(KDPT) – Trọng tâm những năm tới của FPT là công nghệ. Vì sao là công nghệ? Vì chúng ta có một thị trường gần như không giới hạn trên thế giới. Vấn đề là chúng ta vượt lên bản thân như thế nào, làm sao để tạo một đội ngũ nhân lực đủ đáp ứng được nhu cầu thị trường, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nói.
Xuất thân là một công ty công nghệ thực phẩm vào năm 1988, sau hơn 30 năm phát triển Tập đoàn FPT (FPT) hiện được biết đến là một doanh nghiệp đầu tư tại nhiều lĩnh vực từ tài chính, bán lẻ, thương mại điện tử đến viễn thông, công nghệ, vốn điều lệ đạt hơn 6.788 tỷ đồng.
Mặc cho doanh thu cùng lợi nhuận hàng năm tăng trưởng mạnh, tuy nhiên đường lối cốt lõi của doanh nghiệp vẫn chưa thực sự rõ ràng với giới đầu tư, thể hiện qua niềm tin với cổ phiếu giảm sút mạnh giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018.
Và, khẳng định mạnh mẽ tại Hội thảo đầu tư mới đây, Chủ tịch Trương Gia Bình cho biết: “Trọng tâm những năm tới của FPT là công nghệ. Vì sao là công nghệ? Chúng ta có một thị trường gần như không giới hạn trên thế giới. Vấn đề là chúng ta vượt lên bản thân như thế nào, có đáp ứng được nhu cầu lớn hay không? Và làm sao để đáp ứng thì tùy thuộc vào mức độ đầu tư và giáo dục của FPT như thế nào?, để tạo một đội ngũ nhân lực đủ đáp ứng được nhu cầu thị trường”.
Điều này nghe có vẻ không mới mẻ, khi thực tế mảng công nghệ những năm trở lại đây đóng góp chủ lực cho đà tăng của FPT, năm 2016 Công ty đã cùng với các tập đoàn thế giới trong cuộc cách mạng số như GE, AWS, Microsoft mở 2 văn phòng tại Hàn Quốc và Trung Quốc. Năm ngoái, FPT cũng hoàn thành thương vụ mua công ty tư vấn công nghệ hàng đầu của Mỹ là Intellinet và sở hữu 90% cổ phần.
Kết thúc năm 2018, tỷ trọng mảng công nghệ chiếm đến 60% tổng doanh thu Tập đoàn, đồng thời doanh thu chuyển đổi số trên tổng doanh thu xuất khẩu phần mềm FPT vào mức 20%.
Chủ tịch Trương Gia Bình cùng các lãnh đạo chủ chốt FPT chia sẻ công cuộc chuyển đổi số của Tập đoàn.
Vấn đề ở đây là, công nghệ là một khái niệm bao hàm rất nhiều yếu tố, vậy FPT sẽ phát triển công nghệ gì, phát triển như thế nào, đặc biệt giới hạn và rủi ro Tập đoàn đang phải đối mặt là gì?
“Cứ 10 doanh nhân đã có 9 người chuyển đổi số, và 1/3 số CEO này thừa nhận kết quả cao”
Hạ hồi phân giải vấn đề, ban lãnh đạo FPT dẫn chứng công cuộc chuyển đổi số toàn cầu đang diễn ra khá nhanh, ghi nhận bởi IDG, tính đến năm 2018 đã có khoảng 90% các tổ chức và doanh nghiệp có kế hoạch phát triển, triển khai chuyển đổi số. Trong đó, ghi nhận đến 32% các nhà quản lý công nghệ thông tin (CNTT) khẳng định chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ và đem lại lợi nhuận cao. Với những lợi ích trên, chuyển đổi số (DX – Digital Transformation) toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ 16,7% mỗi năm, từ mức 1.071 tỷ USD năm 2018 lên 1.702 tỷ USD đến năm 2021. So sánh với CNTT kỳ vọng tốc độ tăng trưởng quân bình vào mức 2,6%/năm, từ quy mô thị trường 3.474 tỷ USD năm 2018 để đạt 4.046 tỷ USD đến năm 2021.
“Cuộc đua DX mới bắt đầu. Hàng tháng những đơn vị trong lĩnh vực DX luôn thay đổi toàn diện website của mình. Đâu đó khoảng 15-20 năm tới, tất cả các nhà hoạch định chính ngân sách IT chuyển sang ngân sách DX. Tính đến hiện tại, cứ 10 doanh nhân đã có 9 người làm, và 1/3 số CEO này thừa nhận kết quả cao”, Chủ tịch FPT nhấn mạnh.
Tính đến hiện tại, cứ 10 doanh nhân đã có 9 người làm, và 1/3 số CEO này thừa nhận kết quả cao.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – cách mạng số – đang thay đổi toàn diện cách con người sống, làm việc và giao tiếp dựa trên ứng dụng các công nghệ như IoT, AI, Phân tích dữ liệu lớn, Robotics. Đây cũng là một cơ hội đặc biệt để FPT thay đổi mạnh mẽ và đạt những thành công nhảy vọt trong kinh doanh với các mục tiêu lớn trong giai đoạn 3 năm tới, bao gồm trở thành một doanh nghiệp số và là công ty hàng đầu thế giới về dịch vụ chuyển đổi số.
Thực tế, FPT đã sớm tham gia thị trường chuyển đổi số toàn cầu, tính đến hiện tại Công ty đã có trên 100 khách hàng trong Fortune Global 500, thuộc top 30 công ty SI tại Nhật Bản, quy mô dự án vượt 100 triệu USD. Trên trường quốc tế, FPT đang nắm 22% tỷ trọng thị trường Mỹ, 9% tỷ trọng tại châu Âu, con số tại APAC là 14% và đạt 56% tỷ trọng tại Nhật Bản.
Chuyển đổi số sẽ đóng góp 1 tỷ USD cho mảng công nghệ
Đặt kế hoạch cho thời gian tới, ban lãnh đạo FPT cho biết tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số toàn cầu, mục tiêu thu về 1 tỷ USD trong 3 năm tới với tốc độ tăng trưởng hàng năm lên đến 40-45%, tương đương mức đóng góp doanh thu khối công nghệ từ thị trường nước ngoài là 73% đến năm 2021.
Trục hành động theo đó sẽ gồm 3 giai đoạn:
(i) Phát triển nguồn nhân lực: FPT dự kiến sẽ phát triển số kỹ sư công nghệ từ mức 16.000 người (năm 2018) lên 27.000 thành viên. Đối với chuyên gia tư vấn Intellinet, Tập đoàn dự kiến sẽ M&A tại thị trường Nhật, châu Âu.
Hiện, FPT đang đào tạo 34.000 sinh viên chuyên ngành mới AI, IoT, Data science… sau 3 năm con số mục tiêu sẽ tăng đến 90.000 sinh viên, đồng thời chuyên ngành đào tạo cũng sẽ mở rộng để bắt kịp xu hướng mới.
(ii) Đầu tư công nghệ: Hàng năm, Tập đoàn sẽ chi 5% lợi nhuận để phát triển công nghệ, đặc biệt đầu tư mạnh vào các nền tảng mới nhất như Big data, AI, IoT (điện toán đám mây), Blockchain…
Hiện Tập đoàn đang sở hữu các sản phẩm và giải pháp công nghệ gồm FPT AI, AkaBot (RPA Tools & Solution), AkaChain (Business Blockchain Platform), AkaWork (DevOps Tools & Solution)…
(iii) Chuyển đổi số: Tập đoàn dự chuyển đổi hệ thống CNTT truyền thống riêng biệt – gồm Trung tâm dữ liệu, Mô hình thác nước… – phụ thuộc vào cách vận hành với trọng tâm là quy trình; sang doanh nghiệp số dưới mô hình hệ sinh thái – gồm IoT, Mô hình Agile và DevLops… – trong đó CNTT sẽ giúp tăng doanh số với dữ liệu là trọng tâm.
Cơ cấu doanh thu giai đoạn 2016-2018 và dự kiến 2019-2021.
Với những luận điểm trên, FPT dự kiến doanh thu giai đoạn 2019-2012 tăng trưởng gần 18%, lợi nhuận tương ứng tăng hơn 20%/năm. Đến năm 2021, doanh thu Tập đoàn kỳ vọng vào mức 28.000 tỷ đồng, bao gồm mảng công nghệ đóng góp 60% tỷ trọng, kế đến là viễn thông với 33%, 7% còn lại từ lĩnh vực giáo dục, đầu tư…
Tựu trung lại, về giới hạn hiện nay mảng công nghệ theo FPT là không có, rủi ro đối mặt cũng chỉ dừng lại ở bài toán nhân sự: “Chúng ta có đủ nguồn nhân lực hay không?”. Với mục tiêu của FPT 10 năm sẽ thuộc Top 50 công ty làm dịch vụ chuyển đổi số quy mô toàn cầu. Cơ cấu đầu tư theo đó sẽ tập trung mảng công nghệ, tuy nhiên bước đệm sẽ phải có nguồn nhân lực. Do vậy, trước mắt FPT sẽ đẩy mạnh mảng nhân lực, thời gian tới sẽ nhân rộng quy mô, phần mềm quản lý khắp Việt Nam để tận dụng nguồn nhân lực trẻ nội địa.
Về hoạt động kinh doanh, ước tính 5 tháng đầu năm, FPT đạt doanh thu 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.700 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 23% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: CafeBiz.vn