web analytics

Chuẩn bị “chặng bay mới” của nền kinh tế 06/11/2020

(KDTT) – Dù Việt Nam không chủ quan với Covid-19, dồn sức khắc phục hậu quả thiên tai, song các đại biểu Quốc hội cũng lo lắng cho “chặng bay mới” của nền kinh tế.

Những lo lắng trên được các đại biểu Quốc hội bày tỏ khi thảo luận toàn thể về kinh tế, xã hội, ngân sách tại kỳ họp thứ 10 đang diễn ra.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phát biểu tại hội trường.

5 năm đặc biệt quan trọng

Quốc hội khoá XV sẽ quyết định Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025, nhưng Quốc hội khoá XIV vẫn cho ý kiến về kế hoạch này, cùng với những dự kiến triệu tỷ đồng về đầu tư công, tài chính trung hạn.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025 có tầm quan trọng đặc biệt, bởi những khát vọng phát triển đã được lượng hoá với hai cột mốc năm 2030 và 2045. Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

“Từ đây đến năm 2030 chỉ có 2 kế hoạch 5 năm, đến năm 2045 chỉ có 5 kế hoạch 5 năm. Nếu hình dung chúng ta đang chuẩn bị cho chặng bay mới, mà có người còn gọi là Đổi mới vòng 2, thì 10 năm tới, đất nước phải cất cánh, đạt được bình độ cần có và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, từ đó bay nhanh hơn để gia nhập đội ngũ các quốc gia phát triển. 5 năm tới có ý nghĩa quyết định với toàn bộ lộ trình còn lại. Nếu cứ loay hoay, không cất cánh được, hay cất cánh mà không đủ tốc độ và cao độ, thì sau 10 năm sẽ không đạt được bình độ cần thiết. Khi đó, khát vọng sẽ mãi mãi là khát vọng mà thôi”, ông Nghĩa nói.

Để đạt được các cột mốc phát triển trên, theo ông Nghĩa, phải giải quyết một loạt bài toán tăng trưởng, tài chính ngân sách, bảo vệ chủ quyền an ninh, Nhà nước pháp quyền, bảo đảm quyền của dân và huy động sức dân, bằng những giải pháp, kế hoạch hành động được xây dựng như những đề án khả thi, khoa học và cụ thể.

Ông Nghĩa nhấn mạnh, công việc này liên quan đến đặc điểm thứ hai, đó là điều kiện bình thường mới diễn ra trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Vì thế, chẳng những không thể xây dựng các mục tiêu như cũ, mà cơ chế và phương thức thực hiện cũng không thể như trước.

“Đặc điểm thứ hai này, tôi chưa thấy thể hiện rõ trong nội dung Kế hoạch 5 năm tới. SARS-Cov-2 hay là các biến thể 3-4 -5 của nó có thể làm phá sản mọi dự tính, tham vọng của những quốc gia tiên tiến nhất, nhưng cũng có thể đưa một nước đang phát triển vượt lên đuổi kịp các nước phát triển, nếu có chiến lược khôn ngoan, có bộ máy lãnh đạo năng lực, liêm khiết, giữ được niềm tin và biết cách huy động được trí tuệ, tâm huyết của nhân dân”, ông Nghĩa phát biểu.

Cũng quan tâm đến kế hoạch 5 năm tới, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đồng tình với mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Chính phủ đề xuất, nhưng cho rằng, đây là mục tiêu đầy thách thức nếu nhìn vào thực tiễn tăng trưởng suốt hơn một thập kỷ qua.

“Từ năm 2010 đến 2019, GDP của Việt Nam chỉ tăng trung bình 6,3%/năm. Nếu tính thêm cả năm 2009 và 2020, con số còn thấp hơn nữa. Bởi vậy, việc đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình 6,5-7% trong 5 năm tới, theo tôi, là mục tiêu rất gian nan”, ông Lộc nhìn nhận.

Cân nhắc kỹ chỉ tiêu 2021

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước là nội dung đã được đưa vào mục tiêu tổng quát trong Dự thảo nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2021. Trong các chỉ tiêu chủ yếu được nêu tại Dự thảo, chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) được xác định tăng khoảng 6% so với năm 2020, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6% là cao, vì tình hình dịch bệnh khó lường, thiên tai biến đổi khí hậu đang xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề ở hầu hết các tỉnh. “Cần xem xét lại chỉ tiêu này cho hợp lý”, ông Tiến đề nghị.

Vẫn theo đại biểu Tiến, chỉ tiêu quy mô GDP bình quân đầu người dự kiến đạt khoảng 3.700 USD là quá cao, vì năm 2020, bình quân mới đạt 2.750 USD. Vì vậy, cần xem lại tính khả thi của chỉ tiêu này.

Bày tỏ vẫn còn băn khoăn với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm sau, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) phân tích, đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tác động tiêu cực trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Kinh tế và thương mại thế giới suy giảm, diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, thiên tai, bão lũ vừa qua ở một số tỉnh miền Trung gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến kinh tế của cả nước. Chính phủ cần có các kịch bản, phương án, giải pháp cụ thể để giảm thiểu thiệt hại từ Covid-19 trong điều kiện bình thường mới.

Cần phải xây dựng và đánh giá kỹ từng kịch bản tăng trưởng cũng là góp ý của một số đại biểu khác với kế hoạch của năm 2021.

Xác định giải pháp cho kế hoạch năm tới, báo cáo của Chính phủ, của các ủy ban của Quốc hội đều nhấn mạnh việc tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh.

Đồng tình với các giải pháp này, nhiều đại biểu nhấn mạnh yêu cầu phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng và công trình trọng điểm quốc gia; phát huy vai trò các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số… để có thể khắc phục những hạn chế nhiều năm được nêu đi nêu lại tại nghị trường.

Ý KIẾN – NHẬN ĐỊNH

Tốc độ tăng nợ công cao hơn nhiều tốc độ tăng GDP.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang)
Nợ công năm 2020 dự kiến vượt 3,6 triệu tỷ đồng, nghĩa vụ trả nợ gốc lẫn lãi khoảng 360.000 tỷ đồng. Năm 2021, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 368.276 tỷ đồng, nợ công vượt mốc 4 triệu tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, nợ công khoảng 46,1% GDP đánh giá lại và khoảng 58,6% GDP chưa đánh giá lại, chưa vượt trần, song nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách có thể vượt mức 27,4%. So với nợ công ngày 31/12/2016, thì 5 năm tăng 56,6%, bình quân tăng 11,32%/năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Với tốc độ như vậy, rủi ro thanh khoản và lãi suất đều cao hơn. Do đó, cần có giải pháp quyết liệt, hiệu quả, tiết kiệm hơn trong sử dụng đồng vốn này.

Đầu tư đúng mức cho phòng chống thiên tai.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam)
Thiên tai dồn dập, “bão chồng bão, lũ chồng lũ” đổ vào các tỉnh miền Trung hơn 1 tháng qua. Chúng ta chưa thể thống kê đầy đủ những mất mát, thiệt hại to lớn về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững giai đoạn tới, trong chủ trương đầu tư công, phải chú trọng trước hết cho các chương trình, dự án bảo đảm bền vững cho việc duy trì, phát triển thành quả phát triển từ giai đoạn trước, đầu tư đúng mức cho phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và đầu tư trang thiết bị chuyên dùng cho lực lượng phòng cứu hộ, cứu nạn…
Cần thay đổi thói quen trong báo cáo hàng năm.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên)
Tôi rất mong Chính phủ cần thay đổi một thói quen trong các báo cáo hằng năm, nếu không rất có thể sẽ tạo thành căn bệnh đùn đẩy, né tránh trong việc làm rõ, xử lý trách nhiệm. Đó là việc đánh giá chung chung những tồn tại, hạn chế, mà không chỉ mặt đặt tên, gắn địa chỉ cụ thể. Chính phủ nói một số địa phương, cơ quan, đơn vị; Chính phủ nêu có lúc, có nơi…, thì chắc chắn không chỉ là một số mà phần lớn các bộ, ngành, địa phương sẽ nghĩ, Chính phủ nói ai thôi, không phải nói mình đâu.
Tôi cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc làm rõ, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế ở từng nội dung, lĩnh vực vì thiếu trách nhiệm để xảy ra sai sót, gây tốn kém nguồn lực càng cần phải được quan tâm, xử lý với tinh thần thẳng thắn, quyết liệt gấp đôi, gấp ba.
Giảm phụ cấp đại biểu Quốc hội, dồn lực ứng phó thiên tai.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị)
Trong khi cả nước đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, thì người dân vùng thiên tai đang gặp khó khăn kép, đại dịch chưa qua, bão lũ lại hoành hành.
Thời gian qua, Chính phủ đã tiết kiệm nhiều khoản chi tiêu, không chỉ lúc này và cả năm sau, năm sau nữa. Tôi đề nghị đặt ra mục tiêu cao hơn trong tiết kiệm chi thường xuyên, ngoài hoãn tăng lương, có thể giảm cả phụ cấp của các cấp, ngành, kể cả đại biểu Quốc hội, để dồn lực ứng phó với thiên tai.

AN NGUYÊN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn link gốc: https://baodautu.vn/chuan-bi-chang-bay-moi-cua-nen-kinh-te-d132724.html