(KDTT) – Gần đây xuất hiện rất nhiều doanh nhân làm thơ, có những người bỏ tiền túi ra in thành từng tập, thậm chí in thành nhiều tập. Lại có doanh nhân còn in thơ của mình lên bia đá. Xưa nay doanh nhân và nhà thơ được nhìn nhận ở hai lĩnh vực khác nhau… Nhà thơ Bùi Hoàng Tám để có một cái nhìn và những đánh giá khách quan về “hiện tượng” này.
Thơ không “độc quyền” kiểu tác giả
Thơ là một nhu cầu không dành cho riêng ai, không phải độc quền của ai. Nếu như các lĩnh vực như văn xuôi, hội họa hay âm nhạc, tài năng thường nở rộ ở những người lớn tuổi, khi đã có sự từng trải (trừ trường hợp thiên tài âm nhạc Mô-da tài năng được công nhận khi mới 3 – 4 tuổi ) thì trong Thơ, từ xưa đến nay lại có rất nhiều thần đồng, thậm chí nhiều người sắp qua đời vẫn viết thơ. Chứng tỏ “thơ không có tuổi”.
Như vậy doanh nhân làm thơ là một hiện tượng rất bình thường, là nhu cầu tất yếu của cuộc sống cần giải tỏa.
Càng ngày, nhu cầu cần giải tỏa của doanh nhân càng lớn hơn, “thương trường là chiến trường” chính vì vậy họ tìm đến thơ để giải tỏa. Thơ như một liệu pháp để giảm stress, để giữ lại những bình yên và sự cân bằng trong cuộc sống của họ.
Thơ là một thú chơi
Doanh nhân cũng như mọi tầng lớp của xã hội. Phẩm chất lớn nhất, cái họ dành tâm huyết nhất là kinh doanh. Với họ thơ như một thú chơi, một sự thư giãn để thăng bằng lại con người. Vì vậy không thể so sánh chất lượng thơ của họ với những nhà thơ chuyên nghiệp. Nhưng không vì thế mà thơ họ không hay. Đó là sự chắt lọc từ cuộc sống, là những tâm tư tình cảm cũng như những khát vọng, mong ước cháy bỏng trong họ. Nói một cách văn vẻ thì nó là những lời vắt ra từ trái tim họ, là những lời thơ bắt nguồn từ chính cuộc sống của họ. Có thể ngô nghê, có những bài chưa thành thơ nhưng chính sự giản dị, gần gũi ấy đã tạo nên sức hấp dẫn riêng cho thơ của họ. Mà như chúng ta đã biết, “hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần” (Lê Quý Đôn), bởi vậy, theo tôi, khi thơ bắt nguồn từ chính những điều giản dị, những điều bình thường trong cuộc sống thì đều đáng trân trọng.
Trong cuộc đời, có lẽ nhiều người từng một lần có ý định, mong muốn, hay đã định làm thơ. Vì thơ là sự cao quý trong tâm hồn con người. Là những phút lãng mạn, thăng hoa trong tâm hồn. Khó có thể phân biệt sự khác nhau, nhưng những ai có tâm hồn lãng mạn thì thường hay làm thơ nhiều hơn và trong kinh doanh hiện nay cũng rất cần sự “lãng mạn”. Một doanh nhân không có những khát vọng lớn, không có mơ mộng thực hiện được những điều lớn lao thì khó có thể trở thành một doanh nhân lớn được.
Doanh nhân làm thơ không chỉ thể hiện sự nhạy cảm, nhạy bén (yếu tố rất cần trong kinh doanh) mà nó còn thể hiện vốn sống, vốn văn hóa và tính nhân văn trong mỗi con người.
Tất nhiên doanh nhân khác thi sĩ. Thi sĩ có thể “Tâm hồn treo ngược cành cây” còn doanh nhân là những con số, đòi hỏi sự chính xác. Đôi chân của họ phải đặt dưới mặt đất. Những phút thả hồn vào thơ ca chỉ là những phút bất chợt, rồi lại trở về với bản ngã của họ, với bản năng của người làm kinh doanh.
Trong thực tế, tôi đã gặp nhiều trường hợp doanh nhân yêu thơ, nhưng tôi chưa thấy ai vì thơ mà hỏng cơ đồ. Nói thế không có nghĩa là không có. Cách đây ít lâu nhà văn Nguyễn Đình Chính có kể. Không biết là thật hay là nhà văn sáng tác ra, đại khái thế này: Có ông giám đốc sau khi vật lộn với thương trường, ông có một gia tài kha khá. Một lần ông cầm một bản thảo đến tòa soạn. Người biên tập cầm bản thảo xem, thấy cũng bình thường nên trả lại.
Nhìn khuôn mặt bần thần của doanh nhân, khi chào từ biệt, người biên tập mủi lòng, bèn gọi giật lại, chọn một bài khá nhất chỉnh sửa rồi cho đăng tải. Khi làm việc này người biên tập không ngờ rằng mình đã vô tình gây lên một “tội lỗi” bởi từ đó vị doanh nhân nọ lao vào văn chương, suốt ngày thơ phú. Chỉ ba năm sau: Cơ đồ xây dựng bằng mồ hôi công sức đã đội nón ra đi. Từ đó xã hội mất đi một doanh nhân tài ba, nhận về một nhà thơ làng nhàng.
Kể chuyện này tôi không có ý khuyên doanh nhân bỏ đường làm thơ! Nhưng tôi cũng không động viên họ. Bởi tôi biết tôi có khuyên cũng không được. Như đã nói ở trên thơ là một nhu cầu tất yếu, chính đáng của con người. Bởi thế, họ hãy chỉ làm thơ khi những con chữ óc ách trong tâm can và muốn trào ra hằn in lên trang viết.
Họ là những doanh nhân tôi tin họ có đủ nhận thức để nhận ra đâu là sở trường, đâu là sở đoản của mình mà có những điều chỉnh cho hợp lý. Vì thơ là bi kịch của nhân loại. từ ngàn năm nay thi ca vẫn là thánh đường. Nếu có một ai đó “tử” vì đạo thơ thì họ cũng đã tạo nên một kỳ tích siêu phàm.
Giang Chinh