web analytics

Cơ hội để ngành du lịch phục hồi, bứt phá 06/01/2021

(KDTT) – Dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch cả nước nhưng đây cũng là cơ hội lớn để cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình quản lý và phát triển du lịch bằng công nghệ số hóa.

Hình ảnh quảng bá Đại Nội Huế trên Cổng Thông tin du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Tạo ra nhiều giá trị mới bằng công nghệ số

Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh giải pháp tuyền thống như kích cầu du lịch, phục hồi thị trường thì chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số là giải pháp quan trọng để ngành du lịch thay đổi, thích nghi với những biến động do đại dịch COVID gây ra.

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingoup cho rằng hiện nay chuyển đổi số được cho là vấn đề mang tính sống còn đối với tất cả các doanh nghiệp trên thế giới. Doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều giá trị mới bằng cách ứng dụng công nghệ để thay đổi toàn bộ mô hình quản trị, vận hành cũng như cách thức kinh doanh. Lợi ích từ chuyển đổi số không chỉ đến từ việc tiết kiệm chi phí vận hành hay đưa ra những quyết sách chính xác và nhanh chóng hơn dựa vào hệ thống báo cáo được tổng hợp tự động theo thời gian thực, mà còn giúp doanh nghiệp gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường một cách mạnh mẽ.

Theo ông Hiệp, tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số cũng đang được coi là một trong những hoạt động quan trọng của các doanh nghiệp, đặc biệt với doanh nghiệp du lịch. Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID, nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống không đủ khả năng thích ứng nên việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra cơ hội giúp doanh nghiệp xoay trục sản phẩm hấp dẫn du khách, sớm phục hồi và bứt phá.

Nằm trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Vingroup, hơn 2 năm qua, hệ thống Vinpearl đã đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện cả về kinh doanh, vận hành, trải nghiệm khách hàng. Kết quả phân tích các dữ liệu đầu vào trong quá trình chuyển đổi số cho thấy tín hiệu hết sức khả quan như: bán hàng trên kênh trực tuyến đạt mức tăng trưởng 300% trong năm 2020, dự kiến tiếp tục duy trì mức tăng 300% năm 2021; đơn vị cũng phát triển và đưa vào sử dụng website Vinpearl Travel nhằm thúc đẩy tỉ lệ bán hàng, đạt doanh thu 4 tỷ đồng/ngày…

Bên cạnh việc chuyển đổi số phục vụ kinh doanh và hoạt động, Vinpearl còn hướng đến mở rộng ứng dụng CNTT, số hóa dịch vụ để kiến tạo những trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng. Đơn cử như công viên chủ đề trên nền tảng thực tế ảo cho VinWonders Phú Quốc giúp du khách đã có thể trải nghiệm trước không gian mô phỏng online của điểm đến.

Trong năm 2021, Vinpearl tiếp tục tăng cường tương tác và trải nghiệm cho khách hàng, hoàn thiện các nền tảng số để tăng trải nghiệm trực tuyến cho du khách; đẩy mạnh việc ứng dụng AI, Big Data để đo lường thị hiếu, nhu cầu của du khách, qua đó đón đầu xu hướng và nâng cao chất lượng dịch vụ, hình ảnh của của du lịch Việt Nam.

Phát triển du lịch thông mình là xu hướng tất yếu

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch hiện nay là một trong những yếu tố sống còn, bắt buộc chính quyền điểm đến, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch phải tập trung thực hiện, vừa phù hợp với bối cảnh hiện tại, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đánh giá tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số, Thừa Thiên-Huế đã và đang xây dựng và phát triển du lịch thông minh tập trung vào 2 khía cạnh: Quản lý, điều hành thông minh đối với chính quyền, doanh nghiệp và trải nghiệm các tiện ích thông minh đối với du khách. Theo đó, tỉnh đã đẩy mạnh số hóa dữ liệu du lịch, nâng cấp hệ thống hạ tầng đồng bộ, cập nhật dữ liệu liên tục để làm nền tảng cho các ứng dụng thông minh.

Đến nay, Thừa Thiên-Huế đã hoàn thiện bộ chuẩn hóa nội dung số giới thiệu 35 điểm đến du lịch tiêu biểu của địa phương. Năm 2020, Sở Du lịch đã xây dựng hoàn chỉnh bộ thuyết minh các điểm đến trên địa bàn tỉnh và tiến hành tổng điều tra ẩm thực Huế, tiếp tục đẩy mạnh số hóa dữ liệu liên quan đến các chủ đề: Huế – Kinh đô lễ hội, Huế – Kinh đô áo dài, Huế – Kinh đô ẩm thực; Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã cung cấp dịch vụ hệ thống thuyết minh tự động với 12 ngôn ngữ khác nhau tại khu vực Hoàng cung và các lăng tẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường các dịch vụ trải nghiệm du lịch thông minh cho du khách, nhất là tại các điểm tham quan du lịch văn hóa. Với 7 di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO công nhận, Thừa Thiên-Huế là điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc để xây dựng các trải nghiệm thực tế ảo như chương trình “Đi tìm Hoàng cung đã mất” tại Đại Nội bằng công nghệ thực tế ảo VR 360.

Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế còn tăng cường quảng bá trực tuyến, xây dựng hệ thống đồng bộ, có các tiện ích thông minh để kịp thời cung cấp thông tin cho du khách; xây dựng Cổng thông tin du lịch visithue.vn và triển khai ứng dụng app du lịch trên 2 nền tảng IOS và Android để cung cấp thông tin cho du khách. Ngoài ra, việc quảng bá hình ảnh điểm đến và tương tác tự động với du khách trực tuyến cũng được đẩy mạnh qua hệ thống tài khoản có tích xanh Visit Hue trên mạng xã hội như Fanpage Visit Hue, Tiktok Visit Hue… Hiện tại đang tiếp tục triển khai xây dựng các kênh Youtube, Instagram, Twister Visit Hue. Cùng với các tiện ích trên,  tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai phần mềm quản lý ngành du lịch thống nhất, liên thông dữ liệu với các ngành liên quan, đẩy mạnh hỗ trợ du khách trực tuyến.

Trong thời gian tới, Thừa Thiên-Huế sẽ tiến hành xây dựng 7 ki-ốt du lịch thông minh, tự động hoàn toàn ở các điểm du lịch để cung cấp thông tin về điểm đến. Đẩy mạnh triển khai các dự án trải nghiệm thông minh khác như thẻ du lịch thông minh, hệ thống xe đạp thông minh, xây dựng bảo tàng số…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định: “Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch thông minh là xu hướng tất yếu. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch theo Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018. Do đó, chúng tôi hy vọng các điểm đến, cộng đồng doanh nghiệp du lịch sẽ tham gia tích cực hơn vào quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy quá trình phục hồi, tăng sức mạnh cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế”.

THẾ PHONG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn link gốc: http://baochinhphu.vn/Du-lich/Co-hoi-de-nganh-du-lich-phuc-hoi-but-pha/418673.vgp