web analytics

Công nghệ hỗ trợ con người ‘thời’ COVID-19 12/03/2020

(KDTT) – Để tránh lây lan dịch bệnh, các nước và tổ chức trên thế giới đang sử dụng công nghệ để giảm thiểu sự tiếp xúc và đi lại.

Tại Trung Quốc, theo Tân Hoa xã, Viện Sức khỏe hô hấp Quảng Châu và Viện Tự động hóa Thẩm Dương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã phát triển một loại robot thông minh nhằm thay thế các nhân viên y tế lấy mẫu dịch họng của bệnh nhân để xét nghiệm COVID-19.

Robot bao gồm một cánh tay cơ học hình rắn, ống nội soi 2 mắt, thiết bị truyền dẫn không dây và thiết bị đầu cuối tương tác giữa người và máy tính.

Các nhà nghiên cứu cho biết cánh tay cơ học có thể bảo đảm robot hoạt động chính xác trong cổ họng bệnh nhân, trong khi ống nội soi 2 mắt có thể cung cấp các hình ảnh giải phẫu 3D có độ nét cao.

Với mạng lưới không dây tiên tiến, robot có thể nhận được các hướng dẫn theo thời gian thực và lấy mẫu dịch họng một cách nhanh chóng và nhẹ nhàng.

Kể từ khi được đưa vào sử dụng ở Viện Sức khỏe hô hấp Quảng Châu từ ngày 28/2, robot đã thu được 80 mẫu dịch họng.

Kết quả thử nghiệm cho thấy các mẫu dịch họng do robot thu được có chất lượng cao với tỷ lệ thành công một lần là hơn 95%. Điều này giúp giảm đau đớn và tổn thương cho bệnh nhân trong quá trình lấy mẫu.

Xét nghiệm acid nucleic lấy trong dịch họng là một trong những phương thức quan trọng nhất trong chẩn đoán COVID-19. Trong quá trình lấy mẫu, nhân viên y tế buộc phải tiếp xúc gần với bệnh nhân, đối mặt với nguy cơ cao bị lây nhiễm chéo. Nếu có sơ suất trong quá trình lấy mẫu, chất lượng của mẫu bệnh phẩm sẽ không được bảo đảm, khiến kết quả có thể sai lệch. Do đó, sự ra đời của robot lấy mẫu bệnh phẩm sẽ giúp các nhân viên y tế tránh được lây nhiễm chéo, cải thiện việc chuẩn hóa trong việc lấy mẫu bệnh phẩm sinh học cũng như bảo đảm chất lượng của mẫu.

Tại Hàn Quốc, nhiều nhà cung cấp nước này ngày 10/3 đã ra mắt các dịch vụ kỹ thuật số cung cấp thông tin theo thời gian thực về sự sẵn có của khẩu trang đang được bán tại các cửa hàng, trong bối cảnh chính phủ nước này nỗ lực đáp ứng nguồn cung về mặt hàng khan hiếm này khi dịch bệnh hoành hành.
Một giao diện lập trình ứng dụng (API) mở đã được đưa vào hoạt động từ tối 10/3, theo đó các nhà cung cấp có thể tạo ra nhiều ứng dụng trên các thiết bị di động cũng như trên các trang web trực tuyến, hiển thị vị trí của các địa điểm bán lẻ khẩu trang được chính phủ cấp phép (như nhà thuốc hoặc bưu điện…) cũng như số lượng khẩu trang sẵn có tại những địa điểm này, để giúp người dân thuận tiện hơn trong việc mua sắm.
Những ứng dụng trên sẽ hiển thị trữ lượng khẩu trang với 4 màu khác nhau. Các điểm bán có gắn thẻ xanh là những nơi đang sẵn 100 khẩu trang trở lên, trong khi màu vàng có nghĩa là có ít hơn 100 khẩu trang. Các địa điểm gắn thẻ màu đỏ là những nơi có ít hơn 30 khẩu trang, trong khi màu xám có nghĩa là khẩu trang đã được bán hết.
Các nhà cung cấp dịch vụ trang web hàng đầu của Hàn Quốc như Naver và Kakao cũng sẽ cung cấp thông tin về lượng khẩu trang dự trữ thông qua các bản đồ mang tính tương tác.
Trước đó, người dân Hàn Quốc đã phải chờ đợi trong nhiều giờ để có thể mua khẩu trang thông qua các kênh bán hàng công cộng, buộc Chính phủ Hàn Quốc phải đưa ra các quy định mới. Bên cạnh việc lên chỉ định các điểm bán khẩu trang, Chính phủ Hàn Quốc cũng hạn chế số lượng khẩu trang được bán ra, theo đó mỗi tuần, một công dân chỉ có thể mua 2 khẩu trang và vào những ngày nhất định, tùy thuộc vào số cuối cùng trong năm sinh của họ.

IMF và WB thử nghiệm chế độ làm việc từ xa

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 9/3 tuyên bố tất cả các nhân viên của tổ chức này sẽ làm việc tại nhà riêng vào ngày 13/3 tới để kiểm tra các hệ thống.

Một người phát ngôn của Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay tổ chức này cũng đang tiến hành thử nghiệm các quy trình làm việc từ xa ở một quy mô nhỏ hơn.

Tuần trước, IMF và WB đã thông báo các Hội nghị Mùa Xuân của 2 tổ chức này sẽ được tổ chức vào tháng 4 theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 đến thời điểm này đã xuất hiện tại 113 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 114.000 người nhiễm bệnh và hơn 4.000 ca tử vong.

Theo tuyên bố của IMF, lần đầu tiên, tổ chức này sẽ tiến hành cuộc thử nghiệm làm việc từ xa trong phạm vi toàn tổ chức như một phần của những nỗ lực sẵn sàng đối phó với khủng hoảng và chuẩn bị cho các Hội nghị Mùa Xuân trực tuyến vào tháng 4.

Trong khi đó, các quan chức tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở New York cùng ngày đã yêu cầu đội ngũ nhân viên thực hiện chế độ làm việc từ xa, đặc biệt là những người đến từ các quốc gia có tình trạng lây lan virus SARS-CoV-2 trên diện rộng.

Theo Chinhphu.vn