web analytics

Chính sách và cuộc sống: Sự chững lại của cải cách 26/08/2019

(KDTT) – Bước sang năm nay, người ta dường như không còn cảm nhận được bầu không khí cải cách mạnh mẽ vì môi trường thuận lợi cho kinh doanh như trước. Điều đáng nói hơn tất nhiên là tiến trình cải cách có vẻ chững lại và hiệu quả cải cách tiếp tục là mối băn khoăn lớn.

Không nhìn đâu xa, Nghị quyết 02 của Chính phủ nhấn mạnh trước tháng 6.2019, các bộ, ngành phải hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, cả quý I trôi qua mà không có văn bản mới về quản lý, kiểm tra chuyên ngành được ban hành. Sự rối rắm của thủ tục kiểm tra chuyên ngành tiếp tục được nêu trong cuộc làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ, ngành vài ngày trước.

Một trường hợp điển hình là Thông tư số 21/2017 của Bộ Công thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyte và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may (có hiệu lực từ ngày 1.5.2018, sau đó lùi hiệu lực thi hành đến ngày 1.1.2019) đã và đang tiếp tục gây khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí của doanh nghiệp trong kiểm tra formaldehyte. Trong đó, yêu cầu áp dụng kiểm tra hợp quy theo lô không những không giảm gánh nặng cho doanh nghiệp mà thậm chí còn gây tốn kém hơn nhiều so với trước, vì vừa mất thời gian và chi phí kiểm tra theo lô như trước đây, vừa tốn kém thời gian và chi phí cho việc dán tem QR. “Hiện có 6.000 doanh nghiệp dệt may, tỷ lệ vi phạm về formaldehyte rất nhỏ nhưng 100% doanh nghiệp bị kiểm tra, vậy có thể thay đổi hình thức kiểm tra phù hợp không?”. Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ đặt câu hỏi như vậy, nhưng thật khó đoán khi nào ông mới nhận được câu trả lời trên thực tế.

Tiến độ của cải cách cho đến thời điểm này vẫn rất chậm chạp so với mục tiêu bởi có quá nhiều tầng nấc, khía cạnh đang cản trở. Nhiều bộ, ngành thống kê bãi bỏ được hàng trăm điều kiện kinh doanh nhưng thực tế, họ hoặc là gộp số bãi bỏ và số sửa đổi, hoặc chuyển sang phương thức khác hay một điều kiện nhưng có nhiều điều kiện nhỏ bên trong. Các bộ ngành cũng có nhiều cách đối phó như chuyển sang quy chuẩn, tiêu chuẩn. Cán bộ thực thi ở cấp dưới vẫn tìm nhiều cách để làm khó người thực hiện thủ tục.

Nếu tiến trình cải cách chững lại và kém thực chất thì quản lý nhà nước trở nên đắt đỏ và đáng lo hơn là tạo ra nguy cơ nền kinh tế ngầm. Trong thực tế đã có một số doanh nghiệp lớn dùng chiêu bài vận động chính sách để Nhà nước dựng lên những hàng rào thật cao, chặn những người mới tham gia thị trường để khỏi phải lo cạnh tranh. Không ít doanh nghiệp đang dùng tiền để tìm kiếm sự thỏa thuận từ cơ quan giám sát. Đằng sau sự móc ngoặc là sự coi thường pháp luật, lâu dài sẽ thành tình trạng nhờn luật. Những hiệu ứng dài như vậy thường không được tính đến.

Có lẽ cảm nhận được sự chững lại của chiến dịch cắt giảm điều kiện kinh doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung mới đây cho rằng cần đẩy mạnh truyền thông để làm nóng bầu không khí cải cách. Sự đúng đắn của đề xuất này đã được chứng thực trong những năm đầu nhiệm kỳ, khi cả nước hừng hực khí thế cải thiện môi trường kinh doanh. Bộ này nhìn bộ kia, nơi nào cũng đặt mục tiêu cắt giảm hàng chục phần trăm điều kiện không cần thiết để rồi đến cuối năm có những con số đẹp được đưa ra.  Nhưng thực tế không được như kỳ vọng.

Giả sử, một văn bản làm khó doanh nghiệp (nhưng lại có “lợi” cho bộ) nhiều năm mà lãnh đạo bộ đó, ngành đó vẫn “bình yên vô sự” thì hà cớ gì phải sửa đổi?  Suy cho cùng, chỉ có hành động thực chất, quyết liệt bằng việc giám sát, xử lý các bộ, ngành không bãi bỏ điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đã yêu cầu; kỷ luật người đứng đầu, người chịu trách nhiệm chính – mới là liệu pháp hiệu quả để duy trì khí thế cải cách cũng như tạo được chuyển biến thực chất.

Theo daibieunhandan.vn