web analytics

Cồn Sơn với tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng 18/08/2020

(KDTT) – Cồn Sơn là một vùng đất nổi giữa sông Hậu, còn gọi là cù lao Cồn Sơn, có diện tích khoảng 70 ha, thuộc địa bàn phường Bình Thủy, quận Bình Thủy của thành phố Cần Thơ. Cồn Sơn có vẻ đẹp hoang sơ, được bao bọc bởi những rặng bần, giữa bốn bề sông nước. Đây là vùng đất trù phú thiên bẩm với những vườn cây ăn trái trĩu quả và nuôi bè cá.

Bến tàu du lịch Cồn Sơn.

Từ trung tâm TP. Cần Thơ, du khách di chuyển theo đường Cách mạng tháng Tám, đến bến đò Cô Bắc (phường Bình Thủy, quận Bình Thủy), chỉ mất khoảng 5-10 phút qua đò là sang tới Cồn Sơn, hoặc cũng có thể thuê tàu du lịch tại bến Ninh Kiều. Cách thành phố ồn ào, náo nhiệt không xa nhưng du khách như lạc bước vào một thế giới khác. Nơi đây có không gian yên tĩnh, trong lành và vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc như thôn nữ. Với mô hình du lịch cộng đồng, Cồn Sơn mang đến trải nghiệm mới lạ, tuyệt vời và hấp dẫn du khách.

Mỗi hộ gia đình là một chức năng riêng tạo nên nét đặc trưng cho du lịch Cồn Sơn phát triển đa dạng và phong phú, bao gồm: Hộ trồng cây ăn trái, mỗi vườn trồng một chủng loại (vườn vú sữa, vườn nhãn, vườn mận, chôm chôm), trái cây chín tập trung chủ yếu vào các tháng 3,4,5 Âm lịch hàng năm. Đến với các vườn trái cây, du khách được thưởng thức hương vị thơm ngon, tươi mát của trái cây chín mọng ngay tại vườn. Đến với các hộ làm nghề truyền thống đan lát thủ công, làm bánh, du khách được tham gia trải nghiệm nhào bột, làm các món bánh nổi tiếng của người dân miền Tây như: bánh khọt, bánh xèo, bánh kẹp nướng, bánh in…

Du khách sẽ được thưởng thức bánh – trái đặc sản tại Cồn Sơn.

Khi đến với Cồn Sơn, du khách sẽ được cho cá ăn từ những hỗn hợp mà chủ vườn chuẩn bị sẵn, được hòa mình vào cuộc sống của người dân Nam Bộ như quăng chài, ngồi thuyền giăng câu hay tát mương bắt cá… Đặc biệt hơn, khi đến đây, quý khách được tham quan mô hình “cá lóc bay” tại vườn du lịch Tín Hòa. Đây được gọi là “đặc sản” du lịch của Cồn Sơn luôn để lại ấn tượng thú vị trong lòng du khách.

Tại đây, để cá có thể biểu diễn tung mình lên không trung, chủ vườn đã hình thành cho chúng những phản xạ về âm thanh, bằng cách hằng ngày mỗi lần cho chúng ăn là dùng kẻng, gõ mõ. Hoạt động này được lặp lại nhiều lần thành thói quen, khiến đàn cá hàng nghìn con đua nhau “bay” lên đớp mồi mỗi khi nghe tín hiệu của ông chủ.

Sau khi tham quan, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn được chế biến ngay tại vườn, những món ăn đạm bạc, dân dã như ốc nướng, lẩu cá lóc… Khi chiều tà, du khách được ngắm hàng ngàn con cò bay về tổ trên những ngọn cây. Một khung cảnh yên bình và tĩnh lặng đầy thơ mộng của Cồn Sơn.

Ao sen, hồ cá tại Nhà vườn cá lóc bay Tín Hòa.

Hầu hết các hộ dân Cồn Sơn đều tham gia làm du lịch. Hàng năm, nơi đây đã đón tiếp hàng trăm lượt tham quan từ các đoàn khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, tất cả những hoạt động du lịch ở Cồn Sơn còn mang tính chất tự phát, cá nhân, riêng lẻ. Thiết nghĩ, để Cồn Sơn trở thành điểm du lịch hấp dẫn hơn, phát triển quy mô hơn, đáp ứng được yêu cầu của du khách và có đủ sức mạnh cạnh tranh, cần có quy hoạch tổng thể từ cơ sở hạ tầng giao thông cho tới dịch vụ, nhà nghỉ, ăn uống chuyên nghiệp. Cần có quy hoạch xử lý rác để đảm bảo môi trường trong sạch, mỹ quan. Không chỉ khai thác đơn thuần như hiện nay, Cồn Sơn cần được sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa từ các cấp chính quyền và địa phương để phát huy hết khả năng, lợi thế du lịch, phát triển kinh tế.  

Theo KDPT