web analytics

Châu Phi với Nghị sự 2063: Đường dài đến đích xa 10/07/2019

(KDTT) – Khu vực mậu dịch tự do châu lục châu Phi (AfCFTA) vừa được Liên minh châu Phi quyết định hình thành. Không thể phủ nhận là châu lục này đang có bước chuyển giai đoạn lịch sử, mở ra thời kỳ phát triển và hội nhập mới. Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.

Các đối tác bên ngoài sẽ phải điều chỉnh chiến lược và chính sách đối với châu lục. (Biếm họa của Land Grab Africa)

Tại hội nghị cấp cao thường niên vừa rồi ở thủ đô Niamey của Niger, Liên minh châu Phi (AU) đã chính thức hình thành Khu vực mậu dịch tự do châu lục châu Phi (AfCFTA). Ngoài Eritrea, tất cả 54 trong tổng số 55 thành viên của AU tham gia AfCFTA, tạo thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất hiện tại trên thế giới với 1,3 tỷ người tiêu dùng và 3400 tỷ USD GDP tổng cộng.

AU gửi gắm ở đó kỳ vọng lớn về có được động lực mới, mang tính quyết định cho một kỷ nguyên tăng trưởng mới của châu lục. AfCFTA là nội dung cốt lõi và quan trọng nhất của Chương trình nghị sự 2063 được AU thông qua hồi tháng 5/2013.

Thay đổi cuộc chơi

Cho tới nay, các tổ chức hợp tác, liên kết và nhất thể hoá khu vực cũng như châu lục trên thế giới đều đề ra chiến lược hay chương trình phát triển dài hạn, nhưng cho thời gian dài tận những nửa thế kỷ thì AU là đầu tiên và duy nhất. Xem ra, AU rất “biết mình” và “biết thời thế” nên mới định ra đích xa như thế và chuẩn bị tinh thần cũng như tâm thế cho cuộc hành trình dài để đến được đích xa ấy.

Chương trình nghị sự 2063 này của AU bao gồm 14 sáng kiến. Ở hội nghị cấp cao năm nay của AU, việc đưa vào hoạt động AfCFTA dường như lấn át tất cả. Cũng phải thôi bởi việc thực hiện những nội dung còn lại của Chương trình nghị sự 2063 cho đến nay không được thuận lợi và thành công nhiều đối với AU. Nguyên do không phải bởi AU nói chung và các thành viên nói riêng thiếu kiên định quyết tâm hay nội bộ chia năm xẻ bẩy mà chủ yếu và trước hết không đủ thực lực và những điều kiện khách quan không được thuận lợi như AU đã trù liệu.

Chẳng hạn như một mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2063 này là cho đến năm 2020 có được tình trạng ngừng giao tranh vũ trang trên khắp châu lục. Có thể chắc chắn được là, AU không thể đạt được mục tiêu này trong năm 2020 và không biết đến khi nào mới có thể đạt được nó. Không có hoà bình, an ninh và ổn định – tức là nếu không chấm dứt được chiến tranh, nội chiến, xung khắc bạo lực trên châu lục – cho châu lục thì AU không thể có được những điều kiện và tiền đề thuận lợi cần thiết để thực hiện thành công những mục tiêu cao xa đã được đề ra kia.

Ở Niamey, tính từ được sử dụng nhiều nhất và thường xuyên nhất để các thành viên AU đánh giá về AfCFTA là “lịch sử” trong cụm từ “ý nghĩa lịch sử” hay “sự kiện lịch sử”. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhìn nhận sự ra đời của AfCFTA “làm thay đổi cuộc chơi”. Nếu AU rồi đây thành công với AfCFTA thì đúng như vậy. Nhưng việc thực hiện thành công AfCFTA không dễ dàng chút nào đối với AU và hiện tại cũng chưa thấy có gì có thể đảm bảo chắc chắn là AU rồi sẽ thành công với việc thực hiện AfCFTA.

54 trong tổng số 55 thành viên của Liên minh châu Phi tham gia AfCFTA.

5 khó khăn lớn phía trước

Trước mắt, có 5 khó khăn lớn đặt ra đối với kế hoạch tham vọng này của AU.

Thứ nhất, như đã được đề cập ở trên, chưa biết đến khi nào châu lục này mới chấm dứt được hoàn toàn tình trạng chiến tranh, nội chiến, xung đột bạo lực, xung khắc về sắc tộc, tôn giáo giữa các quốc gia cũng như trong khuôn khổ phạm vi quốc gia. Đây là thách thức lớn nhất và hiện tại khó khắc phục nhất đối với AU nhưng việc khắc phục nó lại là một trong những điều kiện tiên quyết đối với thành công của AfCFTA.

Thứ hai, AfCFTA thành công đến mức nào phụ thuộc mang tính quyết định ở mức độ tự do đi lại của người dân và tự do chu chuyển hàng hoá và dịch vụ dọc ngang châu lục. Đối với thành công của khu vực mậu dịch tự do, chỉ xoá bỏ mọi thuế quan và rào cản thương mại không thôi chưa thể đủ. Trên phương diện này, cả trong AfCFTA lẫn Chương trình nghị sự 2063 đều chưa thấy có lộ trình thực hiện cụ thể, thích hợp và khả thi.

Thứ ba, AU cần nguồn vốn đầu tư rất lớn cho việc phát triển hay cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết trên mọi phương diện để phục vụ cho việc thực hiện AfCFTA, trong đó đặc biệt phục vụ cho việc chu chuyển tự do của con người, hàng hoá và dịch vụ dọc ngang châu lục. Hiện tại, AU chưa cho thấy là đã có được lời giải cho bài toán khó này.

Thứ tư, các nước thành viên AU tham gia AfCFTA cần nhiều thời gian chứ không phải ít và khó khăn chứ không dễ dàng trong việc tạo dựng bản sắc và văn hoá chung cho châu lục mà bất cứ tổ chức hợp tác, liên kết và nhất thể hoá khu vực hay châu lục nào trên thế giới muốn thành công đều phải có được. Ở châu Phi, việc này khó khăn và phức tạp hơn hẳn mọi nơi khác.

Thứ năm, AfCFTA buộc các thành viên tham gia phải điều chỉnh toàn bộ chính sách đối nội cũng như đối ngoại, chính sách phát triển kinh tế xã hội cũng như kinh tế đối ngoại của mình. Trong đó, đặc biệt quan trọng và cũng không mấy dễ dàng là việc hài hoà hoá sự tham gia vào AfCFTA với quan hệ hiện có giữa từng thành viên với các đối tác của họ ở bên ngoài châu lục.

Đích hiện còn ở xa và đường phải đi để tới đích hiện còn dài đối với AU. Nhưng không thể phủ nhận là châu lục này đang có bước chuyển giai đoạn với ý nghĩa lịch sử, mở ra thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế mới cho cả châu lục, đồng thời buộc các đối tác bên ngoài, trước hết là Trung Quốc, Mỹ, EU hay Nhật Bản hoặc Ấn Độ phải điều chỉnh chiến lược và chính sách của họ đối với châu lục.

Theo Báo Thế giới và Việt Nam