Từ xưa, lĩnh vực nông nghiệp luôn gắn liền với hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối với đồng ruộng. Nhưng hiện nay với ứng dụng công nghệ hiện đại nhiều lĩnh vực của nông nghiệp đã được áp dụng công nghệ số hóa, góp phần giảm bớt những khó khăn cho người nông dân.

Công nghệ số đang hỗ trợ đắc lực cho lĩnh vực nông nghiệp.

Nhiều lĩnh vực của nông nghiệp đang được áp dụng công nghệ số như quản lý đồng ruộng, sử dụng mobile app (phần mềm trên điện thoại di động), drone (thiết bị bay điều khiển từ xa), hệ thống cảm biến nhiệt, cảm biến thức ăn, tự động hóa vệ sinh chuồng trại…

Thực trạng chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay

Các hợp tác xã khi không chuyển đổi số sẽ không có nền tảng dữ liệu, không có các sản phẩm được định danh, không truy xuất được nguồn gốc, thì gần như không thể đưa hàng hóa lên không gian mạng. Hiện chỉ có khoảng 500 doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh trên nền tảng công nghệ Alibaba (tập đoàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ bán hàng thông qua cổng thông tin điện tử). Điều quan trọng hơn là kỹ năng đưa hàng hóa lên mạng. Mỗi hợp tác xã là nền tảng để xã viên tiếp cận cơ sở số hóa dữ liệu. Nâng cao được vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp số Việt Nam.

Hiện cả nước có khoảng 5.000 làng nghề, trong đó có gần 2.000 làng nghề nông nghiệp. Với tốc độ công nghệ số phát triển trên thế giới hiện nay, khi khách du lịch có nhu cầu tìm hiểu thì họ sẽ thông qua không gian mạng trước tiên vì vậy cần có cơ sở dữ liệu làng nghề để các giá trị văn hóa của làng nghề sẽ lan tỏa bằng công nghệ, mang đi khắp thế giới.

Chuyển đổi số giúp kết nối 9 triệu hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến, thương mại gắn với 100 triệu người tiêu dùng trong cả nước, thậm chí cả hàng tỷ người tiêu dùng trên thế giới. Đây là cơ hội để chúng ta thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị đã tồn tại của nền nông nghiệp nước ta nhiều năm qua.

Áp dụng các công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp

Hiện nay có khá nhiều các ứng dụng công nghệ hiện đại đang được áp dụng như IoT và cảm biến trên cánh đồng, học máy và phân tích, canh tác và robotics, máy bay không người lái giám sát cây trồng,..

Thiết bị máy bay không người lái được sử dụng trong canh tác nông nghiệp.

Thực tế cho thấy, máy bay không người lái là một thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giúp chính xác và hiệu quả, tiết kiệm chi phí, thời gian và lao động. Người dân hạn chế tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu, bảo vệ được sức khỏe, đồng thời tiết kiệm được chi phí thuốc, giảm ô nhiễm môi trường, nguồn nước, đất đai, không còn tình trạng vứt bừa bãi bao bì thuốc trừ sâu trên các đồng ruộng, kênh mương.

Khi máy bay hoạt động, thuốc sẽ được tách ra thành những hạt mịn nhỏ và phun đều lên các bộ phận của cây trồng, năng suất cao gấp 30 lần so với phun thủ công, giảm thất thoát 30% thuốc trừ sâu, tiết kiện đến 90% nước. Máy có thể bay ở chế độ tự động, bán tự động và thủ công, tốc độ phun có thể được điều chỉnh để chứa các loại thuốc khác nhau.

Những khó khăn cần khắc phục

Dù công nghệ có nhiều thuận lợi như đã đề cập ở trên nhưng với những cơ sở sản xuất nông nghiệp và người nông dân còn ngại thay đổi. Những ứng dụng công nghệ với họ còn nhiều thứ phải học từ đầu.

Những khó khăn về nguồn vốn đầu tư, đây là một yếu tố quan trọng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trước tiên phải có vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo người lao động, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó là khó khăn về nguồn nhân lực. Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tế ở nước ta, nguồn nhân lực cao am hiểu về khoa học – kỹ thuật trong nông nghiệp còn thiếu và yếu. Chất lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Đây là một trong những yếu tố quan trọng làm cản trở việc thực hiện các chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt đối với những vùng, miền có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.

Sự liên kết hoạt động khoa học – công nghệ giữa các tỉnh, thành trong nước còn rời rạc. Nhiều địa phương chưa xây dựng được kế hoạch hợp tác chặt chẽ giữa tổ chức và cá nhân nghiên cứu khoa học với cơ quan quản lý nghiên cứu. Nhiều đề tài khoa học tốt nhưng chưa được áp dụng thực tiễn vì chưa theo kịp những đòi hỏi từ thực tế sản xuất và đời sống.