web analytics

Chuyển đổi số – Bài 1: Cơ hội và thách thức 23/09/2019

(KDTT) – Chuyển đổi số là cánh cửa để Việt Nam tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây cũng là vận hội, thời cơ để các nước đang phát triển như Việt Nam có thể bắt kịp, đi cùng và vượt lên.

Triển lãm công nghệ thông tin tại Hội thảo “Chuyển đổi số, kết nối chia sẻ dữ liệu hoàn thiện chính quyền điện tử”. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra trên thế giới với tốc độ cao, tác động đến nhiều lĩnh vực và các mối quan hệ trong nền kinh tế toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp để tăng năng lực cạnh tranh. Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chuyển đổi số mang lại mức tăng khoảng 6% cho GDP năm 2017, năm 2019 được dự đoán là 25% và từ năm 2021 là 60%.

Thuận lợi để chuyển đổi số

Chuyển đổi số (Digital transformation) là việc tích hợp công nghệ và kỹ thuật số vào từng ngóc ngách trong quá trình hoạt động của tổ chức, với mục tiêu chính là gia tăng hiệu quả vận hành, năng cao sự hài lòng của khách hàng và hơn nữa là tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Đứng trước trào lưu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, cần có nhận thức và chủ trương kịp thời, từ đó tạo ra sự thống nhất trong toàn xã hội. Thêm vào đó, ý chí và khát vọng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và con người Việt Nam về mục tiêu chung xây dựng đất nước hùng cường sẽ tạo đà cho Việt Nam chuyển đổi số thành công.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Nếu chúng ta xây dựng được chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển”.

Tính đến cuối năm 2018, gần 70% người dân Việt Nam đang sử dụng internet. Theo số liệu thống kê của tập đoàn Miniwatts Marketing, Việt Nam hiện xếp thứ 13 trong nhóm 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng internet đông nhất thế giới. Việt Nam đứng thứ 25/39 trong danh sách các quốc gia được nghiên cứu có tỷ lệ người dân sở hữu điện thoại thông minh (smartphone) trong tổng dân số nhiều nhất trên thế giới, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, Việt Nam cũng là một quốc gia có sự gia tăng số lượng người dùng điện thoại thông minh cao nhất thế giới với mức tăng trưởng khoảng 18% (giai đoạn 2015-2019). Đây được xem là một thuận lợi của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số.

Trong quá trình chuyển đổi số, Việt Nam có một lợi thế nữa là không bị áp lực và tổn thất lớn do phải chuyển đổi từ mô hình cũ, công nghệ cũ như những quốc gia sớm phát triển công nghiệp. Hiện tại, các công ty công nghệ thông tin, hạ tầng công nghệ và tỷ lệ sử dụng công nghệ tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có nguồn nhân lực trẻ, thông minh, ham học hỏi, sáng tạo và có khát vọng làm giàu. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Với những lợi thế đó, quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Còn nhiều khó khăn

Trải nghiệm sản phẩm VNPT Check (truy xuất nguồn gốc của sản phẩm). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Tuy có nhiều thuận lợi để thực hiện chuyển đổi số, nhưng Việt Nam vẫn đang là nước có mức thu nhập trung bình thấp nên quá trình chuyển đổi số còn nhiều khó khăn và thách thức.

Hiện tại, khung pháp lý, hành lang chính sách về công nghệ thông tin và truyền thông chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được vai trò kiến tạo cho phát triển kinh tế trong cách mạng công nghiệp, chuyển đổi số. Hạ tầng công nghệ cũng chưa đồng bộ, chưa có nền tảng cho công nghiệp công nghệ cao. Mức đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ và sáng tạo, đào tạo nhân lực công nghệ thông tin còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông Số Việt Nam (VDCA) cho rằng: Quốc hội và Chính phủ cần sớm xây dựng, ban hành các luật, khung pháp lý trong các lĩnh vực liên quan đến đổi mới, sáng tạo để kiến tạo, khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0, đặc biệt là tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Quan trọng hơn nữa, Chính phủ phải là khách hàng lớn nhất cho các dự án về ứng dụng công nghệ 4.0, cung cấp dịch vụ công, triển khai các ứng dụng về đô thị thông minh…

Sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin hiện cũng là khó khăn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Đầu năm 2019, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Viettel phát đi thông báo tuyển dụng tới 500 nhân sự công nghệ thông tin. Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT IT) thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tháng 4/2019 cũng thông tin tuyển 500 kỹ sư công nghệ thông tin, cả Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam hiện cần thêm 5.000 kỹ sư công nghệ thông tin. Để có nhân sự công nghệ thông tin, Tập đoàn Vingroup đã ký kết hợp tác với hơn 50 trường đại học để tiếp nhận khoảng 100.000 sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin trong vòng 10 năm tới.

Theo thống kê trên nền tảng tuyển dụng chuyên công nghệ thông tin TopDev (Công ty cổ phần Applancer), dự kiến Việt Nam thiếu hụt 190.000 nhân lực công nghệ thông tin vào năm 2021. Thêm vào đó, trong số 50.000 cử nhân công nghệ thông tin ra trường mỗi năm, chỉ có 30% đáp ứng được yêu cầu công việc và có thể làm việc được ngay, 70% phải đào tạo bổ sung ngoại ngữ, các kỹ năng mềm và công nghệ mới. Thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin chắc chắn sẽ là khó khăn không dễ giải quyết của Việt Nam.

Trong quá trình chuyển đổi số, một vấn đề được nhắc đến nhiều nhất là vấn đề đảm bảo an toàn an ninh cho chuyển đổi số thành công và an toàn. Dự kiến từ năm 2000 đến 2020, số lượng thiết bị được kết nối internet tại Việt Nam sẽ tăng từ 1 tỷ lên 50 tỷ thiết bị. Việc gia tăng kết nối số phục vụ nhu cầu chia sẻ dữ liệu là yếu tố quan trọng của quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên lượng dữ liệu được sử dụng càng nhiều thì thách thức an ninh cũng tăng lên khi nguy cơ bị đánh cắp thông tin, tấn công mạng ngày càng gia tăng về quy mô, số lượng và mức độ.

Trước cơ hội chuyển đổi số mang đến cho Việt Nam cũng như để vượt qua những khó khăn, tồn tại, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất Việt Nam cần chọn chiến lược chuyển đổi số gồm ba bước. Đầu tiên, Việt Nam cần đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực, các ngành công nghiệp, đẩy nhanh chuyển đổi số chính phủ. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp, trong xã hội sẽ tăng năng suất lao động và tạo ra các cơ hội tăng trưởng mới. Tiếp đến, Việt Nam cần phải sử dụng số hóa như một lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu. Cuối cùng, Việt Nam cần tiến tới xây dựng thành công nền kinh tế số toàn diện, mọi lĩnh vực được số hóa, hình thành các ngành công nghiệp số mới. Các ngành công nghiệp này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và người dân, Việt Nam có quyền hi vọng vào một sự bứt phá khi chuyển đổi số thành công.

Bài 2: Hạt nhân của công cuộc chuyển đổi số

Theo Báo Tin tức