quên nội dung chính của bài học. Hay như ở môn Ngữ văn, việc trình chiếu bài giảng quá nhiều bằng Powerpoint sẽ không gợi được trí tưởng tượng, học sinh không cảm thụ được nét đẹp của văn chương, chỉ mải mê chép bài cho kịp mà không hiểu tường tận, gốc rễ vấn đề, ngồi học mà như “đàn gảy tai trâu”.

Một vấn đề nổi bật khác là trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua ở Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc dạy và học trực tuyến bỗng dưng đã trở thành lựa chọn tối ưu với ngành giáo dục. Nhưng có thể nhìn thấy rõ, sau một thời gian triển khai, nhiều hạn chế, bất cập của phương thức dạy học này đã dần bộc lộ. Những nỗ lực của thầy và trò là chưa đủ để có được giờ học online chất lượng và thực sự hiệu quả. Khó khăn trước hết thuộc về bản thân các nhà giáo, khi bắt tay thực hiện, khá nhiều người lúng túng về kỹ thuật thực hiện, sử dụng các phần mềm học trực tuyến chưa thông thạo. Đa phần giáo viên đã quen với không gian trực tiếp trước học trò, nay đứng trong không gian trực tuyến để giảng bài, nhiều thầy cô sẽ không tự tin khi triển khai bài giảng.

Nền giáo dục tại Việt Nam dường như vẫn đang ở lưng chừng của việc tiếp cận xu thế giáo dục công nghệ mới với việc tách rời khỏi phương pháp giáo dục truyền thống, Công ty cổ phần giáo dục Edmicro đã dung hòa những điều này với nền tảng học tập trực tuyến Onluyen.vn mang tính cá nhân hóa, tương thích và hiệu quả cho từng học sinh. Khi học sinh sử dụng nền tảng này, hệ thống machine-learning của Onluyen.vn sẽ lưu trữ dữ liệu học tập và tạo ra biểu đồ năng lực của mỗi học sinh, đề xuất lộ trình học tập dành riêng cho từng học sinh. Học sinh cũng có thể được giải đáp cùng lớp học trực tuyến với lịch học và gia sư phù hợp. Ngoài ra, hệ thống sẽ ghi nhận và phân tích mọi thao tác trả lời đáp án của học sinh, từ tốc độ trả lời, tỷ lệ phần trăm câu trả lời chính xác, tỷ lệ phần trăm câu sai giống nhau,… từ đó, nhận dạng được mọi hành vi học tập của người học như: không tập trung, đoán mò và khoanh bừa đáp án, quên lý thuyết, chưa nắm vững 100% kiến thức phần học.

Giám đốc kinh doanh của Edmicro – Đặng Bảo Linh cho biết: “Với nền tảng của chúng tôi, độ phủ về mặt nội dung phải phủ đều, đủ. Tất cả đơn vị kiến thức tuân thủ theo đúng phương án từ những đánh giá năng lực học sinh sau đó đưa ra nội dung cho các em học và ôn tập sao cho phù hợp. Những bài giảng cũng chỉ kéo dài 5 phút để các em tập trung vào nội dung chính, phục vụ đúng đơn vị kiến thức các em đang cần. Đặc biệt, không chỉ học sinh, mà giáo viên và phụ huynh cũng có thể hiểu hơn về năng lực của con em mình qua biểu đồ và báo cáo năng lực mà Edmicro xây dựng”.

Ông Đặng Bảo Linh, Giám đốc kinh doanh của Edmicro chia sẻ với KDPT.

Trước thực tế cho thấy việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác giảng dạy hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thì nền tảng học trực tuyến Onluyen.vn của Edmicro là giải pháp hướng tới giải quyết bài toán thúc đẩy cá nhân hóa việc học bằng cách điều chỉnh nội dung học tập phù hợp với năng lực, lấp đầy các điểm kiến thức còn trống của mỗi học sinh cũng như giúp giáo viên tự động hóa việc biên soạn học liệu và đề kiểm tra.

Thực tế đã nói lên một điều rằng, cho dù CNTT phát triển, các trang web học trực tuyến trở nên phổ biến thì các trường học cũng không thể bị xóa bỏ, không làm thay đổi bản chất cơ bản của quá trình dạy học, nó chỉ là phương tiện tạo thuận lợi cho triển khai phương pháp dạy học tích cực. Xã hội vẫn cần các phương thức giáo dục truyền thống để giúp các bạn trẻ trưởng thành hơn. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển chóng mặt của cuộc Cách mạng 4.0 thì cũng luôn cần nền tảng giáo dục trực tuyến mới với những khám phá và nội dung truyền đạt hiệu quả hơn. Hơn nữa, việc ứng dụng khoa học công nghệ để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo là một công việc khó khăn, lâu dài, đòi hỏi rất nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính và năng lực của đội ngũ giảng viên. Do đó, cần có sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất của các cấp, sự chỉ đạo đồng bộ của ngành, và đặc biệt là sự nỗ lực học hỏi, rút kinh nghiệm của bản thân mỗi người đứng trên bục giảng.

Theo KDPT