web analytics

Chuyện phế truất Tổng thống Mỹ: Kẻ sứt đầu, người mẻ trán 04/10/2019

(KDTT) – Câu chuyện điều tra nhằm phế truất Tổng thống Trump đang ngày càng nóng lên ở Mỹ. Bản chất của chuyện này là gì? Hệ lụy với hai đảng ra sao? Báo Thế giới & Việt Nam phân tích. 

Những diễn biến mới nhất liên quan đến nội dung các cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky càng khích lệ phía Đảng Dân chủ ở Mỹ kiên định chủ ý tận dụng vụ tai tiếng này của ông Trump để tìm cách phế truất ông.

Chuyện phế truất tổng thống thể hiện cuộc đấu tranh quyền lực giữa Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ ở Mỹ. (Biếm họa của US News and World reports)

Bản chất câu chuyện

Nếu những cáo buộc của “Người cung cấp thông tin” giấu mặt kia là sự thật thì cùng với nội dung những cuộc điện đàm đã được ông Trump công bố, chúng có thể gây nguy hại thật sự cho vị thế quyền lực hiện tại và cơ may được tái đắc cử của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống lần tới ở Mỹ. Lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân là lý do đủ trên phương diện pháp lý để Quốc hội Mỹ phế truất tổng thống đương nhiệm. Nhưng tổng thống đương nhiệm có bị phế truất hay không lại là chuyện chính trị ở Mỹ. Năm 1868 với Andrew Johnson, năm 1974 với Richard Nixon và năm 1998 với Bill Clinton đều đã như thế.

Trên phương diện đảng phái chính trị, chuyện phế truất tổng thống thể hiện cuộc đấu tranh quyền lực giữa Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ ở Mỹ. Hiện tại, chuyện này còn là cuộc đấu giữa ông Trump và ông Joe Biden. Người này hiện được coi là đối thủ chính trị đáng gờm nhất đối với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống tới. Việc Đảng Dân chủ tính chuyện phế truất ông Trump cuối cùng sẽ kết cục ra sao hiện thật sự chưa thể biết được, nhưng điều bây giờ đã có thể chắc chắn được là, cả ông Trump lẫn ông Biden đều bị tổn hại về uy tín cá nhân và mức độ tín nhiệm trong cử tri bởi người này bị sứt đầu thì kẻ kia cũng bị mẻ trán.

Thực chất hành vi phạm pháp của ông Trump trong chuyện này là sử dụng sự trợ giúp từ bên ngoài nước Mỹ trong bầu cử để được đắc cử. Sự khác biệt giữa liên quan đến Nga và Ukraine ở chỗ khi trước ông Trump chỉ là ứng cử viên tổng thống còn trong chuyện sau đã là tổng thống Mỹ.

Hai nhân tố chi phối

Ông Trump rồi đây có bị phế truất hay không phụ thuộc vào hai nhân tố sau.

Thứ nhất, phe Đảng Dân chủ có thành công hay không với việc làm cho dân chúng và dư luận ở Mỹ tin rằng, ông Trump đã vi phạm pháp luật hiện hành đến mức đáng bị phế truất, thuyết phục được dân Mỹ tin rằng, ông Trump đáng bị phế truất không phải vì là đối thủ chính trị của Đảng Dân chủ, không phải vì phe này trả thù cho sự thất bại năm 2016 mà vì ông Trump đã gây tổn hại nghiêm trọng tới danh phẩm và biểu tượng giá trị tinh thần của chức tước người đứng đầu nhà nước Mỹ. Phe Đảng Dân chủ chỉ có thể khấy động áp lực từ phía dân chúng và dư luận ủng hộ việc tiến hành phế truất ông Trump khi thuyết phục dân chúng và dư luận tin rằng, chỉ khi phế truất ông Trump thì mới có thể khôi phục được danh dự của tước vị đứng đầu nhà nước Mỹ.

Thứ hai, phe Đảng Cộng hoà ở Mỹ có quay lưng lại với ông Trump hay không. Thượng viện Mỹ với 100 thành viên cần đa số ít nhất hai phần ba để phế truất ông Trump. Hiện tại, phe Đảng Dân chủ trong thượng viện cần sự đồng tình của ít nhất 19 thành viên thượng viện thuộc phe Đảng Cộng hoà để phế truất ông Trump. Cho tới thời điểm hiện tại mới chỉ có 2 người thuộc phe Đảng Cộng hoà trong thượng viện đồng tình việc phế truất này.

Đúng là trong những ngày vừa qua ở Mỹ, sự ủng hộ của dân Mỹ cho việc tiến hành phế truất ông Trump đã tăng lên, nhưng vẫn còn cách rất xa mức độ đủ để gây nên áp lực mạnh mẽ tới chính trường và đẩy phe Đảng Cộng hoà phải quyết định lựa chọn giữa tiếp tục chống lưng hay buông bỏ ông Trump để tránh bị vạ lây.

Đảng này chỉ bỏ rơi ông Trump khi thấy rõ là ông Trump không còn có bất kỳ cơ may nào được tái đắc cử Tổng thống Mỹ trong năm tới – điều mà hiện tại chưa xuất hiện, nếu như không muốn nói là chưa thấy manh mún. Việc đảng này thất sủng ông Trump hiện càng khó xảy ra vì trong Đảng Cộng hoà chưa thấy xuất hiện nhân vật nào có khả năng và bản lĩnh đứng ra phất cờ triệu hiệu quần hùng và tập hợp lực lượng trong nội bộ đảng nhằm phế bỏ ông Trump, lại còn chưa thấy nhân vật nào có thể thay thế ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống tới. Người ta nói đảng này hiện không có cái gọi là “Kế hoạch B”.

Càng gần đến ngày bầu cử tổng thống mà Đảng Cộng hoà vẫn cứ như thế này thì đảng ấy lại càng cần phải bám giữ vào ông Trump, cùng nổi hay cùng chìm với ông Trump. Nhưng dù vậy, ông Trump chắc chắn sẽ khó khăn và vất vả hơn lần trước rất nhiều để tái đắc cử và kết quả bầu cử đạt được sẽ không thể bằng lần trước.

Cứ theo những gì đã được công bố công khai thì ông Biden không khuất tất gì. Nhưng người này dẫu lý có ngay thì tình vẫn gian, dẫu không dính líu trực tiếp thì vẫn không thể gột rửa được sạch hết tác động tai hại của cái gọi là “tham nhũng mềm”. Đạo đức và văn hoá chính trị vốn cụ thể và rõ ràng nhưng cảm tính của cử tri lại mập mờ và dư vị của định kiến và mặc cảm lại có thể ám ảnh và tồn tại rất dai dẳng. Bởi thế, vụ việc diễn biến chỉ đến đây thôi cũng đã có thể trù liệu được là triển vọng người này được đề cử làm ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Mỹ đã trở nên thêm mong manh và nếu có được đảng đề cử thì cơ may đắc cử Tổng thống Mỹ cũng không sáng lạn gì.

Theo Báo Thế giới và Việt Nam