web analytics

Cảnh giác với “cơn sốt” đào Pi 06/04/2021

(KDTT) – Sau Bitcoin, sự xuất hiện của đồng Pi đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người Việt Nam, với ước mơ sẽ có tiền thật. Mặc cho các cảnh báo rằng đây có thể là trò lừa đảo, hoặc có nguy cơ về bảo mật…, song làn sóng người dùng Việt đổ xô tải ứng dụng Pi Network về điện thoại thông minh để “đào” đồng tiền ảo này vẫn chưa dừng lại.

Pi đang được mọi người lựa chọn với hy vọng một ngày nào đó, Pi sẽ tăng giá khủng khiếp như Bitcoin. (Ảnh: Internet).

Nung nấu giấc mơ sẽ lãi lớn như Bitcoin

Pi Network được nhóm phát triển từ Đại học Stanford (Mỹ) giới thiệu là loại tiền ảo có thể được “đào” trực tiếp trên điện thoại thông minh, mà không cần đến dàn máy tính “khủng” giá trị hàng trăm triệu đồng để “đào” như Bitcoin.

Trong lộ trình phát triển được công bố, đồng Pi chia làm 3 giai đoạn gồm: giai đoạn thiết kế, thử nghiệm trên Testnet, và giai đoạn chính thức Mainnet. Hiện tại người tham gia không mất gì về mặt tiền bạc mà chỉ phải trải qua quy trình KYC (know your customer – định danh khách hàng) để tránh gian lận.

Theo hướng dẫn, người dùng chỉ cần cài ứng dụng vào điện thoại thông minh, tạo tài khoản, đăng nhập và mỗi ngày đều đặn vào ứng dụng bấm nút là xong. Việc đào tiền ảo sẽ do hệ thống và ứng dụng đảm nhiệm. Để kích thích người dùng tích cực mời người khác tham gia, ứng dụng này đưa ra cơ chế tăng tốc độ đào Pi. Cứ mời thêm một người dùng, tốc độ đào Pi sẽ tăng thêm 0,5 lần/giờ; gấp hơn 4 lần tốc độ mặc định ban đầu. Điều này có nghĩa, trung bình mỗi ngày một người có thể thu về 2 Pi trở lên mà không cần phải làm gì.

Ở thời điểm hiện tại, người tham gia đào Pi không phải nạp bất kỳ loại tiền nào vào ứng dụng, thậm chí các hoạt động khác trên điện thoại cũng không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, họ buộc phải cung cấp thông tin cá nhân bao gồm ảnh chụp hộ chiếu, số điện thoại, email cá nhân. Bên cạnh đó, Pi Network còn thu thập một lượng dữ liệu đáng kinh ngạc về điện thoại của người dùng như: sửa đổi hoặc xóa nội dung trong bộ lưu trữ USB; đọc nội dung trong bộ lưu trữ USB; xem ID thiết bị và thông tin cuộc gọi; đọc trạng thái điện thoại và danh tính; đọc danh bạ; xem các kết nối Wi-Fi; nhận dữ liệu từ Internet…

Dường như việc giá của đồng Bitcoin tăng quá cao nên Pi đang được mọi người lựa chọn với hy vọng một ngày nào đó, Pi sẽ tăng giá khủng khiếp như Bitcoin.

Chỉ cần vào Facebook tìm kiếm từ Pi, người dùng có thể tìm thấy hàng chục nhóm liên quan đến đào Pi, mua bán – trao đổi Pi với số lượng thành viên từ vài ngàn lên đến hàng chục ngàn. Thành viên mới tham gia các hội nhóm đều được cộng đồng hỗ trợ đầy đủ và chi tiết cách tham gia khai thác Pi, xác minh danh tính, trao đổi, mua bán Pi. Nhiều trường hợp sẵn sàng bán lại số Pi mà mình đã đào với giá rẻ cho những ai có nhu cầu. Không ít người còn “khoe” chỉ sau một thời gian ngắn đào loại tiền ảo này đã cho thu nhập khá hơn ngành nghề họ đã từng làm.

Đa số người chơi Pi đều có chung một tâm lý: “Miễn phí mà, tội gì không chơi”. Chính cơ chế “miễn phí” này đã thu hút rất đông người tham gia. Người chơi cũng hy vọng, nếu đào được Pi thì ngày nào đồng tiền này tăng giá như Bitcoin, họ sẽ kiếm được rất nhiều tiền.

Quan ngại trước góc khuất của đồng Pi

Pi Network hiện tại vẫn chỉ là một dự án có giá trị bằng 0 và liệu có phải một dự án ‘scam’ (lừa đảo tài chính quốc tế) không vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. (Ảnh: Chụp màn hình app Pi)

Dự án Pi Network khởi động từ ngày 14/3/2019 và sau 2 năm đến nay đã sở hữu một lượng người dùng “khủng” mà nhiều dự án tiền ảo khác mơ ước.

Trang Fanpage của Pi Network vừa qua đã công bố đạt được 13 triệu người dùng trên toàn thế giới và ứng dụng này trên PlayStore đã có hơn 10 triệu lượt tải xuống.

Thực tế cho thấy, chơi tiền ảo chưa biết hiệu quả sẽ như thế nào nhưng trong thời đại “Data is King” (dữ liệu là vua), khi nắm được dữ liệu thì Pi Network hoàn toàn có thể làm được nhiều việc khác nữa để thu lợi. Trước tiên là việc yêu cầu nhiều quyền truy cập vào điện thoại có thể khiến người dùng đối mặt với nguy cơ bị thu thập, đánh cắp các thông tin riêng tư, nhạy cảm. Kẻ xấu sẽ lợi dụng nguồn “dữ liệu” này để hoạt động với các mục đích khác hoặc bán thông tin cho bên thứ 3 nhằm trục lợi.

Các chuyên gia tài chính nhận định, bản chất của Pi Network là một hệ thống đóng, sử dụng nền tảng Blockchain sẵn có của Stellar (Stellar là nền tảng công nghệ thanh toán phi tập trung, mã nguồn mở); có sửa cấu hình để có đồng Pi. Hầu hết các dự án blockchain đều công bố code của họ dưới dạng mã nguồn mở để được xác thực bởi cộng đồng, tuy nhiên Pi Network thì không. Hiện tại nó không khác gì những ứng dụng di động thiếu minh bạch khác về khía cạnh công nghệ.

Đặc biệt, đồng tiền Pi còn thể hiện sự thiếu minh bạch ở chỗ, người dùng Pi có tài khoản, nhưng không có địa chỉ ví và khóa bí mật, như vậy, sau này sẽ không thể chuyển tiền hay tiêu được. Tiền chỉ được lưu trên điện thoại hoặc server tập trung, người quản trị có thể thay đổi và tạo ra bao nhiêu tiền tùy theo ý muốn. Khi đó, đồng tiền cũng không còn giá trị gì.

Pi Network hiện tại vẫn chỉ là một dự án có giá trị bằng 0. Nó cũng không có pháp nhân công ty (bên đứng ra quản lý) nên mọi hoạt động đều phụ thuộc vào thị trường ảo. Tức là người dùng phải chấp nhận không có pháp luật bảo vệ khi trao đổi, mua bán.

Pi Network liệu có phải một dự án ‘scam’ (lừa đảo tài chính quốc tế) không vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, nhưng đã đến lúc người dân Việt Nam cần cảnh giác, thận trọng với những lời chào mời quá hấp dẫn và phi thực tế về đồng tiền ảo này.

THANH HÀ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT