Mới đây, cả 2 công ty là Công ty Cổ phần Hateco Thăng Long và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hateco gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Trần Văn Kỳ đã công bố báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh khả quan.

Cụ thể, tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hateco, lợi nhuận sau thuế đạt 421 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2021, cùng kỳ năm 2021 ghi nhận lợi nhuận chỉ đạt 71 tỷ đồng.

Báo cáo kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hateco.

Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu suy giảm so với kỳ trước, còn 7.444 tỷ đồng, giảm 68 tỷ đồng so với kỳ trước. hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu cũng giảm chỉ còn 0,37 lần, khoản dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu cũng giảm nhẹ so với kỳ trước về 0.0416 lần. Tổng nợ phải trả khoảng 2.760 tỷ đồng, bao gồm hơn 300 tỷ đồng nợ trái phiếu.

Cùng với đó, Công ty Cổ phần Hateco Thăng Long (Hateco Thăng Long) cũng đã công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính, qua đó ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 xấp xỉ 326 tỷ đồng, tăng 8.050% so với năm 2021.

Báo cáo kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Hateco Thăng Long.

Tại ngày 31.12.2022, vốn chủ sở hữu của Hateco Thăng Long đạt 604 tỷ đồng, với hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu 0,77, tương ứng tổng nợ phải trả tính đến cuối năm vừa rồi còn khoảng 465 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu xấp xỉ 200 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Hateco Thăng Long được thành lập vào tháng 8.2016, với vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng. Trong đó, 3 cổ đông chính là Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Công trình Kiến trúc Hà Nội, tiền thân của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hateco (Hateco Group), nắm cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu 80% vốn điều lệ.

Phần còn lại được sở hữu bởi Hợp tác xã Thương mại – Dịch vụ Láng Trung (13,294%) và ông Trần Văn Kỳ (6,706%).

Mặc dù mới thành lập năm 2016 nhưng Hateco Thăng Long đã gây được sự chú ý trên thị trường bất động sản, nhờ vào dự án Hateco Laroma, với tổng diện tích hơn 3.100m2 nằm trên “đất vàng” tại quận Đống Đa. Hateco Laroma cũng là dự án đầu tiên Hateco Thăng Long triển khai và phát triển.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2017 – 2020, Hateco Thăng Long không phát sinh doanh thu. Ngay cả trong năm 2018, dù tuyên bố đã có 20% căn hộ được giao dịch, doanh thu của Hateco Thăng Long vẫn là số 0.

Chưa kể, trong vòng 5 năm trở lại đây, Hateco Thăng Long liên tục báo lỗ, và có xu hướng lỗ nặng qua các năm. Năm 2016, Hateco Thăng Long báo lỗ 3 tỷ đồng. Sang năm 2017, Hateco Thăng Long tiếp tục báo lỗ 8,9 tỷ đồng; năm 2018 lỗ 24,5 tỷ đồng; năm 2019 lỗ 15 tỷ đồng và năm 2020 lỗ 17,4 tỷ đồng. Công ty mới có lãi lần đầu vào năm 2021 là 3,7 tỷ đồng.

Còn về phía Tập đoàn Hateco, tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng và Công trình kiến trúc Hà Nội, được thành lập ngày 4.11.2004. Cập nhật tại tháng 12.2016, vốn điều lệ công ty đạt 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm ông Trần Văn Kỳ góp 97,76% vốn, bà Hoàng Thị Xuân nắm giữ 1,51% cổ phần.

Đến tháng 4.2019, Tập đoàn Hateco nâng vốn điều lệ lên mức 1.350 tỷ đồng, và đạt 1.500 tỷ đồng vào tháng 3.2020. Cũng trong năm 2020, Tập đoàn Hateco có thêm 2 đợt tăng vốn vào tháng 8.2020 (1.680 tỷ đồng) và tháng 10.2020 đưa vốn điều lệ doanh nghiệp đạt 6.900 tỷ đồng.

Hiện tại, ông Trần Văn Kỳ là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hateco.

Doanh nghiệp gắn với tên tuổi ông Trần Văn Kỳ còn được nhiều người biết đến với vai trò là chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản lớn tại Hà Nội như Hateco Hoàng Mai, Hateco Apollo, Hateco Green City, Hateco Green Park, ….

Theo KDPT