web analytics

Cha tôi… 29/11/2021

(KDTT) – Tặng gia đình thân yêu, trong ngày đặc biệt một bông hoa Dành Dành đã chào đời 28 năm về trước. Mẹ đã từng viết về cha – ông của các con, để nhắc rằng, trên đời này, điều hạnh phúc nhất là được bình yên ở bên nhau.

Có đứa con nào không lặng người khi một ngày cha gọi, đưa cho tờ giấy thống kê “Những công tác đã qua”, “Những việc cần làm thời gian tới”?
Có đứa con nào không lặng người rồi rội vàng khỏa lấp: Ôi giời! Bố cẩn thận thế! Bố đưa con mấy thứ này sớm thế làm gì! Ông thì cứ phải là còn nhiều trọng trách lắm đấy ạ! Này nhé…
Có đứa con nào không bồi hồi xúc động khi lén mở, chụp lại cuốn sổ cất tận đáy chiếc hòm gỗ. Cuốn sổ giấy đã ố vàng, ghi lại niềm vui, nỗi buồn, những ngày gian khó, những động viên, những nghị lực vươn mình, những TIẾNG TƠ LÒNG của cha tôi – chàng thi sĩ Bắc Băng Dương…

“- Từ 1954 – 1956, tham gia du kích tại địa phương.
– Từ 1956 – 1959, công tác tại công trường 5- Mỏ Apatit Lao Cai.
– Từ 1959- 1960 , công tác tại Nhà máy điện Lao Cai
– Từ 1960 -1961, công tác tại Nhà máy gạo Hà Đông.
– Từ 1961-1963, công tác tại Đoàn 17- Bộ kiến trúc, xây dựng giúp Vương Quốc Lào- Thị Xã Khang Khay- Xiêng Khoảng.
– Từ 1963-1975, công tác tại công ty xây dựng Thuỷ Điện Thác Bà
– Từ 1975-1987, công tác tại Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà
– Từ 1987- nghỉ hưu tại Thị trấn Thác Bà, tham gia một số công tác tại địa phương…”

 

Cuộc đời một con người, thống kê lại, vừa vặn chỉ bấy dòng thôi!
Nhưng khát vọng sống, khát vọng cống hiến của cả một đời người, đâu thể vẻn vẹn chỉ trong cuốn sổ!
Sông Chảy thì vẫn xanh!
Tiếng còi tầm còn đó!
Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà, nơi Cha cùng bạn bè, đồng đội dành cả tuổi xuân để dựng xây, bảo vệ đang từng ngày phát triển, mỗi ngày một vững chãi, trường tồn.

Hai mươi ba năm, lúc công trình Thủy điện Thác Bà là mục tiêu trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ với các loại “Thần sấm”, “Con ma” cùng nhiều loại vũ khí tối tân, cũng chính là lúc cha cùng đồng đội của mình ngày đêm thi công con đập sừng sững chặn ngang dòng thác, chạy đua với giặc, “tay búa, tay súng”, phối hợp với bộ đội chủ lực và Tỉnh đội, chiến đấu kiên cường dưới mưa bom bão đạn, bẻ gãy hàng trăm cuộc tấn công đường không của giặc.
Ba mươi hai cán bộ, chiến sỹ nằm xuống trong trận bom Mỹ đánh đơn vị Sắt Hàn.
Chỉ huy phó công trường cùng bạn gái thân nhất của cha – Cô Thuỷ- cũng nằm xuống trong trận chúng đánh Công trường khoan phun.
Máu đổ, bom rơi.
Ngày khoan phun gia cố móng công trình, đêm đến, ánh đèn của cha lại soi sáng những lớp học bổ túc. Người thầy giáo trẻ, chàng thợ cơ khí bậc 5 đẹp trai, hào hoa vẫn cất cao tiếng đàn, tiếng hát. Ánh đèn ông, lời thơ ông, tiếng hát ông đã tiếp thêm nghị lực, cùng bạn bè, đồng đội vượt lên đau thương, dựng xây và chiến đấu.

Ngày 22/2/1970, ngày hội ngăn sông, nắn dòng sông chảy qua các cửa tràn của Nhà máy. Đêm ấy, cha đã viết:

Thuỷ điện Thác Bà xả ra bao sóng bạc
Đi về đâu, em có biết không?
Em tựa vai anh trong bóng tối sẫm mầu
Khẽ thầm thì: Sóng là gì, Thơ là gì, anh nhỉ

Em ơi em! Thơ là trời xanh, sóng là biển cả
Là mắt em, là lòng anh lơi lả
Là nỗi buồn man mác những đêm đông
Là tiếng “ Xung phong!” thúc giục ở chiến trường
Là ánh trăng treo nơi đầu ngọn súng*( Chính Hữu)

Là thu về lá thu êm rụng
Là đông tàn lại đến mùa xuân
Em có nghe hoa trái nở trong vườn
Mùa rộn rã. Đó là thơ, em ạ!

Viết những dòng này tặng em tất cả
Sóng cuộc đời mình, vất vả cũng là thơ…”
(Sóng Thác Bà – 1970)

Sau ngày Thuỷ điện Thác Bà đập chính đã hai bờ hàn khẩu, anh thợ cơ khí đẹp trai ấy đã nên duyên chồng vợ cùng cô thanh niên xung phong quê Hà Nam Ninh lên xây dựng Thuỷ điện Thác Bà…

Trong ký ức của tuổi vừa biết nhớ, tôi thấy gia đình tôi ở ngôi nhà bé nhỏ, mái lợp gianh, cột gỗ bồ đề và những bức tường đan bằng phên nứa. Tại ngôi nhà cất ở Kho Mìn đó, cha tôi đã viết những dòng này:

“Cái bơm tiêm bơm liều thuốc ngọt
Cái bơm xe đạp bơm hơi căng đầy
Còn trái tim tôi bơm dòng máu đỏ
Đi khắp cơ thể, đến từng ngón tay

Ngón cái là tôi
Ngón này mẹ nó
Ngón này Chị cả
Ngón này Thằng hai
Thằng Út đây rồi
Hãy còn bé quá!

Bao giờ chúng nó
Khôn lớn trưởng thành
Dẫu xuống suối vàng
Vẫn cười vui vẻ…”
(Năm ngón tay – 1978)

Cũng trong ký ức nguyên vẹn tươi ròng, tôi thấy ấu thơ tôi cùng gia đình và tổ Bảo Vệ Đập sống nơi Đập 9.
Không có điện, chỉ thừa nắng, thừa gió. Ba bề là rừng, một bề là hồ êm êm sóng vỗ. Nước sinh hoạt phải gánh tận chân đồi.
Tôi thấy cha tôi cùng nhiều cô chú khác, súng trên vai, dao phát trên tay, ngoài giờ đi làm, đi tuần thì xuống hồ đánh cá, rảnh lại trồng sắn, tra lúa, phát nương.

Ông, vâng, chính ông đã dẫn lối cho tôi đến với văn chương từ những ngày non dại ấy, bằng Tây Du Ký, Tam quốc Diễn Nghĩa, Thuỷ Hử, Truyện Kiều… Tất cả đều do cha kể trong những đêm cả nhà tôi bóc, băm và phơi sắn dưới trăng đêm vằng vặc:

“Chị Hằng ơi! Mời chị xuống chơi!
Nhà tôi tuy nhỏ, đủ chỗ ngồi
Chị cứ cười duyên trên Cung Nguyệt
Hay chị bảo rằng tôi xấu trai?

Chị chớ tưởng lầm tôi xấu trai
Chị có hay chăng ở trên đời
Có vạn người xinh mà chưa đẹp
Còn tôi trong sáng tựa khí trời…”
(Gửi Chị Hằng- 1982)

Rồi, khi “Cụ” “nghỉ hưu”:

“Cà muối chua chua một đĩa đầy
Súp thơm phưng phức một lọ đây
Chuối xanh một bát ngon đáo để
Nhâm nhi đôi chén, thế mà hay!

Hay ở lòng ta rất thảnh thơi
Nghĩa vụ non sông đã trả rồi
Mười sáu tuổi xuân vào du kích
Súng khoác trên vai bước một hai…

Gửi gánh cho đời, tôi nghỉ hưu
Có thể đạm bạc bữa cơm chiều
Nhưng đâu có phải lòng đạm bạc
Vi vút lòng ta tiếng sáo diều…”
(Sáo Diều – 1989)

“Một mình cũng bát cũng mâm
làm như đại tiệc không bằng ông ơi

– Bà ơi tuổi ngoại sáu mươi
Còn đâu cái tuổi đương thời thuở xưa
Trường Sơn ngủ đứng nằm mưa
Bi đông đựng nước cạn khô mất rồi
Đói cơm mà vẫn vui cười
Khắc lên báng súng những lời tâm tư

Bây giờ tuổi đã về già
Trồng cây vun xới, nở hoa cho đời
Vui cùng con cháu thảnh thơi
Cũng là nét đẹp của người Việt Nam

Bữa cơm đạm bạc không bàn
Nhưng phải đàng hoàng là lẽ tự nhiên!”
(Bữa cơm một mình – 1994)

Người trai đó giờ đã ngoại tám mươi, sắp sang ngưỡng tám nhăm.
Tắc nghẽn động mạch phổi là di chứng của những ngày công trường khói bụi, đạn bom.
Trái tim da diết yêu thương của ông đã vài lần phải nhờ can thiệp của y khoa (Ông bảo: Họ măng xông, khác gì xưa bố măng xông săm xe đạp!).
Dẫu có ốm đau, đi viện, dù bệnh viện tỉnh hay bệnh viện Trung ương, trừ những lúc thiếp nằm, chưa bao giờ tôi thấy cha xuống tinh thần, chưa bao giờ thấy ông tỏ ra bi luỵ.

Với bạn:

“Vào Viện đã được mấy ngày
Tâm sự cùng nhau đến là hay
Người đi dạy học, người bộ đội
Bao chuyện đời tư, vui lắm thay…”
              (Nằm viện Thác Bà- 2013)

Và với các con:

“Cha ốm đã đến nỗi gì
Các con vất vả đi về sớm hôm
Rồi thì cơm, phở, tim gan
Thuốc thang, đường sữa, lấy tiền đâu ra

Thôi thì cứ để tự cha
Ốm rồi sẽ khỏi, qua loa vài ngày
Chiều thì bóng ngả về Tây
Đường về cõi Phật, xưa nay thế mà…”
(Bóng Chiều- 32013)

Được làm con của Cha, được thừa hưởng tình yêu quê hương, yêu con người, yêu cuộc sống từ cha, được sống, lao động và cống hiến cho công ty Cha từng cống hiến cả tuổi xuân gầy dựng, tôi thấy mình diễm phúc.

Hôm qua tôi thấy ông ký trên bao da vỏ điện thoại chữ ký của ngày trai trẻ, chữ ký mang tên: Bắc Băng Dương.
Tôi kể cha nghe, rằng công ty con (Cũng là nhà máy của Cha), sắp tổ chức Lễ kỷ niệm năm mươi năm xây dựng – trưởng thành, thấy đôi mắt ngùi ngùi kỷ niệm, biết Người lại nhớ Thuỷ Điện Thác Bà ngày đó, nhớ bạn bè, đồng đội, người còn, người khuất nay đâu…

Viết những dòng này, tim con cũng không khỏi ngùi ngùi.
Ráng thuốc thang để khoẻ thêm, cha nhé!

Cha ơi!
Chúng con yêu Cha !!!

NGỌC HÀ

Bạn đang đọc bài Cha tôi…
tại chuyên mục Văn hóa – Giải trí.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT