web analytics

Chủ động tránh hạn mặn, giữ vững diện tích và năng suất lúa vụ Đông Xuân 14/10/2020

(KDTT) – Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), thời tiết những tháng cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 tiếp tục có những diễn biến bất thường do tác động của biến đổi khí hậu. Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chủ động trong gieo cấy thời vụ lúa Đông Xuân 2020-2021để tránh thiệt hại do hạn, mặn vào cuối vụ.

Chủ động làm đất chuẩn bị gieo cấy sớm, tránh hạn mặn cho vụ đông xuân.

Tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ thu đông, vụ mùa năm 2020 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021 ở vùng Nam Bộ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc bộ và địa phương thực hiện tốt giải pháp về thời vụ trong vụ Đông Xuân 2020-2021 để tránh hạn, mặn. Theo đó, yêu cầu các địa phương vùng ĐBSCL chủ động đẩy sớm thời vụ sản xuất lúa Đông Xuân 2020-2021 để tránh hạn, mặn vào cuối vụ. Các địa phương ven biển có nguy cơ bị hạn mặn cao cần khẩn trương gieo sạ sớm ngay từ tháng 10-2020.

Liên tục nhiều vụ lúa qua, nông dân ÐBSCL đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, hạn mặn, thiên tai và nhiều loại dịch hại diễn biến phức tạp. Ðặc biệt, vụ lúa Đông Xuân 2019-2020 và Hè Thu 2020 gặp khó khăn về nguồn nước do hạn hán và ảnh hưởng của xâm nhập mặn mang tính lịch sử. Song, nhờ công tác chỉ đạo, tổ chức sản xuất được thực hiện tốt, nhất là kịp thời điều chỉnh, đẩy sớm thời vụ phù hợp điều kiện nguồn nước đã hạn chế thấp nhất thiệt hại, giúp các vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu thắng lợi. Còn vụ lúa Thu Đông 2020, với điều kiện thuận về giá đầu ra và lũ thấp, cũng hứa hẹn vụ mùa thắng lợi. Ðây là những tiền đề thuận lợi và bài học kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn để các địa phương vùng ÐBSCL tiếp tục sản xuất thành công vụ lúa Đông Xuân 2020-2021.

Trên quan điểm giữ vững diện tích và năng suất, sản lượng lúa, Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNTT diện tích sản xuất lúa Đông Xuân 2020-2021 tại ÐBSCL cố gắng đảm bảo khoảng 1,55 triệu ha, xấp xỉ so vụ đông xuân trước, sản lượng xấp xỉ đạt 11 triệu tấn, đây là sự phấn đấu mới trong tình hình có nhiều yếu tố bất lợi về sản xuất.

Do đó, phải đẩy thời vụ sớm lên, thực hiện gieo sạ sớm ngay trong tháng 10 để đảm bảo an toàn. Cần ưu tiên chọn sản xuất nhóm giống chất lượng cao, ngắn ngày để giảm rủi ro do hạn mặn, nhất là các địa phương ven biển. Tiếp tục hỗ trợ nông dân đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm giá thành sản xuất, đảm bảo chất lượng và an toàn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường… Giữ tỷ lệ ở mức cao các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao đang có ưu thế tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, lưu ý tỷ lệ lúa nếp tối đa chỉ 12% trên tổng diện tích. Ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh: “Trong tháng 10/2020, chúng ta phải cố gắng xuống giống đạt 400.000 ha như vụ Đông Xuân 2019-2020, nhất là ở các địa phương ven biển có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ. Tháng 11 và tháng 12, xuống giống đạt xấp xỉ khoảng 1,2 triệu ha và chúng ta phải hạn chế tối đa việc xuống giống vào tháng 1/2021 ở tất cả các vùng của ÐBSCL”.

Bên cạnh đẩy sớm thời vụ và chủ động có kế hoạch tích trữ nguồn nước, vận hành tốt các công trình thủy lợi đảm bảo sản xuất, các địa phương cũng tăng cường hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng chống hạn, mặn và giải pháp kỹ thuật để giảm chi phí, đảm bảo hiệu quả sản xuất. Ðặc biệt, áp dụng các giải pháp kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, chú ý tiết kiệm lượng giống và chọn giống lúa phù hợp cho từng vùng để thích ứng hạn mặn và đáp ứng tốt yêu cầu thị trường. Những vùng gần biển thì ưu tiên chọn sạ các giống lúa ngắn ngày có khả năng chịu mặn cao, vùng xa biển ưu tiên sạ lúa thơm, chất lượng cao…

Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, tỉnh xác định quyết tâm gieo sạ sớm lúa Đông Xuân ngay từ tháng 10 và kết thúc việc xuống giống vào tháng 12/2020. Tỉnh tiếp tục giữ ổn định tỷ lệ gieo sạ lúa thơm, đặc sản ở mức 30%, lúa chất lượng cao 60%, lúa cấp trung bình nhưng được thị trường ưa chuộng (như IR 50404) dưới 10% tổng diện tích gieo sạ.

Vụ đông xuân 2020-2021, TP Cần Thơ dự kiến xuống giống gieo trồng hơn 76.000 ha lúa. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng, cho biết: “Ðể sản xuất thắng lợi vụ lúa Đông Xuân 2020-2021 trong điều kiện lũ thấp, dự báo hạn mặn có khả năng gay gắt, Cần Thơ đã chủ động chuẩn bị nguồn giống và xây dựng kế hoạch để bố trí gieo trồng phù hợp. Thành phố dự kiến xuống giống 2 đợt, đợt 1 khoảng từ ngày 5 đến 11/11/2020, đợt 2 dự kiến khoảng từ ngày 20 đến 26/11/2020”.

Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ÐBSCL, cho biết: “Ðể hỗ trợ nông dân sản xuất lúa gạo trong điều kiện ảnh hưởng của BÐKH, Viện đã phối hợp Cục Trồng trọt và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia biên soạn tài liệu hướng dẫn biện pháp kỹ thuật canh tác lúa trong điều kiện hạn mặn ở ÐBSCL. Trong đó, chỉ rõ các biện pháp nhằm phòng chống hạn mặn từ trước khi xuống giống, đến quá trình canh tác, quản lý nước và thu hoạch. Các địa phương cần quan tâm phổ biến cho bà con nông dân. Hiện nay, viện cũng phối hợp với các đơn vị liên quan để đánh giá, chuẩn hóa giống lúa thơm Jasmine 85 và một số giống khác”.

LÂM KHANH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT