web analytics

Chào mừng 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021) Đồng hành và phát triển cùng đất nước 21/06/2021

(KDTT) – Đã gần một thế kỷ trôi qua, nền báo chí Cách mạng Việt Nam với sự ra đời của tờ báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu tiên vào ngày 21/6/1925 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã minh chứng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa, góp phần đáng kể vào sự nghiệp Cách mạng của Đảng, nhân dân và vào sự phát triển không ngừng của đất nước.

Sứ mệnh cao cả và tiên phong

Cùng với những thăng trầm của lịch sử, báo chí Cách mạng Việt Nam đã ghi dấu ấn với công lao trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Và hôm nay là đóng góp vai trò to lớn trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Đúng như ghi nhận trên bài viết ở VOV 5: Báo chí phát triển không chỉ giúp nhân dân Việt Nam thỏa mãn nhu cầu văn hóa, mở mang và trau dồi tri thức, mà còn tạo ra các diễn đàn với nhiều hình thức phong phú, sinh động để các tổ chức xã hội, mọi người dân đóng góp ý kiến, thậm chí phản biện, đối với các chủ trương, chính sách của Nhà nước và của các cấp chính quyền, nâng cao dân chủ, bảo vệ và phát huy các giá trị của nhân quyền. Trong nhiều trường hợp, báo chí thật sự là công cụ bảo vệ lợi ích xã hội, bảo vệ quyền của người dân, nhất là kiểm tra, giám sát thực thi các chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam chủ động, tích cực phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng, phê phán hành vi vi phạm quyền công dân cùng những biểu hiện tiêu cực khác. Những cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện về các vấn đề quan trọng của đất nước cũng được các phương tiện thông tin đại chúng công bố công khai… giúp người dân tiếp cận với các vấn đề quan trọng, từ đó có các ý kiến phản biện… Như vậy, báo chí Việt Nam khẳng định rõ vai trò và trách nhiệm xã hội to lớn, cũng là phương tiện quan trọng trong bảo vệ và phát huy các giá trị của nhân quyền.

Báo chí Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của xã hội về thông tin hoạt động của các cơ quan Nhà nước, bảo đảm thực hiện nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân kiểm tra để hoạt động của Chính phủ, của bộ máy hành chính các cấp phục vụ tốt hơn cho người dân. Báo chí cũng thực hiện tinh thần trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân, phản ánh kịp thời, trung thực những nguyện vọng, ý kiến của người dân; truyền tải thông tin thiết thực phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

Xứng đáng là “thư ký” của thời đại

Trong bài viết về báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhận định rằng: Trong bối cảnh bùng nổ của mạng xã hội, tin giả lan tràn, báo chí luôn phải đối mặt với nguy cơ bị mạng xã hội chi phối và lấn át, nhất là thông tin về các vấn đề, vụ việc nhạy cảm, phức tạp. Do được cập nhật những công cụ, tính năng công nghệ mới khiến việc chia sẻ thông tin dễ dàng hơn mà không cần kiểm chứng nguồn tin đã giúp mạng xã hội phát huy được thế mạnh về tốc độ đưa tin và khả năng liên kết, khiến báo chí mất dần vị thế là kênh thông tin chủ đạo.

Phóng viên luôn luôn có mặt và đưa tin kịp thời ở các sự kiện.
(Trong ảnh, Đại biểu trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Đại hội XIII của Đảng diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ngày 29/1/2021)

Sự phát triển của công nghệ truyền thông vừa tạo cơ hội vừa gây ra thách thức gay gắt đối với báo chí. Chưa bao giờ chúng ta có nhiều loại hình báo chí với đội ngũ những người cầm bút hùng hậu như hiện nay. Do đó, hơn lúc nào hết, báo chí cách mạng Việt Nam cần tiếp tục bắt kịp những xu hướng báo chí mới, khắc phục những khó khăn bất cập, hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả là “người thư ký” của thời đại.

Phát biểu của nhà báo Hồ Quang Lợi thật xác đáng bởi trong suốt hành trình gần một thế kỷ qua, báo chí Cách mạng Việt Nam luôn có mặt trong suốt thăng trầm của đất nước ở mọi thời đoạn trong lịch sử. Mỗi nhà báo đã thực sự là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ Cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng khẳng định: Các nhà báo của chúng ta luôn đi đầu trên mặt trận đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc cũng như bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội, là diễn đàn để đông đảo quần chúng nhân dân đóng góp ý kiến cũng như thực hiện quyền giám sát công tác điều hành của chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương. Nhiều phóng viên đã không quản gian khổ, sẵn sàng đối mặt với những “hiểm nguy”, kịp thời có mặt tại những “điểm nóng”, “ổ dịch bệnh nguy hiểm” để hoàn thành sứ mệnh cao cả của người làm báo.
Trong xu thế hiện nay, khi cả thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp với những bước chuyển không ngừng. Áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ về mọi mặt đời sống xã hội. Báo chí Cách mạng Việt Nam, những người làm báo Việt Nam cũng phải có bước vượt bậc trước những thách thức áp lực để phù hợp với xu thế thời đại, thường xuyên tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, nâng cao vốn sống, hiểu biết vốn nghề, xác định tâm thế dấn thân, viết về lĩnh vực gì thì phải nắm chắc lĩnh vực đó. Song, với tất cả tâm huyết, trách nhiệm cao cả của người làm báo Việt Nam với bút sắc, lòng trong, tâm sáng, chúng ta tin tưởng rằng những người làm báo hôm nay đã, đang và sẽ làm tốt sứ mệnh của mình với Đảng với đất nước và nhân dân.

AN PHONG (tổng hợp)