web analytics

Có ai còn nhớ một thời tem phiếu ngày xưa? 06/08/2019

(KDTT) – Hà Nội ngày mưa bão, cô dọn nhà. Trong tập giấy tờ đã cũ, bỗng tập tem phiếu được bọc trong giấy nilon khá kỹ càng rơi ra. Lần giở xem lại tập tem phiếu,  cô chợt nhớ về một thời bao cấp ngày xưa.

Ngày ấy, sổ gạo, tem phiếu, giấy chuyển lương thực là những thứ vô cùng quan trọng với các gia đình. Những thứ đó, người có tiền chưa chắc đã mua được. Ở nhà cô, các loại tem phiếu luôn được mẹ gói trong mấy lần nilon, cất kỹ vào tủ. Khi nào mua cái gì, bà lại lẩn mẩn giở ra, tìm đúng loại tem phiếu cần thiết với mặt hàng đó, sau khi đi mua hàng về lại cất ngay đi.

Có lẽ, ai đã từng đi qua thời bao cấp đều biết đến câu: “Mặt nghệt như mất sổ gạo”. Đây là một cuốn sổ rất quan trọng để mua lương thực của các gia đình. Tên đầy đủ của sổ gạo là “Sổ mua lương thực”, được cấp cho hộ gia đình có hộ khẩu thường trú ở thành phố hoặc ở nông thôn nhưng chỉ dành cho các thành viên có biên chế trong nhà nước. Thế nên, có những gia đình, dù cùng có tên trong hộ khẩu thường trú nhưng vì không đi làm Nhà nước nên cũng không có tên trong sổ gạo. Các con ruột được “ăn theo” tiêu chuẩn lương thực của người làm trong Nhà nước.

Ảnh tư liệu

Ngoài sổ lương thực, tùy theo từng đối tượng mà Nhà nước còn phân phối cho người dân số lượng thực phẩm, hàng hóa theo định lượng khác nhau thông qua tem phiếu. Còn nhớ, thập niên 7X, mỗi phụ nữ khi sinh con được Nhà nước ưu tiên phân phối 1 lít nước mắm, 2kg đường và 3kg thịt. Trong thời gian nghỉ sinh con, họ được cấp thực phẩm với số lượng đúng theo quy định.

Không chỉ phân phối gạo và thực phẩm, chất đốt cũng được bán theo quy định. Cô nhớ, ngày đó anh trai thường được mẹ phân công đi mua dầu hỏa ở phố Đoàn Thị Điểm. Hôm đó, mẹ đưa cho anh phiếu mua hơn 5 lít dầu hỏa, biết là sẽ nặng nên mẹ dặn: “Mua được cứ đứng đó chờ mẹ mang xe đạp ra chở về cho. Hôm nay mẹ còn đi mua gạo đã”. Đong được gạo, trời đã quá trưa, mẹ tất tả phóng xe ra chỗ mua dầu. Từ xa, thấy có cái xe ba-gác chở than đi ngược chiều, đằng sau có đôi chân lũn cũn với đôi dép giống của con mình quá. Đến gần, thấy con đang phụ đẩy xe than cùng người ta. Con trai nhỏ vuốt mồ hôi khoe: “Con đợi mẹ mãi, thấy có xe than, con xin để can dầu lên trên rồi đẩy cùng bác ấy”. Năm đó, anh của cô mới 9 tuổi.

Xếp hàng mua thực phẩm thời bao cấp là kỷ niệm in sâu trong ký ức của những đứa trẻ như cô. Nghỉ hè, bố mẹ giao cho phiếu thực phẩm để đi mua. Thế là, sáng sớm cả nhóm đã í ới rủ nhau đi xếp hàng. Khi thì để viên gạch, lúc để cái dép ở đó. Cả hàng dài cứ chờ đợi như vậy. Khi ô cửa bán hàng hé mở, người lập tức vây lại đông nghìn nghịt. Không ít lần cô bị bắt nạt, bị chen ngang. Nếu không có các bạn thì chỉ biết khóc ấm ức. Xếp hàng đến nơi, mua được chút thực phẩm đúng như mẹ dặn, cảm thấy thật sự vui sướng, xen lẫn tự hào với những người đến nơi đúng lúc gặp cái biển “hết hàng”. Chỉ thế thôi cũng thấy mình may mắn xiết bao.

Với cô và nhiều người, thời bao cấp là miền ký ức rất đặc biệt. Những năm tháng đó, niềm vui, nỗi buồn thật giản dị và khoảng cách giàu nghèo không quá xa xôi.

Theo KDPT