web analytics

Chào mừng 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021) Nhà báo Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh 21/06/2021

(KDTT) – Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh (sau đây xin gọi tắt là Bác, là Người) đã có tròn nửa thế kỷ viết báo. Từ bài báo đầu tiên đăng trên báo Nhân đạo (L’humanité – Pháp), ngày 18/6/1919, tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp ở các nước thuộc địa, đòi các quyền dân sinh, dân chủ cho người dân, thể hiện trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam, đến bài báo cuối cùng “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng trên báo Nhân dân, ngày 3/2/1969, theo thống kê chưa đầy đủ, Bác đã viết khoảng 2000 bài báo đăng trên báo của các nước Pháp, Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam… với hàng chục bút danh khác nhau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo cách mạng vĩ đại.                                                                                 (Ảnh tư liệu)

Trong thời gian ở tại Pháp (từ cuối năm 1917 đến giữa năm 1923), ngoài tờ báo Nhân đạo (lúc đầu là cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp mà Bác là đảng viên từ cuối năm 1918 đến năm 1921, báo Nhân đạo là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp, mà Bác là một trong những thành viên sáng lập cuối năm 1920), Bác đã viết hàng chục bài, Người còn tìm cách làm quen với Ga-xtông Mông-mút-xô, biên tập viên Tạp chí “Đời sống thợ thuyền”, với Giăng Lông-ghê, cháu ngoại của Các- Mác, biên tập viên báo “Dân chúng”, để gửi các bài đăng báo. Nội dung các bài báo này tập trung tố cáo tội ác của thực dân, tư bản, kêu gọi nhân dân đấu tranh, tuyên truyền những hiểu biết về Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, về chủ nghĩa cộng sản, về lòng yêu nước, về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc…

Sau khi đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin đăng trên báo Nhân đạo tháng 7/1920, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc; sau khi trở thành đảng viên cộng sản tháng 12/1920, tháng 7 năm 1921, Người cùng một số nhà cách mạng của một số nước Á – Phi đang hoạt động tại Pari thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Đầu năm 1922, để mở rộng ảnh hưởng của Hội, hiểu rõ vai trò của báo chí đối với việc tuyên truyền cách mạng, do uy tín hoạt động của mình, Người nêu lên ý định thành lập một tờ báo của Hội, đặt tên cho tờ báo là “Người cùng khổ” nhằm phản ánh cụ thể, chính xác hoàn cảnh cuộc sống của người dân ở các nước thuộc địa. Các thành viên Ban lãnh đạo Hội Liên hiệp thuộc địa đã tín nhiệm giao cho Người phụ trách tờ báo. Người vừa làm biên tập, vừa viết bài, vừa xuất bản và làm luôn công tác phát hành báo. Số đầu tiên của tờ báo Người cùng khổ ra mắt bạn đọc vào ngày 1/4/1922, với chỉ một trang khổ rộng, in bằng ba thứ tiếng: Pháp, Arập, Trung Quốc. Lời chào của toà soạn báo viết: “Đây là tờ báo đầu tiên nói lên tiếng nói của mọi người lao động ở tất cả các xứ thuộc địa của Pháp”. Bác là tác giả của rất nhiều bài viết và các tranh ký hoạ, tranh châm biếm đăng trên tờ báo này. Báo được phân phát tại Pari cho kiều bào các nước, đến tay những người công nhân, đến các thuộc địa của Pháp, trong đó có Đông Dương. Tờ báo Người cùng khổ chỉ xuất bản được 38 số thì bị chính quyền thực dân đình bản vì họ cho rằng nội dung của tờ báo gây phương hại đến chính sách của Chính phủ Pháp ở các thuộc địa. Những bài viết của Nguyễn Ái Quốc đăng trên tờ báo Người cùng khổ và một phần trong bản thảo cuốn sách của Người có tiêu đề “Những người bị áp bức”, sau này được tập hợp lại thành cuốn sách “Bản án chế độ thực dân Pháp” xuất bản năm 1925 tại Pari.

Từ giữa năm 1923, sau khi chuyển sang công tác ở Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Matxcơva (Nga), Nguyễn Ái Quốc nhanh chóng liên hệ và viết bài cho các tờ báo của nước Nga Xô-viết và của Quốc tế Cộng sản. Đó là các báo Pravda (Sự thật), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Liên Xô; tạp chí Ngọn lửa nhỏ (Aganhốc); tạp chí Thư tín Quốc tế, cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản; báo Tiếng còi… Đặc biệt, sau khi Lênin mất (24/1/1924), thì ngày 27/1, báo Pravda đã đăng bài của Nguyễn Ái Quốc, với chức danh Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, viết ca ngợi Lênin, vị lãnh tụ của nhân dân Liên Xô và của giai cấp vô sản toàn thế giới. Trong thời gian công tác ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc vẫn viết bài cho các báo Người cùng khổ, Nhân đạo, Đời sống thợ thuyền… ở Pháp.

Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc chuyển về Quảng Châu (Trung Quốc) công tác trong Phái đoàn Cố vấn Liên Xô bên cạnh Chính phủ Trung Hoa Dân quốc của Tôn Trung Sơn, đồng thời theo dõi, báo cáo hoạt động của phong trào nông dân Quảng Đông cho Quốc tế Nông dân. Người cũng có ý định sẽ trở về nước hoạt động khi có điều kiện. Tại đây, Người đã liên hệ với những người yêu nước Việt Nam trong tổ chức Tâm tâm xã, sau đó xây dựng hạt nhân cho tổ chức này dưới tên gọi là Cộng sản đoàn. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên vào giữa năm 1926. Bằng kinh nghiệm hoạt động phong phú của mình, Người đã chủ trương lập ra một cơ quan ngôn luận cho Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Số đầu tiên của tờ báo mang tên Thanh niên, do Người phụ trách, ra ngày 21/6/1925. Từ đó, ngày 21/6 hàng năm được lấy làm Ngày kỷ niệm Báo chí cách mạng Việt Nam. Tờ báo ra bằng hai thứ tiếng Việt và Hoa. Đây là lần thứ hai, Nguyễn Ái Quốc phụ trách, chịu trách nhiệm chính đối với sự ra đời, hoạt động, xuất bản của một tờ báo. Các bài viết của báo Thanh niên tập trung chủ yếu vào việc tuyên truyền cho quần chúng về chủ nghĩa Mác – Lênin, những nghị quyết, chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, về sự cần thiết phải thành lập một tổ chức cộng sản để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, vạch trần tội ác của thực dân Pháp, phong kiến triều Nguyễn, kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp… Báo phát hành vài trăm bản một kỳ, được bí mật đưa về Việt Nam, Xiêm (Thái Lan), Việt kiều ở miền Nam Trung Quốc. Nguyễn Ái Quốc đã viết nhiều bài đăng trên báo Thanh niên vừa tổ chức mở các lớp huấn luyện cán bộ, vừa tìm cách gửi những thanh niên Việt Nam ưu tú vào học Trường Quân chính Hoàng Phố nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng và Đảng Cộng sản ở Việt Nam sau này. Người phụ trách tờ báo đến tháng 3/1927 thì phải rời Quảng Châu để tránh sự truy lùng của Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch. Tuy nhiên, tờ báo do Người tổ chức thành lập vẫn hoạt động cho đến đầu năm 1930, phát hành tổng cộng được 238 số.

Trong thời gian hoạt động trong đồng bào Việt kiều ở vùng Đông Bắc Thái Lan (từ giữa năm 1928 đến cuối năm 1929), Nguyễn Ái Quốc vẫn tiếp tục viết báo để tuyên truyền, hướng dẫn hoạt động cách mạng cho bà con Việt kiều tại đây.

Trở lại Liên Xô cuối năm 1934, công tác ở Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc, thuộc địa của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc vẫn tiếp tục cộng tác, viết bài cho tạp chí Thư tín Quốc tế. Trong thời gian hoạt động ở Trung Quốc (từ cuối năm 1938 đến trước khi trở về nước tháng 1-1941), Người vẫn tiếp tục viết nhiều bài báo của Việt kiều ở các địa phương Người công tác, đồng thời gửi bài về nước đăng tải trên báo của Đảng Cộng sản Đông Dương và một số tờ báo tiến bộ khác.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc trong 30 năm ở nước ngoài luôn gắn chặt với báo chí. Với các bài viết ngắn gọn, dễ hiểu, có sức cổ vũ mạnh mẽ, Người đã sử dụng báo chí làm vũ khí đấu tranh sắc bén, hiệu quả chống lại sự thống trị, đàn áp của thực dân, phong kiến, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân đứng lên đấu tranh, giành lại độc lập cho dân tộc. Nguyễn Ái Quốc đã trở thành Người sáng lập, đặt nền móng cho Báo chí cách mạng Việt Nam.

PGS.TS NGUYỄN MẠNH HÀ
Viện Lịch sử Đảng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh