web analytics

Chuyển đổi số – Con đường để doanh nghiệp bứt tốc trong Covid-19 12/11/2020

(KDTT) – Thế giới đã, đang và sẽ phải duy trì trạng thái bình thường mới để đạt được mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế vừa chủ động ứng phó với biến động khó lường của đại dịch Covid-19. Chuyển đổi số được coi là chìa khóa giúp các quốc gia và doanh nghiệp thoát hiểm và bứt tốc trên hành trình phát triển.

Diễn đàn Chuyển đổi số Thoát hiểm và bứt tốc trong Covid-19 diễn ra ngày 11/11

Đó là nội dung được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam 2020 với chủ đề “Thoát hiểm và bứt tốc trong Covid-19”, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 11/11 tại Hà Nội. Diễn đàn lấy câu chuyện chuyển đổi số của Doanh nghiệp Việt Nam là trung tâm bàn thảo, nhằm nhận diện, phân tích, đánh giá thực tiễn hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp theo các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, từ đó hiến kế các giải pháp giúp đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển của bối cảnh mới, góp phần đạt được mục tiêu của Chính phủ đã đề ra.

Theo TS. Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình “Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Đến năm 2025, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm, thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới, sáng tạo.

Ông Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

Covid-19 đã tác động trực tiếp đến các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu, hàng không, du lịch, y tế, giáo dục, lao động, việc làm. Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, thậm chí là giải thể và phá sản. Tuy không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm như một số nước song mức tăng trưởng GDP 2,12% của 9 tháng vừa qua đã trở thành mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua.

Tại Diễn đàn, TS. Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam cũng khẳng định, doanh nghiệp là lực lượng xung kích và nòng cốt của nền kinh tế, không thể khác, chuyển đổi số là điều kiện sống còn và cấp thiết nhất trong bối cảnh hiện nay.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, vấn đề chuyển đổi số đã được đề cập qua các bài tham luận phân tích tổng hợp và chuyên sâu, bao gồm: Chuyển đổi số trong ngành sản xuất công nghiệp; Chuyển đổi số trong ngành thương mại điện tử; Nguồn nhân lực trong nền kinh tế số: cơ hội và thách thức của Việt Nam. Diễn đàn cũng diễn ra phiên thảo luận với các doanh nghiệp, chia sẻ và phân tích câu chuyện thực tiễn chuyển đổi số tại doanh nghiệp.

Toàn cảnh diễn đàn

Trình bày tham luận tại diễn đàn, TS. Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI cũng cho biết: “Các nhà sản xuất công nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ và tiên phong một cuộc cách mạng bền vững trong thế giới kỹ thuật số. Các tập đoàn và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có vị trí tốt nhất để điều hướng thành công “cơn bão” này là những doanh nghiệp tiên phong nắm lấy các công nghệ và giải pháp sản xuất tiên tiến trong các nhà máy và chuỗi cung ứng của họ, tạo ra giá trị và cải thiện hoạt động đồng thời tăng tính bền vững. Để thành công trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của Cách mạng công nghiệp 4.0 (4IR), các nhà máy của doanh nghiệp phải hoạt động theo một cách mới. Điều đó đòi hỏi sự tập trung mạnh mẽ vào việc xác định các vấn đề và sau đó tạo ra các giải pháp chứ không chỉ thêm các công cụ gia tăng vào các quy trình hiện có.”

Chuyển đổi số không chỉ là hoạt động đầu tư và vận hành công nghệ số mà là quá trình ứng dụng công nghệ để tạo ra hoặc thay đổi các quy trình quản trị doanh nghiệp, phương thức kinh doanh, văn hóa và trải nghiệm khách hàng đáp ứng yêu cầu của thị trường. Điều này đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp phải có khả năng thúc đẩy đổi mới, hiểu đúng về năng lực số, có chiến lược chuyển đổi số phù hợp và hiệu quả với hiện trạng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần đảm bảo và duy trì một tinh thần sáng tạo, một tâm thế sẵn sàng tiếp nhận cái mới của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp.

BÙI TIẾN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT